Thứ tư, ngày 21/05/2025 10:26 GMT+7
Vì sao sinh viên Trung Quốc rất hoang mang sau tốt nghiệp đại học?
Trọng Hà (Theo SCMP) Thứ tư, ngày 21/05/2025 10:26 GMT+7
Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên Trung Quốc giảm xuống 15,8% trong tháng 4, nhưng áp lực tìm việc sẽ gia tăng khi mùa tốt nghiệp đại học sắp đến với con số kỷ lục hơn 12 triệu sinh viên ra trường.
Tỷ lệ thất nghiệp giảm nhưng chưa bền vững
Ngày 21/5, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đô thị trong độ tuổi từ 16 đến 24, không bao gồm học sinh – sinh viên – đạt mức 15,8% trong tháng 4. Con số này giảm so với mức 16,5% vào tháng 3, và là mức thấp nhất kể từ đầu năm. Trước đó, tỷ lệ này từng đạt đỉnh 16,9% vào tháng 2.
Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 và nhiều chuyên gia dự báo con số này có thể tăng trở lại trong vài tháng tới, khi hàng triệu sinh viên đại học tốt nghiệp và bước vào thị trường lao động.
Theo số liệu chính thức, Trung Quốc dự kiến có khoảng 12,22 triệu sinh viên đại học tốt nghiệp trong năm nay, tăng 430.000 người so với năm trước – mức cao nhất từ trước đến nay. Đây là áp lực lớn đối với nền kinh tế đang chật vật trong việc tạo ra đủ việc làm có chất lượng để tiếp nhận số lượng lao động trẻ ngày càng tăng.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cũng cho biết, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm tuổi từ 25 đến 29 giảm nhẹ từ 7,2% xuống còn 7,1% trong tháng 4. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp đô thị chung của cả nước giảm từ 5,2% xuống còn 5,1% so với tháng trước.
Chính sách hỗ trợ không đủ làm dịu áp lực tìm việc
Trước tình hình thất nghiệp thanh niên vẫn ở mức cao, chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm cải thiện tình hình. Trong tháng 4, Trung Quốc đã triển khai gói hỗ trợ một lần dành cho các doanh nghiệp tuyển dụng thanh niên thất nghiệp hoặc sinh viên mới tốt nghiệp.
Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp quốc doanh ưu tiên tuyển dụng cử nhân mới ra trường, đồng thời khuyến khích thanh niên khởi nghiệp bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính và tư vấn pháp lý. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới quan sát, các biện pháp này khó giải quyết được tận gốc tình trạng dư thừa lao động có trình độ tại các thành phố lớn.
Xung đột thương mại kéo dài giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại xuyên biên giới – nơi từng thu hút lượng lớn lao động trẻ. Dù Bắc Kinh và Washington đã nhất trí tạm thời hạ mức thuế đối với hàng hóa trong vòng 90 ngày, rủi ro đối với triển vọng việc làm vẫn còn hiện hữu.
Nhiều sinh viên và cử nhân trẻ tại Trung Quốc chọn cách kéo dài thời gian học tập để trì hoãn việc bước vào thị trường lao động đầy cạnh tranh. Tessa Deng – sinh viên vừa tốt nghiệp ngành luật tại Đại học Kinh tế và Luật Trung Nam ở Vũ Hán – cho biết cô dự định du học tại Đại học Bristol, Vương quốc Anh, để lấy bằng thạc sĩ. “Bây giờ, rất khó để xin việc tại một hãng luật chỉ với bằng cử nhân”, Deng chia sẻ: “Tôi cảm thấy lo lắng. Việc duy nhất tôi có thể làm là nộp đơn đến nhiều nơi nhất có thể và sẵn sàng hạ kỳ vọng về mức lương”.