Thứ sáu, ngày 18/07/2025 19:22 GMT+7
Gia Khiêm Thứ sáu, ngày 18/07/2025 19:22 GMT+7
Photoism – tiệm photobooth ở Hà Nội trong vụ du khách Hàn Quốc xô xát với 2 cô gái Việt Nam đã lên tiếng xin lỗi, đồng thời khẳng định không bao che hoặc tiếp tay cho người vi phạm.
Chiều 18/7, Photoism – tiệm photobooth ở Hà Nội trong vụ du khách Hàn Quốc xô xát với 2 cô gái Việt Nam đã có thông báo chính thức sau 1 tuần xảy ra.
Theo đó tiệm photobooth này gửi lời xin lỗi đến nạn nhân, gia đình và cộng đồng vì sự việc đáng tiếc xảy ra, đồng thời tiếc nuối về việc nhân viên chưa hỗ trợ hết mình. Sau khi xảy ra vụ việc, cửa hàng đã liên hệ nạn nhân, phối hợp với cơ quan chức năng và Đại sứ quán Hàn Quốc để xử lý vụ việc liên quan đến hai công dân Hàn Quốc.

Đặc biệt, trong bài đăng này, Photoism khẳng định “không bao che, tiếp tay cho vi phạm” và cam kết bảo vệ quyền lợi người Việt, thượng tôn pháp luật. Từ ngày xảy ra sự việc (11/7) đến khi công bố (14/7), cửa hàng tích cực làm việc với cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, phía dưới bài đăng này, tiệm photobooth vẫn giới hạn bình luận. Thông báo này có những điểm đối lập với bài đăng đầu tiên vào chiều tối 14/7. Hiện tại cửa hàng thừa nhận “nhân viên cửa hàng chưa thật sự dồn hết tâm sức vào hỗ trợ bên bị hại”.

Trong khi đó, bài đăng 14/7 khẳng định: “Ngay sau khi sự việc xảy ra, nhân viên cửa hàng đã nhanh chóng đảm bảo an toàn hiện trường, báo cáo sự việc đến cơ quan công an, đồng thời hỗ trợ và hướng dẫn khách hàng liên quan thực hiện các bước cần thiết”.
Sự mâu thuẫn này khiến cư dân mạng không khỏi khó hiểu, không biết đâu mới là sự thật. Bên cạnh đó, bài đăng vào ngày 14/7 của Photoism đã bị xoá trên fanpage photobooth càng khiến nhiều người thắc mắc hơn.

Trước đó, trưa 17/7, PV Dân Việt đã có mặt tại tiệm photobooth Photoism ở phường Từ Liêm, Hà Nội. Tại thời điểm ghi nhận, tiệm photobooth khá vắng vẻ, không có khách, một nữ nhân viên đang trực quầy. Thời điểm gần trưa có một vài lượt khách lui tới.
Nữ nhân viên cho hay, chủ tiệm không có ở cửa hàng và không có số điện thoại liên hệ. Khi PV ngỏ ý muốn liên hệ với quản lý tiệm thì nữ nhân viên cho hay, chỉ liên lạc được qua Zalo. Qua Zalo, người được cho là quản lý tiệm từ chối gặp, chia sẻ thông tin liên quan đến vụ việc vừa qua. Nhân viên trực ca vào thời điểm xảy ra xô xát giữa 2 vị khách đã chủ động xin nghỉ việc.
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đánh giá dư luận cả nước đã dậy sóng không chỉ vì hành vi bạo lực đáng lên án mà còn vì thái độ thờ ơ đến lạnh lùng của những người chứng kiến vụ việc.

Theo ông Sơn, sau sự việc, đại diện Công ty Segyung Hitech – nơi cô gái Hàn Quốc đang làm việc đã chính thức lên tiếng, cam kết sẽ sa thải cá nhân có hành vi vi phạm, đồng thời gửi lời xin lỗi chân thành và bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân. Đây là động thái cần thiết, thể hiện trách nhiệm và thái độ cầu thị trước một hành động sai trái không thể dung thứ.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người day dứt hơn cả, là sự im lặng, dửng dưng của chính nhân viên tiệm chụp ảnh – những người đáng lẽ phải là người đầu tiên hành động để bảo vệ khách hàng của mình.
“Trong khoảnh khắc danh dự và nhân phẩm của một cô gái Việt bị chà đạp, thứ hiện diện không phải là lòng can đảm, mà là sự thờ ơ đến đau lòng. Họ đứng đó, nhìn thấy tất cả, nhưng không ai đứng ra ngăn cản hay thể hiện trách nhiệm tối thiểu của con người trong một xã hội văn minh. Chính sự vô cảm ấy đã khiến làn sóng phẫn nộ lan rộng. Không ít người cho rằng, tiệm photobooth cũng phải chịu trách nhiệm đạo lý – nếu không phải là trách nhiệm pháp lý trong vụ việc này”, ông Sơn chia sẻ.
Ông Sơn lý giải về việc này bởi khi công lý và nhân phẩm bị xúc phạm ngay giữa nơi công cộng, thì sự im lặng không phải là trung lập, mà là đồng lõa. Việc chỉ gửi một lời xin lỗi hời hợt sau sự việc càng khiến dư luận thêm thất vọng.
Ông Sơn cũng cho rằng, một lời xin lỗi đúng lúc, một hành động can ngăn nhỏ bé nhưng kịp thời, có thể làm nên khác biệt rất lớn: không chỉ cứu một con người, mà còn cứu cả niềm tin.