Thứ tư, ngày 09/07/2025 18:00 GMT+7
Gia Khiêm Thứ tư, ngày 09/07/2025 18:00 GMT+7
Đó là cảnh báo của chuyên gia, Sở Y tế Hà Nội sau vụ triệt phá đường dây giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh với quy mô lớn, đem tiêu thụ tại các chợ đầu mối như Phùng Khoang, chợ phía Nam Hà Nội, chợ Minh Khai và hàng loạt quán cơm bình dân, cơm văn phòng, gây xôn xao.
Tuyệt đối không mua thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc chỉ vì giá rẻ
Ngày 9/7, Công an TP.Hà Nội cho biết vừa triệt phá đường dây giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh tại các chợ đầu mối như Phùng Khoang, chợ phía Nam, chợ Minh Khai và hàng loạt quán cơm bình dân, cơm văn phòng. Kết quả xét nghiệm cho thấy các mẫu thịt và nội tạng dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi (ASF) – một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, sản phẩm từ heo mắc bệnh không được phép sử dụng làm thực phẩm và buộc phải tiêu hủy theo quy định pháp luật. Sự việc khiến nhiều người dân không khỏi lo ngại.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Chuyên gia Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, dịch tả lợn châu Phi lây lan rất nguy hiểm. Nhà nước cũng có lệnh cấm không được giết lợn bệnh dịch bán ra thị trường, phải tiêu huỷ.

Theo ông Thịnh, dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây nhiễm sang người. Tuy nhiên, virus này có thể tồn tại lâu dài trong môi trường và lây lan giữa các con lợn qua đường hô hấp và tiêu hóa. Con người có thể trở thành tác nhân phát tán virus gây dịch tả châu Phi nếu tiếp xúc với các nguồn nhiễm bệnh như chuồng trại, phương tiện vận chuyển hay thực phẩm chế biến từ lợn nhiễm bệnh.
“Người mua lợn bệnh về giết mổ hay người bán lợn bệnh ra thị trường là vi phạm pháp luật, đáng bị trừng phạt, có thể bị xử lý hình sự, phạt tiền hoặc cấm hành nghề. Trước nguy cơ dịch bệnh, vấn đề đầu tiên là phải phong toả khu vực có dịch để phòng ngừa lây lan. Lợn được nuôi hầu như toàn quốc, cơ quan quản lý, đặc biệt biệt Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phải kiểm soát chặt chẽ, tránh lây lan ra đàn lợn khác gây thiệt hại kinh tế”, PGS Thịnh nhấn mạnh.
PGS Thịnh cho rằng, cơ quan quản lý về thú y nên kiểm soát tốt tình trạng giết mổ lợn, phải đóng dấu kiểm dịch mới được giết mổ, lưu hành. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay các chợ, thậm chí trong siêu thị, đóng dấu kiểm dịch trên thịt lợn rất ít, chứng tỏ khâu kiểm dịch chưa chặt chẽ.
“Cơ quan quản lý phải kiểm dịch tốt hơn để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng cũng như bảo vệ phát triển đàn lợn, như vậy mới phát triển kinh tế tốt. Người tiêu dùng nhìn mắt thường khó phát hiện lợn có dịch hay không, lợn mới chớm dịch sau khi giết mổ thì thịt như lợn bình thường”, ông Thịnh chia sẻ thêm.

Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, người dân cần đặc biệt cảnh giác khi lựa chọn thực phẩm, ưu tiên sử dụng thịt tươi sống có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm dịch theo quy định. Tuyệt đối không mua thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc chỉ vì giá rẻ. Người tiêu dùng cần là những người tiêu dùng thông thái góp phần bảo vệ sức khoẻ của bản thân và cộng đồng.
Đồng thời, người dân cần nâng cao cảnh giác, tố giác những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm đến cơ quan chức năng, bởi mỗi hành động nhỏ có thể tạo nên thay đổi lớn trong cuộc chiến vì một môi trường thực phẩm sạch và an toàn.
Đường dây thu gom, giết mổ heo bệnh bán cho chợ, quán ăn, nhà hàng khắp Hà Nội
Ngày 9/7, Công an TP.Hà Nội thông tin, Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Lê Văn Tươi (31 tuổi, trú Thường Tín, Hà Nội), Dư Đình Hợi (41 tuổi), Nguyễn Viết Chiếm (37 tuổi, cùng trú tại xã Hòa Xá, Hà Nội) và Đặng Văn Huy để điều tra làm rõ hành vi thu gom heo bệnh về giết mổ rồi bán ở các chợ, nhà hàng trên địa bàn.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP.Hà Nội đã chủ động tổ chức lực lượng trinh sát, phát hiện dấu hiệu nghi vấn về hoạt động giết mổ, tiêu thụ thịt heo nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi ra một số chợ, quán ăn, nhà hàng.

Ngày 30/6 và 1/7, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp Đội QLTT số 17, Phòng 3 Viện KSND TP Hà Nội và Chi cục Chăn nuôi – Thủy sản và Thú y TP.Hà Nội kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ do Lê Văn Tươi và Nguyễn Thị Thư (27 tuổi, trú Thường Tín, Hà Nội) điều hành.
Lực lượng chức năng cũng kiểm tra ki ốt của Dư Đình Hợi, Nguyễn Viết Chiếm, Trương Mạnh Kiên (45 tuổi) và Nguyễn Đình Thao (49 tuổi, cùng trú Hưng Yên).
Qua kiểm tra, phát hiện cơ sở giết mổ của Tươi và Thư có 45 con heo sống nghi nhiễm bệnh, 1.050kg thịt heo nguyên con, 450kg nội tạng. Tổng số hàng hóa vi phạm bị thu giữ là 4.300kg, trị giá khoảng 318 triệu đồng.
Tại chợ Phùng Khoang (phường Đại Mỗ, TP.Hà Nội), lực lượng chức năng phát hiện lượng lớn thịt heo không rõ nguồn gốc tại các ki ốt của các nghi phạm.
Cụ thể, ki ốt của Dư Đình Hợi có 367kg thịt; Nguyễn Viết Chiếm 426kg; Trương Mạnh Kiên 91kg; Nguyễn Đình Thao 93kg. Tổng số hàng vi phạm bị thu giữ là 977kg, trị giá khoảng 97,9 triệu đồng. Toàn bộ số thịt không có giấy tờ kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Qua đấu tranh, các nghi phạm khai nhận từ năm 2023 đã bắt đầu mua gom heo ốm yếu từ các đầu nậu, trong đó có Đặng Văn Huy – chuyên thu mua heo bệnh tại Ba Vì, Sơn Tây (cũ) và Vĩnh Phúc (cũ), sau đó tổ chức giết mổ ngay tại nhà ở.
Trung bình mỗi ngày các nghi phạm giết mổ hơn 50 con heo và bán ra thị trường với giá 60.000 đồng/kg. Cơ sở này không có giấy phép và không thuộc hệ thống giết mổ được cấp phép của thành phố.
Đáng chú ý, nhiều tiểu thương đến tận lò mổ của Tươi, Thư để chọn heo sau đó thịt được bán ngay cho các chợ đầu mối phía Nam, chợ Minh Khai, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Hà Nội. Lợi dụng giá rẻ của heo bệnh (35.000 – 40.000 đồng/kg), các nghi phạm thu lợi bất chính 70-80 triệu đồng mỗi tháng.
Tại chợ Phùng Khoang, nhóm này còn thu mua heo chết từ các huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức (cũ), Hòa Bình (cũ, nay là Phú Thọ) với giá 20.000 đồng/kg, sau đó đưa về nhà riêng giết mổ…
Kết quả xét nghiệm cho thấy các mẫu thịt và nội tạng dương tính với virus dịch tả heo châu Phi (ASF) – một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, sản phẩm từ heo mắc bệnh không được phép sử dụng làm thực phẩm và buộc phải tiêu hủy theo quy định pháp luật.