Thứ hai, ngày 14/07/2025 19:00 GMT+7
Thảo Nguyên (tổng hợp) Thứ hai, ngày 14/07/2025 19:00 GMT+7
Mới đây Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Đây là niềm vui, niềm tự hào của người dân Việt Nam, trong đó danh thắng Yên Tử chứa đựng những giá trị độc đáo và đặc biệt này.

Di sản Thế giới – danh thắng Yên Tử với nhiều giá trị độc đáo và đặc biệt này!
Khu di tích lịch sử và danh thắng thuộc vùng đất Yên Tử nổi danh là đất Phật linh thiêng, là hệ thống chùa với lối kiến trúc truyền thống, hấp dẫn du khách gần xa.
Nơi đây được xây dựng trên núi Yên Tử, còn được người dân gọi là núi Tượng Đầu, với độ cao 1068 mét so với mực nước biển, nơi đây có thảm động thực vật vô cùng đa dạng, phong phú.
Ngày nay Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử phần lớn nằm trên địa phận phường Phương Đông và xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí cũ) và một phần thuộc xã Hồng Thái Đông (huyện Đông Triều cũ).

Danh thắng Yên Tử sở hữu phong cảnh núi non hữu tình, khí hậu trong lành, thiên nhiên phong phú và đặc biệt là nơi quy tụ các di tích lịch sử, công trình văn hóa gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Theo thông tin từ Báo Quảng Ninh, Yên Tử là nơi hình thành, ra đời và phát triển của Trung tâm Phật giáo Thiền Tông thuần Việt, do người Việt trực tiếp sáng tạo ra. Sự ra đời và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã để lại cho hậu thế những bản kinh văn và các bản sách quý giá, những sách dạy cho các tăng môn và dân chúng của Thiền phái Trúc Lâm tu tập, sám hối, tu hành thập thiện như: Thiền tâm thiết chuỷ ngữ lục, Đại Hương Hải ấn thi tập, Tăng già Toái sự, Thạch thất Mỹ Ngữ, Truyền Đăng Lục, Thượng Sĩ hành trang… Đây là những di sản văn hoá phi vật thể quý giá đang đồng hành cùng sự phát triển của lịch sử dân tộc.

Khu di tích bao gồm các công trình kiến trúc tôn giáo chùa, am, tháp được xây dựng rải rác theo tuyến trải dài từ Bí Thượng (chân Dốc Đỏ) đến đỉnh núi Yên Tử, vùng phụ cận quanh chân núi từ thời Trần đến nay và cảnh quan thiên nhiên, thảm thực vật, các loài động vật trên núi rừng Yên Tử.
Yên Tử là một địa điểm có sự kết hợp hài hoà giữa cảnh quan thiên nhiên với các công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị đặc biệt của quốc gia, bao gồm: Chùa Bí Thượng, chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực (tên chữ là Linh Nhâm tự), chùa Lân (tên chữ là Long Động tự), chùa Giải Oan, vườn tháp Hòn Ngọc (bao gồm 9 ngôi tháp lớn nhỏ bằng đá và gạch), khu tháp Tổ (còn gọi là vườn tháp Huệ Quang), chùa Hoa Yên (tên chữ là Hoa Yên tự), chùa Một Mái (tên chữ là Bán Thiên tự), chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu, chùa Đồng (tên chữ là Thiên Trúc tự). Ngoài ra còn một số am như: Am Dược, am Thung, am Thiền Định, am Lò Rèn, am Diêm…

Đến với Yên Tử du khách có thể chọn theo hai cách, đó là đi bộ từ chân núi lên đến đỉnh chùa Đồng hay còn gọi là Thiên Trúc tự, hoặc là chọn di chuyển bằng cáp treo.
Khi du ngoạn danh thắng Yên Tử, du khách sẽ chiêm bái đền Trình hay còn có tên gọi là chùa Bí Thượng. Ngôi chùa tọa lạc ở độ cao 1000 mét so với mực nước biển, giữa núi non hùng vĩ. Chùa Trình đã được xây dựng với lịch sử gần 400 năm cùng lối kiến trúc độc đáo. Nơi đây nổi tiếng là ngôi chùa ngút tầm mây, gần như đã chạm đến trời xanh của Yên Tử.
Tại đây, du khách sẽ cảm nhận không gian chùa Trình rất thanh tịnh, tĩnh mịch và yên bình với cây cối xanh mướt, tiếng suối chảy róc rách cùng tiếng chim hót líu lo.

Trên hành trình khám phá khu di tích Yên Tử, du khách sẽ băng ngang qua suối Giải Oan trong xanh, uốn lượn. Nơi đây gắn liền với câu chuyện hàng trăm cung nữ đã trầm mình để ngăn cản việc vua Trần Nhân Tông quyết định quy y cửa Phật.
Trong quá trình tham quan núi Yên Tử rộng lớn, việc dừng lại tại con suối mát lành này chắc chắn sẽ là một lựa chọn đúng đắn. Vừa có thể giúp du khách được chiêm ngưỡng cảnh núi non thơ mộng, vừa hít thở không khí trong lành.
Tiếp đến là chùa Hoa Yên ở độ cao 535 mét so với mực nước biển, nên nơi đây còn có tên gọi là Phù Vân vì đỉnh núi lúc nào cũng chìm trong mây khói lãng đãng. Bên cạnh chùa Hoa Yên là chùa Cả, nơi từng là một cái am nhỏ để vua Trần Nhân Tông giảng đạo. Đến nay, ngôi chùa này trở thành điểm tham quan, hành hương quen thuộc của các tín đồ Phật Giáo.
Du khách không thể bỏ qua chùa Một Mái còn có tên gọi khác là chùa Bồ Đà. Chùa được xây dựng ẩn nửa mình bên trong hang động, một nửa nhô ra bên ngoài. Ngôi chùa nằm giữa lưng chừng trời, được bao phủ bởi núi đá, cây cối, có không gian thanh tịnh, hài hòa cùng thiên nhiên.

Du khách cũng nên đến chiêm bái tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông ở độ cao 1.100m, nằm giữa khung cảnh núi rừng hùng vĩ. Tượng được người dân đúc bằng đồng nguyên khối, khối lượng đến 138 tấn, cao tới 12,6m. Bức tượng này chính là biểu tượng để ghi tạc công ơn của vua Trần Nhân Tông, đồng thời cũng là điểm tham quan, lễ Phật thu hút đông đảo du khách.
Danh thắng Yên Từ bên cạnh giá trị lịch sử, văn hóa, giá trị tư tưởng, còn là địa điểm du lịch gắn với đời sống của người dân nơi đây. Yên Từ cũng được biết đến có thảm động thực vật vô cùng đa dạng, phong phú, là nơi bảo tồn được rất nhiều loài động thực vật quý hiếm mà không một vùng núi nào có được, đặc biệt là các loài cây quý như Tùng, Trúc, Mai và các loại cây thuốc nam quý hiếm.