Chủ nhật, ngày 25/05/2025 15:00 GMT+7
Điểm đổi mới đáng chú ý trong quá trình nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp
Thùy Anh Chủ nhật, ngày 25/05/2025 15:00 GMT+7
Sau 16 năm triển khai, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đang bước sang giai đoạn cải tiến mạnh mẽ. Việc nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia đang được khuyến khích mở rộng, đi kèm việc tinh giản giấy tờ, rút ngắn thời gian xử lý.
Cải tiến về quy trình nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo Quyết định số 315/QĐ-BNV do Bộ Nội vụ ban hành, thủ tục hành chính “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” đã được điều chỉnh, thay thế Quyết định 351/QĐ-BLĐTBXH trước đó. Điểm đáng chú ý nhất là việc chuyển thẩm quyền giải quyết từ Sở LĐTBXH sang Sở Nội vụ. Điều này gợi mở sự thay đổi về quản lý hành chính và phân công trách nhiệm rõ ràng hơn giữa các cơ quan nhà nước. Về cơ bản, thủ tục hưởng BHTN vẫn gồm 4 bước:
Nộp hồ sơ trong vòng 3 tháng tính từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận, kiểm tra và ra phiếu hẹn trả kết quả.
Trong 20 ngày làm việc, trung tâm trình Giám đốc Sở Nội vụ quyết định hoặc trả lời bằng văn bản nếu không đủ điều kiện.
Trong 3 ngày làm việc, người lao động phải đến nhận quyết định; nếu không đến và không có lý do chính đáng sẽ bị coi là không có nhu cầu hưởng trợ cấp.
Ngoài ra, người lao động cũng được liên thông dữ liệu và giảm tải giấy tờ. Về thành phần hồ sơ, người lao động vẫn phải chuẩn bị 3 loại giấy tờ gồm:

Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bản sao giấy tờ chứng minh việc chấm dứt hợp đồng lao động.
Sổ bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, điểm đổi mới đáng chú ý là các trường thông tin cá nhân của người lao động đã được liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý. Nhờ vậy, người lao động đã được giảm bớt nhiều loại giấy tờ và rút ngắn đáng kể thời gian làm thủ tục.
Trung bình mỗi năm có hàng trăm nghìn lao động đăng ký nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Tính đến cuối năm 2024, đã có khoảng 16 triệu lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 34% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Bên cạnh hình thức nộp trực tiếp, người lao động hiện có thể thực hiện toàn bộ thủ tục đăng ký hưởng BHTN qua mạng. Quy trình thực hiện gồm:
Truy cập Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Chọn mục “Giải quyết trợ cấp thất nghiệp” tại tỉnh/thành mong muốn.
Nhấn “Nộp trực tuyến”.
Đăng nhập bằng tài khoản Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc VNeID.
Khai báo thông tin, tải tài liệu cần thiết và gửi hồ sơ.
Theo dõi tiến trình xử lý tại mục “Quản lý hồ sơ của tôi”.
Hình thức trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và phù hợp với xu thế số hóa dịch vụ công hiện nay. Điều quan trọng là người lao động không cần phải đến trung tâm dịch vụ việc làm mà vẫn bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình.
Chuyên gia nói gì về “cải tiến” trong làm thủ tục hành chính?
Ông Trần Tuấn Tú – Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) đánh giá: “Chính sách BHTN triển khai từ năm 2009, sau hơn 16 năm thực hiện qua hai giai đoạn, đến nay ngày càng ưu việt, mang lại lợi ích thiết thực cho cả người lao động và người sử dụng lao động”. Theo ông, việc liên thông thông tin người hưởng với dữ liệu dân cư giúp giảm giấy tờ, giảm thời gian xét duyệt. Đặc biệt trong giai đoạn Covid-19, nhờ phương thức nộp hồ sơ online, người lao động vẫn được thụ hưởng dù giãn cách.
Ông Tú khẳng định: “Hiện toàn bộ chế độ BHTN đã được thực hiện thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, đúng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng. Đây là bước tiến lớn trong cải cách hành chính và hiện đại hóa hệ thống an sinh”.
Ở góc độ tổ chức đại diện người lao động, bà Hồ Thị Kim Ngân – Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đánh giá rất cao việc cho phép người lao động nộp hồ sơ thất nghiệp trực tuyến. Từ năm 2022 đến nay, nhiều người không thể đến trung tâm việc làm nộp hồ sơ nhưng vẫn tiếp cận được chính sách nhờ hệ thống này. Tuy vậy, bà Ngân cũng lưu ý: “Điều quan trọng không chỉ là thủ tục được đơn giản hóa, mà là người lao động có tiếp cận được công nghệ hay không”. Đây cũng là một thách thức cho việc mở rộng số hóa chính sách an sinh trong tương lai.
Cũng theo bà Ngân, vấn đề không đơn giản là việc thực hiện song song 2 hình thức nộp hồ sơ đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp. “Vấn đề quan trọng là cần lựa chọn phương án ưu việt nhất, nếu việc nộp hồ sơ online thuận lợi, tiết kiệm thì nên hướng tới điều này hay vì nộp trực tuyến”, bà Ngân nói.
Bà Ngân cũng cho rằng, đơn giản hóa thủ tục bảo hiểm thất nghiệp không đơn thuần là tinh gọn quy trình mà thể hiện rõ quan điểm phục vụ người dân, lấy người lao động làm trung tâm. Điều này có nghĩa là cơ quan quản lý và đơn vị tiếp nhận cần ứng dụng công nghệ thông tin, giảm giấy tờ và cần tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, phổ cập kỹ năng số để giúp lao động tiếp cận được quyền lợi nhanh nhất.