Thứ ba, ngày 08/07/2025 19:30 GMT+7
Nam Khánh (Theo Korea Times) Thứ ba, ngày 08/07/2025 19:30 GMT+7
Số lượng chim bồ câu đô thị tại Hàn Quốc tăng nhanh chưa từng có, gây thiệt hại về môi trường, sức khỏe và buộc các thành phố lớn phải ra lệnh cấm cho chim ăn.
Ông Kim Jae Ho, một cư dân sống tại thành phố Ulsan, cho biết ông vừa phải chi hơn 290 USD để sửa máy điều hòa do phân chim bồ câu ăn mòn dàn nóng. Dù đã lắp đặt gai chống chim trên ban công, phân vẫn tiếp tục rơi từ tầng trên xuống nhà ông. Câu chuyện của ông Kim không phải là trường hợp cá biệt. Khắp các thành phố lớn như Seoul, Busan, Incheon hay Ulsan, người dân đều phản ánh tình trạng bồ câu làm tổ trong các khu dân cư, sân chơi và vỉa hè.
Theo số liệu của Bộ Môi trường Hàn Quốc, quần thể chim bồ câu đô thị đã tăng gần 24% trong ba năm qua, từ 27.589 con vào năm 2021 lên 34.164 con năm 2024. Trong thực tế, các chuyên gia ước tính số lượng có thể lên đến một triệu con, do tốc độ sinh sản của chúng ở môi trường đô thị gấp ba lần so với tự nhiên. Với nguồn thức ăn dồi dào từ người dân và việc thiếu kẻ săn mồi tự nhiên, bồ câu sinh sản tới sáu lần mỗi năm.

Việc bùng nổ số lượng chim gây ra nhiều hệ lụy: phân và lông bồ câu bám đầy cửa sổ, tấm pin mặt trời, xe hơi, thậm chí ăn mòn các di tích văn hóa như tháp đá chùa Wongaksa tại công viên Tapgol, Seoul. Những hạt bụi phân chứa vi khuẩn, nấm mốc và ký sinh trùng còn tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm. Trong một số trường hợp, bồ câu còn gây mất an toàn giao thông. Năm 2021, dịch vụ tàu điện tại ga Nowon bị gián đoạn do dụng cụ xua đuổi chim rơi vào dây điện. Năm 2022, một hành khách tại ga Sindorim bị thương vì tránh một con chim đang lao xuống từ trần nhà.
Trước tình trạng này, Bộ Môi trường đã xác định bồ câu là động vật hoang dã gây hại từ năm 2009. Tuy nhiên, cho đến gần đây, việc xử lý vẫn chủ yếu dựa vào biện pháp xua đuổi hoặc lắp đặt vật cản như gai nhọn, lưới che. Những cách này không mang lại hiệu quả lâu dài khi chim vẫn quay lại, đặc biệt tại các địa điểm có người tiếp tục cho chúng ăn.
Chính quyền siết chặt quản lý, chuyên gia kêu gọi thay đổi hành vi
Đầu năm 2025, thành phố Seoul là nơi đầu tiên áp dụng quy định cấm người dân cho chim bồ câu ăn theo Đạo luật Bảo vệ và Quản lý Động vật Hoang dã sửa đổi. Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt từ 200.000 đến một triệu won, tương đương khoảng 146 đến 731 USD. Chính quyền cũng tuyên bố không xử phạt những người vô tình làm rơi vụn bánh, nhưng sẽ theo dõi và xử lý các trường hợp cố tình cho chim ăn tại nơi công cộng.
Sau Seoul, nhiều thành phố khác như Busan, Incheon và Ulsan cũng bắt đầu soạn thảo quy định tương tự. Quan chức thành phố Ulsan cho biết chỉ cần một nghìn con bồ câu cái sinh sản hai lần mỗi năm, trong vòng năm năm, số lượng có thể tăng thêm hai mươi nghìn con nếu không kiểm soát kịp thời. Ông cho rằng vấn đề nằm ở chính hành vi của con người và việc thay đổi thói quen tương tác là giải pháp bền vững.
Các chuyên gia sinh thái học cũng đồng tình với quan điểm trên. Ông Kim Sung Soo, cựu giám đốc Trung tâm Chim Di cư Ulsan, khẳng định: “Việc cho chim ăn nghe có vẻ tử tế, nhưng nó phá vỡ cân bằng sinh thái ở đô thị. Khi bồ câu không còn sợ người, chúng chiếm lĩnh không gian công cộng và gây ra hàng loạt rủi ro vệ sinh, an toàn”.
Theo ông Kim Sung Soo, người dân nên dừng hoàn toàn việc cho chim ăn để cắt đứt chuỗi sinh sản không kiểm soát. Ông cũng đề xuất lồng ghép các biện pháp giáo dục vào hệ thống trường học và truyền thông công cộng nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về hậu quả của hành động tưởng chừng vô hại này.