Thứ bảy, ngày 12/07/2025 19:00 GMT+7
Anh Tuấn Thứ bảy, ngày 12/07/2025 19:00 GMT+7
Từ 1/1/2026, Luật Nhà giáo chính thức có hiệu lực. Vậy bảng lương giáo viên 2026 sẽ thay đổi thế nào?
Bảng lương giáo viên 2026: Luật Nhà giáo bỏ chia hạng từ 1/1/2026
Ngày 16/6/2025, Quốc hội chính thức thông qua Luật Nhà giáo 2025, có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Trong đó, theo quy định mới, chức danh nhà giáo sẽ không còn chia theo các hạng như trước. Thay vào đó, chức danh sẽ được xác định dựa trên: Trình độ, năng lực chuyên môn và nghiệp vụ của giáo viên; Yêu cầu cụ thể của từng cấp học, trình độ đào tạo; Phù hợp với từng cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Bộ trưởng Bộ GDĐT là người ban hành văn bản hướng dẫn về việc xác định tương đương chức danh trong từng bậc học. Chính phủ cũng sẽ quy định chi tiết về cách thực hiện và lộ trình áp dụng.
Theo Điều 12 Luật Nhà giáo 2025, chức danh nhà giáo được quy định như sau:
Chức danh nhà giáo là tên gọi thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo trong từng cấp học, trình độ đào tạo.

Chức danh nhà giáo được xác định theo yêu cầu của hoạt động nghề nghiệp trong từng cấp học, trình độ đào tạo.
Việc bổ nhiệm, thay đổi chức danh nhà giáo được thực hiện phù hợp với cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Việc xác định tương đương chức danh nhà giáo trong từng cấp học, trình độ đào tạo thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT.
Bảng lương giáo viên 2026: Lương giáo viên được xếp cao nhất
Điều 23 Luật Nhà giáo quy định: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”.
“Việc xếp lương cao là một phần trong nỗ lực tôn vinh, bảo vệ danh dự nhà giáo – đi đôi với trách nhiệm và sự cống hiến ngày càng cao hơn của đội ngũ này”, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh tại họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 9, diễn ra hôm 11/7.
Trước đó, trao đổi với PV Dân Việt về việc lương giáo viên cao nhất là bao nhiêu khi được xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp, TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GDĐT cho biết: “Điều này chưa nói được vì đây là định hướng chính sách. Khi xây dựng Nghị định phải lấy ý kiến các bộ/ngành, nhất là Bộ Tài chính và nguồn lực để thực hiện”.
Hiện nay, Bộ GDĐT đang khẩn trương triển khai xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo để đảm bảo có hiệu lực đồng bộ khi Luật Nhà giáo có hiệu lực.
Một điểm đáng chú ý là, Bộ GDĐT dự kiến đề xuất Chính phủ xếp lại bảng lương của một số chức danh nhà giáo như: Giáo viên mầm non, phổ thông, dự bị đại học, giáo viên giáo dục nghề nghiệp hạng IV… để bảo đảm tính thống nhất về bảng lương áp dụng với các chức danh nghề nghiệp viên chức nhà giáo và viên chức các ngành, lĩnh vực khác, đồng thời, bảo đảm mức sống của nhà giáo, giúp nhà giáo an tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Tiền lương giáo viên vẫn sẽ được tính theo công thức: Tiền lương=Hệ số lương x Lương cơ sở.
Ngoài ra, theo quy định của Luật, nhà giáo còn được hưởng thêm các khoản phụ cấp đặc thù, trách nhiệm, ưu đãi, trợ cấp vùng khó khăn, trợ cấp giáo dục hòa nhập, thâm niên, lưu động…, góp phần nâng cao thu nhập toàn diện.
Tuy nhiên, bảng lương giáo viên 2026 thay đổi như thế nào thì sẽ cần hướng dẫn chi tiết từ Chính phủ để triển khai, đảm bảo lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất.
Bảng lương giáo viên mới nhất thế nào?
Lương giáo viên hiện nay theo từng cấp học, hạng chức danh nghề nghiệp khác nhau theo từng hệ số. Mức lương cơ bản giáo viên cao nhất là 15,865 triệu đồng/tháng; thấp nhất là 4,914 triệu đồng/tháng.
Theo quy định hiện nay của Bộ GDĐT, nhà giáo được chia thành các hạng 1, 2, 3 và hệ số lương của từng hạng cũng có sự khác nhau.
Đối với giáo viên mầm non, giáo viên mầm non hạng 3, mã số V.07.02.26, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89.
Giáo viên mầm non hạng 2, mã số V.07.02.25, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
Giáo viên mầm non hạng 1, mã số V.07.02.24, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38.

Đối với giáo viên tiểu học: Giáo viên tiểu học hạng 3, mã số V.07.03.29, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
Giáo viên tiểu học hạng 2, mã số V.07.03.28, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38.
Giáo viên tiểu học hạng 1, mã số V.07.03.27, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1, từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.
Đối với giáo viên trung học cơ sở: Giáo viên trung học cơ sở hạng 3, mã số V.07.04.32, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
Giáo viên trung học cơ sở hạng 2, mã số V.07.04.31, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38.
Giáo viên trung học cơ sở hạng 1, mã số V.07.04.30, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1, từ hệ số lương 4,4 đến hệ số lương 6,78.
Đối với giáo viên trung học phổ thông: Giáo viên trung học phổ thông hạng 3, mã số V.07.05.15, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
Giáo viên trung học phổ thông hạng 2, mã số V.07.05.14, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38.
Giáo viên trung học phổ thông hạng 1, mã số V.07.05.13, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1, từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.