Thứ bảy, ngày 12/07/2025 08:59 GMT+7
Nguyễn Đại Thứ bảy, ngày 12/07/2025 08:59 GMT+7
Cổ vật Thống đá có niên đại hàng trăm năm vừa được bàn giao lại cho đình Văn Cú (phường An Hải, Hải Phòng) sau thời gian dài thất lạc.
Ngày 11/7, Công an TP Hải Phòng phối hợp cùng UBND phường An Hải tổ chức bàn giao cổ vật Thống đá cho đình Văn Cú. Đây là hiện vật có giá trị đặc biệt về lịch sử – văn hóa, gắn với tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng và đời sống tâm linh lâu đời của người dân địa phương.
Đại diện chính quyền cho biết, cổ vật được tìm thấy sau thời gian bị thất lạc, việc bàn giao không chỉ mang lại niềm vui mà còn nhấn mạnh trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong cộng đồng.

Tọa lạc tại thôn Văn Cú, xã An Đồng (nay là phường An Hải), đình thờ hai vị Thành Hoàng là Đỗ Minh và Đỗ Quang, danh tướng triều Đinh, những người có công lớn trong thời kỳ giữ nước thế kỷ X.
Đình Văn Cú, tương truyền được khởi dựng vào thời Hậu Lê, thế kỷ XVII- XVIII. Do binh lửa chiến tranh và thăng trầm của lịch sử ngôi đình đã bị xuống cấp, chỉ còn lại một phần hậu cung. Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, người dân xây dựng lại ngôi đình trên nền đất cũ. Đình Văn Cú nằm trên khu đất rộng rãi thoáng mát, đình nhìn về hướng Nam, hướng đắc địa về phong thủy, phù hợp để Thành hoàng ngự tại đình nghe được lời dân tâu bày để phù giúp. Trước đình có hồ nước trong mát, hình chữ nhật khá rộng, hồ nước theo phong thủy là nơi tích phúc của dân làng Văn Cú.

Điểm đặc biệt trong khuôn đình có hai cây cổ thụ, cây gạo và cây mít, hai cây đã có tuổi trên 200 năm và đã được vinh danh là “Cây di sản Việt Nam”. Riêng cây mít tại đình Văn Cú, đây là cây mít duy nhất của thành phố Hải Phòng được công nhân là cây di sản Việt Nam.
Đình Văn Cú có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ công, gồm 5 gian đại bái, 2 gian ống muống và 3 gian hậu cung, cũng là cung cấm. Đình xây theo thức đầu hồi bít đốc, trụ đấu tay ngai, mái chảy, lợp ngói mũi truyền thống.
Hệ thống cửa chính tòa đại bái gồm ba gian, gian trung tâm rộng, gian bên hẹp hơn một ít. Cửa đóng theo cửa cổ, cửa thùng khung khách, gian giữa 6 cánh, hai gian bên 4 cánh.
Hai tường bao che phía trước gian hồi và hồi đình, xây gạch, giữa trổ cửa sổ hình chữ nhật để lấy thêm ánh sáng vào trong đình. Tay ngai là phần tường xây kéo dài từ hồi đình ra phía trước khoảng gần 2 m.
Ngoài cùng của tay ngai xây trụ biểu, còn gọi là trụ đèn. Trụ biểu xây đế kiểu quả bồng, thân trụ tạo khung câu đối, trong đắp câu đối chữ Hán, đầu trụ đắp đèn lồng, đỉnh trụ đắp nghê chầu vào cửa đình.
Trên mái đình đắp, vẽ trang trí theo thức truyền thống, đỉnh giữa bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu bờ nóc đắp kìm, các bờ chảy đắp khung chạy xuôi xuống dưới, trong khung đặt hàng hoa chanh kép. Hàng đấu trên bờ chảy hạ thấp dần xuống chân mái ngói. Trên vỉ ruồi của tường hồi, phía ngoài đắp nổi hình hổ phù hàm thư.