Nhìn lại vấn đề nhà nước Lâm Ấp trong lịch sử

Nhìn lại vấn đề nhà nước Lâm Ấp trong lịch sử
Tác giả: Đổng Thành Danh
Dẫn luận
Lâm Ấp (Linyi) là một quốc gia thường được nhắc đến trong các văn bản của Trung Hoa để chỉ chính thể đầu tiên là tiền thân của vương quốc Chiêm Thành, tức là Champa sau này. Trong hầu hết các mô tả ấy, Lâm Ấp hiện lên như một quốc gia độc lập thoát khỏi sự bành trướng của Hán triều, sau sự kiện Khu Liên lãnh đạo nhân dân huyện Tượng Lâm nổi dậy giết chết huyện lệnh. Những ghi chép sau đó cho thấy, Khu Liên và con cháu của ông đã nối tiếp nhau xây dựng các triều đại vừ cống nạp Thiên triều, nhưng cũng liên tục là mối de dọa cho vùng biên viễn phương Nam của Trung Hoa. Những ghi chép của Trung Hoa cũng cho thấy rằng các ông vua của Lâm Ấp đã không ngừng mở rộng cương vực lãnh thổ của mình về mọi hướng có thể, kể cả xung đột với phương Bắc, thỉnh thoảng các bậc Thiên tử phương Bắc phải cử quân trừng phạt Lâm Ấp. Theo đó những ghi chép về cương vực, về dân cư, bức tranh kinh tế – xã hội của quốc gia phương Nam này không ngừng được thu thập trong các văn khố của Trung Hoa cho dù đó chỉ là những ghi chép tản mạn, ít nhiều mang tính chủ quan (của người viết sử).[1]
Chính những thông tin tản mạn, tam sao thất bản, về Lâm Ấp trong các nguồn sử liệu Trung Hoa đã không ngừng tạo nên những ý kiến, quan điểm và tranh luận trái chiều của nhiều học giả liên quan đến vấn đề Lâm Ấp. G. Maspero là người đầu tiên sử dụng các tài liệu Trung Hoa để “vẽ lại” lịch sử Champa trong đó có các vấn đề liên quan đến Lâm Ấp,[2] nhưng phải đến P. Stein, thì người ta mới có một công trình chuyên khảo toàn diện về Lâm Ấp,[3] các quan điểm về Lâm Ấp của Stein đã có ảnh hưởng rất lớn đến các học giả sau này như G. Coedes, Dohamine, Dorohime, Po Dharma, P-B. Lafont và gần đây nhất là Anne. V. Schweyer.[4] Các nhận thức về Lâm Ấp của Maspero và Stein chỉ bị đặt những nghi vấn, lần đầu tiên, bởi Đào Duy Anh và sau đó, bởi W.A Southworth và M. Vickery.[5] Tuy nhiên, cho đến tận khi mà những khám phá mới nhất về khảo cổ học Champa được công bố trong những năm gần đây, quan điểm và nhận thức về Lâm Ấp của các học giả người Pháp mới thật sự bị thách thức.[6]
Bài viết này là một nghiên cứu mang tính đánh giá tổng hợp về các di sản trước đó, đồng thời gợi mở các quan điểm mới, các vấn đề mang tính khái quát về Lâm Ấp trong diễn trình lịch sử. Do đó nghiên cứu này sẽ tập trung vào các vấn đề liên quan đến: (1) Thời điểm ra đời, (2) Trung tâm hay vị trí ban đầu, (3) Mối quan hệ hay sự tiếp nối của Nhà nước Lâm Ấp trong lịch sử. Cách tiếp cận này, đòi hỏi chúng tôi phải vượt ra khỏi những nguồn tư liệu mang tính truyền thống là thư tịch Trung Hoa, tham khảo các nguồn khám phá mới của ngành khảo cổ học.
  1. Thời điểm ra đời của nước Lâm Ấp
Trong hầu hết các nghiên cứu về Lâm Ấp và Champa, năm 192 là niên đại đánh dấu sự thành lập của Nhà nước Lâm Ấp. Niên đại năm 192 này được đưa ra lần đầu tiên bởi Maspero trong công trình về vương quốc Champa xuất bản vào năm 1928 dựa vào thông tin được ghi chép trong Thủy Kinh Chú.[7] Gần 20 năm sau trong các nghiên cứu của mình cả Coedes và Stein cũng đều sử dụng niên đại 192 cho thời điểm ra đời của nước Lâm Ấp mà chắc hẳn là đã có tham khảo công trình của Maspero trước đó. Niên đại này sau đó được hiển nhiên chấp nhận mà không hề có sự nghi ngờ hay phê phán gì trong hầu hết các bài viết, công trình nghiên cứu cho đến tận thời điểm gần đây.
Cho dù hầu hết các nghiên cứu về Lâm Ấp đều ghi nhận niên đại 192 là thời điểm xuất hiện của Lâm Ấp, nhưng không phải là không có những dị biệt. Trong tác phẩm Chiêm Thành lược khảo, bà Vương Khả Lâm, không hề nhắc đến niên đại 192, mà thay vào đó bà ghi nhận rằng nhà nước Lâm Ấp ra đời vào năm 137 Dương lịch sau sự kiện Khu Liên nổi loạn giết huyện lệnh tự xưng làm vua. Tuy nhiên, bà không hề có một chú thích nào cho biết tại sao có niên đại này.[8] Niên đại mà Maspero đưa ra chỉ thật sự bị đặt nghi vấn bởi Đào Duy Anh, ông cho rằng Maspero đã không nhận thấy sự nhầm lẫn về thời điểm ra đời của nước Lâm Ấp được ghi trong Thủy Kinh Chú nên vội vàng kết luận thời điểm ấy là vào năm 192. Theo phân tích của Đào Duy Anh, thời điểm ra đời của nhà nước Lâm Ấp thực ra là vào năm 137 tức là năm thứ 2 niên hiệu Vĩnh Hòa đời Hán, trong thời điểm này có một cuộc khởi loạn chống lại nhà Hán. Do đó ông cũng cho rằng việc Thủy Kinh chú chép sự kiện Lâm Ấp ra đời vào thời niên hiệu Sơ Bình (190 – 193) là chép lầm giữa chữ Sơ Bình và Vĩnh Hòa, tức là chỉ ghi chép lại sự kiện đã diễn ra trước đó vào đời Vĩnh Hòa, vì vậy nước Lâm Ấp thật sự đã ra đời từ năm 137 chứ không phải 192. Đào Duy Anh cũng đề cập đến hai cuốn sách biên khảo thời Nguyễn là Đại Việt địa dư toàn biên Việt sử cương giám lược khảo là hai biên khảo ghi nhận rằng nước Lâm Ấp thành lập vào năm Vĩnh Hòa thứ 2 tức năm 137.[9]
Trong các nguồn tư liệu Trung Hoa, sự thành lập của nước Lâm Ấp đều được mô tả là kết quả của cuộc khởi loạn cuối đời Hán do một nhân vật cầm đầu, tuy nhiên các nguồn tư liệu đều không thống nhất về tên gọi của nhân vật này. Trong khi nhiều tư liệu như Thủy Kinh Chú, Tấn thư, Tùy thư gọi nhân vật này là Khu Liên,[10] thì Nam sử ghi tên ông là Khu Vương,[11] còn Lương thư lại ghi tên người này là Khu Đạt.[12] Cho đến nay chưa có một nghiên cứu nào có thể lý giải về sự khác biệt này. Chính vì nhiều nguồn tư liệu ghi tên nhân vật này là Khu Liên nên các nghiên cứu về sau đều sử dụng tên gọi Khu Liên mà không hề sử dụng các tên gọi kia. Dù vậy, một số các nghiên cứu cho rằng Khu Liên không phải là tên người mà là một từ được chuyển nghĩa từ tiếng bản địa ám chỉ tộc trưởng, thủ lĩnh hay vua.[13]
Cho dù hầu hết các sử liệu đều ghi nhận lại sự kiện lập nước Lâm Ấp nhưng phần lớn các nguồn tư liệu ấy đều không ghi chép gì về thời gian chính xác dẫn đến sự ra đời của nước Lâm Ấp mà chỉ ghi đại khái là ở thời Hán mạt, tức cuối đời Hán. Duy chỉ có Thủy Kinh chú ghi sự kiện này chính xác xảy ra vào thời Sơ Bình (một niên hiệu của vua Hán), tức là khoảng vào năm 190 – 193.[14] Dựa vào chi tiết này trong Thủy Kinh chú mà Maspero đã phán đoán về thời điểm ra đời của Lâm Ấp trong khoảng thời gian này, nhưng việc đưa ra niên đại chính xác của sự kiện này là vào năm 192 thì không có căn cứ và ông cũng không hề giải thích tại sao ông lại đưa ra niên đại như vậy.[15] Dù vậy, hầu hết các nghiên cứu về sau cũng theo nhận định này mà không hề có một phê phán hay bất kỳ lưu ý nào, hiển nhiên xem quan điểm của ông là đúng cho dù không hề có bất cứ tư liệu nào đưa ra một thời điểm xuất hiện của Lâm Ấp chính xác như Maspero đưa ra.
Còn về năm 137 mà Vương Khả Lâm và Đào Duy Anh, dựa theo các tư liệu thời Nguyễn, quy cho thời điểm ra đời của nước Lâm Ấp theo chúng tôi có thể bắt nguồn từ các sự kiện diễn ra trước năm 192 mà Hậu Hán thư đã ghi nhận được. Theo Hậu Hán thư – và được dẫn lại bởi nhiều nghiên cứu về sau, trong thời điểm những năm 100, 137, 144, 157, 178… liên tiếp xảy ra các cuộc nổi dậy của cư dân bản địa ở Tượng Lâm, họ tấn công khắp quận Nhật Nam, thậm chí còn liên kết với cư dân hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân để lật đổ sự cai trị của nhà Hán, giết quan lại người Hán.[16] Trong đó, cuộc nổi loạn năm 137 có tầm quan trọng nhất kể cả về tính chất và quy mô, cuộc nổi dậy này được ghi nhận như là một cuộc nổi dậy với lực lượng đông đảo và thời gian kéo dài. Cuộc nổi loạn này cũng có hai chi tiết quan trọng khác. Đầu tiên, cuộc nổi loạn lần này do các cư dân ngoài biên giới huyện Tượng Lâm, quận Nhật Nam phát động, họ vượt qua biên giới để tấn công vào lãnh thổ của Nhà Hán. Chi tiết thứ hai là nhóm người phát động cuộc khởi loạn lần này được gọi chung là bọn Khu Liên, trùng âm với nhân vật Khu Liên người lập nước Lâm Ấp, có thể dựa vào đây mà Đào Duy Anh cho rằng sự kiện năm 192 chính là sự kiện năm 137 mà Thủy Kinh chú đã chép nhầm.[17]
Ở chi tiết thứ nhất, hầu hết các học giả đều xem cuộc nổi loạn năm 137 là do một thế lực bên ngoài biên giới phát động tấn công vào huyện Tượng Lâm, bấy giờ thuộc sự thống trị của nhà Hán.[18] Tuy nhiên, Đào Duy Anh thì cho rằng hai chữ “Khiếu Ngoại” (ở ngoài cõi) trong Hậu Hán thư chưa chắc chỉ vùng đất ở ngoài biên giới mà chỉ miền đất ở xa phía biên giới, tức là vẫn thuộc huyện Tượng Lâm, do vậy cuộc khởi nghĩa này vẫn do cư dân trong huyện phát động.[19] Ở đây theo tôi cả hai khả năng này đều nên được lưu ý, chúng ta chưa thể đưa ra một kết luận nào khả dĩ rằng cuộc nổi dậy này do người dân Tượng Lâm phát động hay do người ngoài biên giới gây ra.
Ở chi tiết thứ hai, hai chữ “Liên” chép ở năm 137 và 192 dù đồng âm nhưng khi viết ra thì là hai chữ có hai nghĩa khác,[20] Đào Duy Anh cũng đã lưu ý về điểm dị biệt trong hai chữ “Liên” chép trong Hậu Hán thư và Thủy Kinh chú, nhưng vì ông vẫn cho rằng tác giả Thủy Kinh chú đã lẫn lộn giữa sự kiện năm 192 và 137, nên ông xem sai biệt này là tất yếu, cả hai chữ đều ám chỉ một nhân vật hoặc một nhóm người, ở đoạn sau ông vẫn cho rằng sự kiện Khu Liên khởi nghĩa năm 192 và năm 137 là một, Thủy Kinh chú chỉ ghi lại sự kiện năm 137 của Hậu Hán thư nhưng lại chép nhầm năm, do đó ông kết luận nước Lâm Ấp đã ra đời từ năm 137.[21] Theo tôi lập luận của Đào Duy Anh về chi tiết này chưa thỏa đáng, vì lập luận cho rằng tác giả Thủy Kinh chú đã chép lầm sự kiện năm 137 trong Hậu Hán thư là chưa có căn cứ hoàn toàn và là phán đoán chủ quan. Mặt khác, hai chữ “Liên” trong Hậu Hán thư và Thủy Kinh chú không chỉ khác nhau về nghĩa, mà còn ám chỉ hai chủ thể khác nhau, chữ “Liên” của Hậu Hán thư ám chỉ một tập thể người, trong khi chữ “Liên” trong Thủy Kinh chú ám chỉ một nhân vật cụ thể.[22]
Như vậy, cho đến nay, hầu hết các quan điểm đưa ra về thời điểm ra đời của Nhà nước Lâm Ấp đều nên được xem xét lại, ta có thể tạm chấp nhận một niên đại ước chừng là khoảng năm 190 – 193 cho thời điểm ra đời của Lâm Ấp như trong ghi nhận của Thủy Kinh chú, dù phần lớn các nguồn sử liệu sau đó chỉ ghi rằng Lâm Ấp lập quốc thời Hán mạt chứ không chỉ đích xác là thời Sơ Bình. Nhưng sỡ dĩ tôi chỉ e dè xem đây là một niên đại tạm thời là vì chỉ có sách Thủy Kinh chú ghi chính xác thời điểm ra đời của Lâm Ấp, cũng rất có thể nước Lâm Ấp đã ra đời từ trước đó, sự kiện Khu Liên giết huyện lệnh có thể chỉ ám chỉ vị thủ lĩnh của nước Lâm Ấp (đã ra đời trước đó) tấn công một vùng nào đó ở Nhật Nam giết quan cai trị người Hán để rồi từ đó tác giả Thủy Kinh chú ghi nhận sự kiện này như là sự ra đời của Nhà nước Lâm Ấp. Trong thực tế rất có thể Lâm Ấp đã được ra đời từ trước thời điểm 190 – 193, mọi khả năng đều có thể diễn ra cho đến khi có một minh chứng rõ ràng. Còn trước đó, những dữ liệu về một niên đại ra đời của Lâm Ấp đều cần phải được xem xét một cách nghiêm túc và toàn diện.
  1. Trung tâm và vị trí hình thành của Nhà nước Lâm Ấp
Dựa vào thư tịch Trung Hoa và việc tham chiếu các di tích, vết tích khảo cổ hiện còn quan sát được trên mặt đất, các nhà nghiên cứu về Champa đã đưa ra nhiều giả thuyết về vị trí hình thành cũng như kinh đô của Nhà nước Lâm Ấp. Pelliot là người đầu tiên đưa ra giả thuyết rằng Lâm Ấp ở miền Quảng Nam ngày nay, nhưng đó chỉ hoàn toàn là phỏng đoán, chưa có cứ liệu khảo chứng.[23] Tiếp theo, R. Stein đưa ra một quan điểm khác, dựa vào việc khảo cứu các tài liệu Trung Hoa, rằng Lâm Ấp ban đầu ở phía Bắc đèo Hải Vân, và sau khi mở rộng lãnh thổ vào khoảng thế kỷ thứ IV họ lại chuyển đô về Nam đèo Hải Vân thuộc Quảng Nam hiện nay[24]. Quan điểm của Stein đã có sự ảnh hưởng rất lớn đến các nhà Champa học về sau như Dohamine, Dorohiem, Lafont, Po Dharma…Tuy nhiên, trong quá trình tồn tại của mình, giả thuyết này cũng vấp phải nhiều sự nghi vấn, Đào Duy Anh là học giả người Việt đầu tiên nêu ra một vị trí khác về vùng hình thành và trung tâm của Lâm Ấp. Dựa vào những dữ liệu trong sử liệu Trung Hoa và các ghi chép của người Pháp về các di tích Chăm tại Quảng Nam, ông cho rằng vị trí hình thành Lâm Ấp phải là ở vùng đất Quảng Nam.[25]
Cuộc tranh luận về vị trí địa lý và trung tâm chính trị ban đầu của Lâm Ấp không dừng lại ở đó. Phát triển ý tưởng của Stein, Southworth, dẫn một nguồn tư liệu Trung Hoa mamg tên Thông Điển, cho rằng về phía Nam Lâm Ấp (mà ông tin là ở Bắc Hải Vân) có một nước tên là Tây Đồ mà ông xác định là ở khu vực sông Thu Bồn.[26] Chính từ giả thuyết này, ngược với quan điểm của Stein, Southworth tin rằng Tây Đồ là chính thể đã vượt đèo Hải Vân và hấp thụ Lâm Ấp để khiến các sử liệu Trung Hoa luôn ngộ nhận và thậm chí có lúc đồng nhất hai chính thể này.[27] Quan điểm này sau đó được chia sẻ bởi Schweyer.[28] Gần đây, quan điểm cho rằng trung tâm ban đầu của Lâm Ấp là ở Bắc Hải Vân lại bị thách thức khi các phát hiện về khảo cổ chỉ tìm ra các vết tích kinh thành, đô thị trong khoảng giai đoạn này ở phía Nam đèo Hải Vân trong khi không hề có phát hiện đáng kể nào cho thấy ở phía Bắc Hải Vân đã từng có dấu vết một đô thành hay một trung tâm quyền lực quy mô lớn.[29]
Theo các nguồn sử liệu Trung Hoa, thế kỷ 3, Lâm Ấp có 2 trung tâm (thành) lớn là Khu Túc và Điển Xung. Khu Túc là thành lũy phía Bắc, nơi mà quân Trung Hoa chinh phạt phải tiến vào đầu tiên, sau đó mới tiến vào Điển Xung bắt vua Lâm Ấp.[30] Vậy Khu Túc là thành lũy phòng thủ ở Phương Bắc, trong khi kinh đô chính lại ở về phía Nam. Học giả Đào Duy Anh là người có khảo cứu chi tiết về thành Khu Túc, ông cho rằng thành Khu Túc trong lịch sử chính là dấu vết còn lại ngày nay thuộc Thành Cao Lao Hạ tại Quảng Bình.[31] Về vị trí thành Điển Xung, có một chi tiết quan trọng là trong khoảng năm 1927 – 1928, Jean-Yves Claeys, đã tiến hành một đợt khai quật tổng thể ban đầu toàn bộ thành Trà Kiệu và vẽ ra sơ đồ tổng quát của kinh thành này trong quá khứ, dựa vào những gì phát hiện được, ông khẳng định Trà Kiệu chính là kinh thành của Lâm Ấp được mô tả trong sử liệu Trung Hoa và cũng là thành Simhapura trong bia ký Champa. Tuy nhiên, theo nghiên cứu gần đây, Yamagata Mariko chỉ ra rằng những gì mà Claeys phát hiện chỉ là dấu vết kinh thành có niên đại muộn hơn khoảng thế kỷ 9 và do đó không hề cho thấy rằng đó là kinh đô của Lâm Ấp vào buổi ban đầu.[32]
Những phát hiện khảo cổ học gần đây đã tạo ra một thách thức rất lớn đối với các giả thuyết cho rằng nguồn gốc ban đầu của Lâm Ấp là ở Bắc đèo Hải Vân, cho dù quan điểm đó được chấp nhận rộng rãi trong học giới. Các phát hiện khảo cổ chỉ ra rằng, ngay từ rất sớm (khoảng thế kỷ I TCN), ở khu vực Quảng Nam, nhất là vùng quanh lưu vực sông Thu Bồn, đã có rất nhiều di chỉ cư trú, thành lũy với quy mô lớn, các trung tâm này có một sự tiếp nối với các vùng lãnh địa Sa Huỳnh trong quá khứ và kéo dài liên tục cho đến tận thế kỷ X SCN. Quy mô, mật độ phủ rộng, tính kết nối của các trung tâm (nhất là các trung tâm gần sông Thu Bồn và ven biển) cũng như tính kế thừa (từ Sa Huỳnh) và tính liên tục của các trung tâm này, cho thấy Quảng Nam, nhất là Trà Kiệu, là những trung tâm quyền lực của các chính thể tiền Nhà nước và Nhà nước, thậm chí có dấu vết của một kinh thành lớn thuộc một quốc gia hoàn chỉnh về thể chế. Ngược lại các cứ liệu khảo cổ hiện nay tại vùng Huế không cho phép chúng ta đưa ra một nhận định khả dĩ nào về sự tồn tại của một đô thành hay ít nhất một trung tâm định cư ở Huế trong thời điểm sử liệu Trung Hoa nhắc đến Lâm Ấp.[33]
Sự mập mờ và tính mâu thuẫn giữa các nguồn sử liệu không cho phép chúng ta đưa ra một quan điểm nào thật sự khả dĩ về vấn đề vị trí ban đầu của Nhà nước Lâm Ấp mà sử liệu Trung Hoa nhắc đến. Dựa vào khảo cổ học trung tâm của chính thể Lâm Ấp, được Trung Hoa mô tả, có thể là ở Nam đèo Hải Vân, mà nhiều giả thuyết nghĩ là Trà Kiệu. Điều này có khả năng cao vì Trà Kiệu là nơi tập trung các trung tâm cư trú, thành lũy, đô thị với mật độ đông, quy mô lớn, trung tâm này có sự tiếp nối từ các trung tâm của nền văn hóa Sa Huỳnh và được tiếp nối bởi Champa sau này. Vậy, nếu kinh đô của Lâm Ấp là Trà Kiệu như Trung Hoa mô tả về thành Điển Xung (thế kỷ 5 – 7) thì có phải vùng dựng nước ban đầu của nhà nước này cũng là ở quanh Lưu vực sông Thu Bồn của tỉnh Quảng Nam, nơi mà từ thế kỷ thứ IV đã hình thành những đô thành và trung tâm tôn giáo lớn tại Mỹ Sơn,[34] hay không? Có tất cả 2 khả năng:
(1) Kinh đô hay trung tâm ban đầu của Lâm Ấp là phía Bắc đèo Hải Vân như Stein giả định;
(2) Kinh đô hay trung tâm ban đầu của Lâm Ấp thuộc Quảng Nam như Pelliot và Đào Duy Anh đưa ra.
Với khả năng thứ nhất cứ liệu duy nhất mà chúng ta có được là các phân tích từ sử liệu Trung Hoa, mà phần lớn các ghi chép của sử liệu này chỉ xuất hiện về sau và nó thường là các mô tả hời hợt mà việc khai thác các chi tiết lịch sử chính xác trong đó là không tưởng. Ngược lại, các phát hiện khảo cổ học mới nhất khiến chúng ta tin chắc rằng kinh đô hay vị trí ban đầu của Lâm Ấp phải là ở Quảng Nam nơi phát hiện được nhiều lớp khảo cổ quan trọng cho thấy dấu vết tồn tại của các trung tâm chính trị – quân sự – tôn giáo liên tục từ Sa Huỳnh cho đến tận thời Champa. Như vậy, nếu tạm gác vấn đề Lâm Ấp (và sử liệu Trung Hoa) sang một bên, thì theo các phát hiện khảo cổ, Quảng Nam (kể cả Quảng Ngãi) đã sớm hình thành nên các trung tâm có thể cho thấy dấu hiệu xuất hiện của các chính thể mang tính Nhà nước. Trong đó, Trà Kiệu một trung tâm ở lưu vực sông Thu Bồn có thể nói là trung tâm lớn về quy mô, có tính liên tục và tiếp nối, có sự phân hóa xã hội sâu sắc và hoàn toàn có khả năng hình thành một chính thể kiểu Nhà nước và từ đó lan tỏa ảnh hưởng của mình đến các trung tâm lân cận.
Như vậy, khoảng thế kỷ 2 – 3 SCN, thậm chí sớm hơn (thế kỷ I SCN), vùng đất phía Nam đèo Hải Vân đã phải hình thành những chính thể dù không phải là Nhà nước nhưng ít nhất cũng là một Nhà nước dạng sơ khai, đủ sức đối chọi với chính quyền Trung Hoa đang cường tỏa phương Bắc. Thông qua dấu vết ảnh hưởng Trung Hoa trên các hiện vật khảo cổ có thể thấy khu vực này có thể thuộc Trung Hoa hoặc phần nào đó độc lập nhưng có sự tiếp xúc với Trung Hoa.[35] Những chính thể này có thể là nước ở ngoài cõi Nhật Nam (vùng cực Nam của Trung Hoa) thường quấy phá cũng như triều cống mà sách Hậu Hán Thư nhắc đến.[36] Cứ liệu Trung Hoa sớm và cứ liệu khảo cổ gần đây, như vậy là đã trùng khớp, một quốc gia sớm có thể đã hình thành ở phía Nam đèo Hải Vân, một chính thể độc lập với Đại Hán thời bấy giờ. Tuy nhiên, như Đào Duy Anh khẳng định, quốc gia này không phải là Lâm Ấp, vì các nguồn sử liệu sau Hậu Hán Thư, như Tấn Thư, Thủy Kinh Chú khẳng định rằng Lâm Ấp là tên chính thể hình thành vào thời Hán Mạt (khoảng thế kỷ II) không liên quan đến quốc gia trên.[37]
Quốc gia Lâm Ấp, như vậy, chỉ hình thành từ khoảng thế kỷ II, sau cuộc nổi dậy của Khu Liên, mà Maspero cho là năm 192, Đào Duy Anh cho là 137, điểm đáng chú ý là cả 2 mốc niên đại này đều nói một danh từ Khu Liên (chỉ người và nhóm người), những nhà Hán học uyên thâm phân biệt 2 thuật ngữ này là khác nhau về chữ “Liên” trong ký tự nhưng đều xuất phát từ một cách phát âm chung của người bản địa: Ku-rung – danh xưng chỉ chung những sắc tộc bản địa. Điều này cho thấy cuộc nổi dậy của người Khu Liên năm 137 và của nhân vật Khu Liên năm 190 – 193 đều có liên hệ mật thiết, những người bên ngoài ở Nam Hải Vân và người Khu Liên ở Bắc Hải Vân đều có mối liên hệ, mà do đó có khả năng đánh phá liên tục và với quy mô lớn, như tính chất mà các sử liệu mô tả, các huyện phương Nam của Trung Hoa, thậm chí có hàng ngàn quân, nổi dậy giết hại quan lại cai trị gốc Hoa. Sự kiện mà các tài liệu này ghi nhận về thời điểm hình thành Lâm Ấp, có thể chỉ là một biến cố đầu tiên, trong các cuộc tấn công từ phương Nam, kết hợp với cuộc nổi dậy của cư dân địa phương, mà lãnh thổ phương Nam của Trung Hoa hoàn toàn bị các sắc dân này chiếm đóng.
Như vậy, các chính thể ở phía Nam đèo Hải Vân đã tác động không nhỏ đến sự hình thành của cái Nhà nước Lâm Ấp. Một là chính họ đã đem quân phối hợp với dân địa phương chiếm khu vực Bắc Hải Vân, hai là họ đã giúp cư dân phía Bắc nổi dậy thành lập một nhà nước riêng. Cả 2 khả năng này đều đưa đến sự xuất hiện của nhà nước Lâm Ấp, vì các sử liệu ghi về Lâm Ấp đều xuất hiện sau này khoảng 2 – 3 thế kỷ, những tường thuật đến mức chi tiết, tính xác thực đến mức cụ thể của nó là không có, các sử gia này chỉ ghi phóng đại và đại khái. Tuy nhiên, giả thuyết thứ nhất có khả năng xác thực hơn, vì như đã nói đến các cứ liệu khảo cổ, hoàn toàn không có gì khẳng định một kinh đô, thậm chí dấu vết một trung tâm chính trị – quân sự đủ khả năng hình thành một chính thể dạng Nhà nước sớm đã có mặt ở Thừa Thiên Huế vào thời gian này, và càng không đủ sức để trở thành trung tâm của quốc gia Lâm Ấp.
Lúc này một vấn đề khác đặt ra là nếu Lâm Ấp được định vị ở Quảng Nam, cụ thể là Trà Kiệu, thì vị trí của Tây Đồ, mà Southworth, Schweyer định vị là ở Thu Bồn phải được giải thích thế nào. Trên thực tế, tên gọi và vị trí của nước Tây Đồ mà Southworth nêu ra hoàn toàn chỉ dựa vào một bộ sử Trung Hoa được viết từ khoảng thế kỷ VIII –IX, mọi thước đo địa lý của nó hoàn toàn mang tính ước chừng, không hoàn toàn chính xác. Mặt khác, cũng như Southworth lưu ý, dường như đã có sự lẫn lộn giữa các bộ sử lớn là Nam sử và Lương thư (2 bộ sử trước Thông Điển khoảng hơn 100 năm) về vị trí các vị vua thuộc chính thể Lâm Ấp điều này cho thấy các nhà viết sử đã chép nhầm các sự kiện của 2 chính thể khác nhau là Lâm Ấp và Tây Đồ. Câu hỏi của Southworth đưa ra một khả năng rằng, rất có thể người Trung Hoa đến khoảng thế kỷ 5 đã không còn những ghi chép chính xác về các quốc gia ở phương Nam kể cả vùng mà họ gọi là Lâm Ấp, do đó sự tồn tại đích xác của một nước Tây Đồ hay vị trí của nước này lại hoàn toàn không thể đứng vững trước những cứ liệu lịch sử mới, hay cũng có thể Lâm Ấp và Tây Đồ chỉ là một hoặc cũng có thể Tây Đồ là nước ở phía nam Lâm Ấp nhưng nó không nằm ở lưu vực sông Thu Bồn hiện nay, vì đó đã là vị trí của Lâm Ấp?
Như vậy, khái niệm quốc gia Lâm Ấp nên cần được định nghĩa lại, rất có thể nó chỉ là cách người Trung Hoa dùng để chỉ một quốc gia ngoại biên đã hình thành trước đó và niên đại 190 – 193 (Sơ Bình) mà họ đưa ra để đánh dấu sự ra đời của Nhà nước này cũng mơ hồ như cách họ định vị Nhà nước ấy. Kỳ thực, Lâm Ấp là cách gọi của một quốc gia tiền Champa, một Nhà nước sớm hình thành trên cơ tầng bản địa ở phía Nam, đó là quốc gia hình thành trên sự liên minh hay thu phục của các trung tâm quyền lực trong khu vực Nam đèo Hải Vân, hay gần hơn là lưu vực sông Thu Bồn. Sự kiện nhóm Khu Liên nổi dậy năm 137, hay một nhân vật tên Khu Liên lập quốc năm 190 – 193, chỉ là một phần trong nổ lực chinh phục, mở rộng lãnh thổ của Nhà nước phương Nam này mà thôi. Vùng đất ban đầu của Lâm Ấp là Quảng Nam và vẫn là Quảng Nam cho đến sau này, chứ không phải là Huế như Stein, Lafont hay Po Dharma tin tưởng, và do đó sẽ không có một cuộc chuyển dời kinh đô nào đến Trà Kiệu, trung tâm của chính thể ấy vẫn luôn là Trà Kiệu. Ý tưởng của Đào Duy Anh về vùng đất khởi đầu của Lâm Ấp có thể đúng với giả thuyết của tôi, nhưng niên đại mà ông cố gượng ép là năm 137 lại không làm nổi bật lên một vấn đề là Nhà nước Lâm Ấp và các niên đại lập quốc được đưa ra theo nó hoàn toàn là sáng tác của các sử gia Trung Hoa, thực tế không đúng với những cứ liệu mới chúng ta đang có.
……..
(Xem bản đầy đủ và các bài viết liên quan: https://chamblogger.wordpress.com/2020/06/17/example-post/ )
Nguồn bài và ảnh: Chamblogger.wordpress.com


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *