Thứ năm, ngày 10/07/2025 15:22 GMT+7
Dũ Tuấn Thứ năm, ngày 10/07/2025 15:22 GMT+7
Sau khi chính thức hợp nhất hai tỉnh Bình Định và Gia Lai từ ngày 1/7/2025, vùng đất Gia Lai mới đang đứng trước cơ hội bứt phá bằng chính những lợi thế “rừng vàng, biển bạc” hiếm có. Ngành du lịch tỉnh này, phấn đấu năm 2025, đón 11,8 triệu lượt khách, doanh thu du lịch ước đạt 28.500 tỷ đồng.
Gia Lai đặt mục tiêu đến hết năm 2025 đón 11,8 triệu lượt khách, đến năm 2030 sẽ là 18,5 triệu lượt
Với hệ sinh thái du lịch đa dạng, từ đại ngàn Kon Ka Kinh, Biển Hồ đến biển Quy Nhơn, Kỳ Co – Eo Gió, cùng bản sắc văn hóa cồng chiêng và tháp Chăm đặc trưng, Gia Lai đang đặt du lịch vào vị trí trụ cột chiến lược.

Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai khẳng định: “Rừng vàng, biển bạc không chỉ là món quà thiên nhiên ban tặng, mà là động lực để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Gia Lai vươn lên mạnh mẽ”.


Không gian phát triển không chỉ mở rộng mà còn mang tính chiến lược cao khi hạ tầng đồng bộ với sân bay, cảng biển, cao tốc, cửa khẩu… tạo điều kiện thuận lợi để kết nối liên vùng, thu hút khách trong và ngoài nước.
Theo bà Hạnh, trong những năm qua, nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân về vai trò của du lịch đã thay đổi rõ rệt. Các địa phương đã chủ động tổ chức hàng loạt sự kiện, lễ hội mang tính đặc thù như Lễ hội hoa dã quỳ – núi lửa Chư Đăng Ya, Lễ hội Chùa Bà – Nước Mặn, lễ hội văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên… tạo bản sắc riêng và thu hút lượng khách đáng kể.
“Không chỉ có tiềm năng, chúng tôi đang biến tiềm năng thành giá trị thực bằng hành động cụ thể”, bà Hạnh nhấn mạnh.

6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh đã đón gần 7,4 triệu lượt khách, thu về hơn 17.340 tỷ đồng doanh thu, tăng mạnh so với cùng kỳ, thể hiện nỗ lực toàn ngành và sự đồng hành của doanh nghiệp, cộng đồng.
Bà Hạnh cho biết, mục tiêu đến hết năm 2025 là đón 11,8 triệu lượt khách, đến năm 2030 sẽ là 18,5 triệu lượt, trong đó có 1,1 triệu lượt khách quốc tế.

Đây là con số tham vọng nhưng hoàn toàn khả thi nhờ các lợi thế và chiến lược rõ ràng.
Trong đó, đầu tư hạ tầng đồng bộ, nâng cấp sân bay Phù Cát, mở rộng cao tốc, hoàn thiện các khu du lịch như Biển Hồ – Chư Đăng Ya, Phương Mai thành khu du lịch quốc gia.
Tăng cường liên kết vùng, tạo các tuyến du lịch Đông – Tây, liên kết miền Trung – Tây Nguyên – TP.HCM – Hà Nội.
Chuyển đổi số mạnh mẽ, ứng dụng phần mềm quản lý lưu trú, QR code tại điểm đến, nâng cấp ứng dụng “Du lịch Gia Lai”.

Định vị thương hiệu riêng, tập trung phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao, du lịch khoa học và du lịch di sản.
Gìn giữ văn hóa, cốt lõi của phát triển bền vững
Theo bà Hạnh, bảo tồn và phát huy di sản là yếu tố then chốt. Sở đã triển khai Đề án cho thuê dịch vụ gắn với phát huy giá trị di tích Tháp Đôi, Tháp Bánh Ít, nâng cao giá trị di tích Chăm. Các di sản như nghề chằm nón ngựa Phú Gia, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, các lễ hội dân gian… được phục dựng, gắn chặt với phát triển du lịch cộng đồng.

“Không chạy theo đại trà, chúng tôi chọn hướng đi có chiều sâu du lịch phải gắn với văn hóa bản địa, phải kể được câu chuyện của vùng đất này”, bà Hạnh chia sẻ.


Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cũng triển khai thông điệp 3K – 3A.
3K: Không nâng giá – ép giá; không tranh giành khách; không ô nhiễm tiếng ồn, rác thải.
3A: An toàn giao thông; an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn tính mạng và tài sản du khách.
Bà Hạnh khẳng định: “Phát triển du lịch không đánh đổi bằng môi trường hay giá trị truyền thống. Du lịch phải là ngành bền vững, nhân văn và trách nhiệm”.

Sự kiện hợp nhất địa giới không chỉ là sự kiện hành chính, mà còn là cú hích phát triển toàn diện. Du lịch, với vai trò là một trong 5 trụ cột kinh tế, sẽ được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp để trở thành “ngành công nghiệp không khói” dẫn dắt tăng trưởng tại tỉnh Gia Lai.