Thứ sáu, ngày 09/05/2025 19:00 GMT+7
Sau vụ kiểm tra lòng xe điếu: “Thanh tra đột xuất phải trở lại đúng nghề, không thể biến thành chuyến viếng thăm có lịch hẹn”
Định Nguyễn Thứ sáu, ngày 09/05/2025 19:00 GMT+7
Đó là chia sẻ thẳng thắn của luật sư Mai Thảo – Phó Giám Đốc TAT Law Firm với PV Dân Việt sau vụ kiểm tra cơ ở bán lòng xe điếu tại Hà Nội.
Sau vụ lòng xe điếu: “Thanh tra không thể biến thành chuyến viếng thăm có lịch hẹn”
Chiều 8/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Phát biểu thảo luận, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM nhìn nhận dù rất nỗ lực nhưng một số hoạt động thanh tra hiện chưa đạt hiệu quả, vẫn chạy theo vụ việc, chưa được như mong mỏi của người dân.
Đáng chú ý, theo bà Lan, thanh tra đột xuất mới thể hiện được nghề của thanh tra. “Thanh tra mà báo trước họ không “vở sạch, chữ đẹp” mới là lạ. Thậm chí có trường hợp chây ì, họ vẫn vi phạm như thường. Như vậy sẽ không hiệu quả”, bà Lan thẳng thắn.

“Ví dụ như vụ lòng xe điếu, phèo hai da, mấy hôm nay, tôi mới thông tin sẽ cho kiểm tra, báo chí giật tít lên, sau đó đi đến đâu các quán cũng thông báo “em hết lòng rồi”, rất khó kiểm tra, thanh tra”, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM nói.
Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, luật sư Mai Thảo, Phó Giám Đốc TAT Law Firm cho hay, trong bối cảnh Luật Thanh tra (sửa đổi) đang đề xuất bỏ thanh tra sở, quận/huyện, nhiều người lo ngại nguy cơ mất đi cơ chế phát hiện sai phạm gần gũi với người dân. Luật sư Thảo thẳng thắn: “Thanh tra đột xuất cần được xác lập lại như một công cụ chính thức trong quản lý nhà nước, không thể biến thành chuyến viếng thăm có lịch hẹn”.

Thực tế luật sư Thảo cho rằng, đang bộc lộ một nghịch lý: Thanh tra theo kế hoạch ngày càng mắc lỗi hình thức, được thông báo trước cả tháng, các đơn vị bị kiểm tra đã sẵn sàng “vở sạch chữ đẹp”, trong khi đó, những vụ việc như đánh tráo hàng hóa, phụ gia độc hại… lại thường chỉ bị phát hiện khi thanh tra đột xuất, được triển khai quyết liệt.
“Phát biểu của Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đã đánh đúng tâm huyết của những người thực sự hiểu nghề: “Thanh tra đột xuất mới thể hiện nghề”. Điều này đòi hỏi chức năng thanh tra phải được tái định vị: chủ động, linh hoạt, có đủ nghiệp vụ và được trao quyền để vẫn hành.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận, trao quyền mà không kiểm soát sẽ tạo rào cản mới. Việc thanh tra đột xuất phải được làm rõ bằng quy trình pháp lý, quy định rõ điều kiện triển khai, biên bản, báo cáo, xử lý vi phạm và có hệ thống kiểm tra chéo để tránh lạm quyền. Bỏ thanh tra cấp sở, quận/huyện sẽ khiến các lỗi nhỏ trong ngành, địa bàn không ai nối đầu. Đây chính là chỗ hở trong thể chế thanh tra mà Luật Thanh tra sửa đổi cần không được bỏ qua”, luật sư Thảo nhấn mạnh.
“Pháp luật cần trở thành la bàn vừa đủ mạnh để phát hiện, ngăn chặn, cảnh báo, vừa đủ mềm dẻo để xử lý hành vi vi phạm”
Luật sư Thảo cho hay, thực tiễn cho thấy, nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng hệ thống thanh tra hiện nay còn lỏng lẻo, phản ứng chậm và thiếu sự đồng hành với các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Trong khi đó, không ít cơ sở sản xuất phi chính quy lại có khả năng “biến hóa hồ sơ” để đối phó, đón tiếp các đoàn thanh tra theo lịch trình báo trước.

“Chức năng thanh tra không nên trở thành một “cây gậy” hình thức, càng không thể là công cụ duy nhất trong hoạt động quản lý. Pháp luật cần trở thành la bàn – vừa đủ mạnh để phát hiện, ngăn chặn, cảnh báo, vừa đủ mềm dẻo để xử lý hiệu quả các hành vi vi phạm, hướng đến môi trường kinh doanh lành mạnh và bình đẳng hơn”, luật sư Thảo phân tích.
Phó Giám Đốc TAT Law Firm cho biết, đã và đang tham gia nhiều chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý rủi ro trong hoạt động sản xuất, phân phối, tiêu dùng.
“Chúng tôi tin rằng không có doanh nghiệp nào muốn vi phạm nếu hệ thống giám sát hoạt động công bằng, dễ dàng tiếp cận và đủ chính danh. Ngược lại, nếu chính sách thanh tra thiếu minh bạch, quá nhiều trung gian, hay quá nặng đối với người tốt và quá nhẹ đối với kẻ gian, thì chính thanh tra sẽ trở thành rào cản.
Thanh tra đột xuất phải trở lại với chính danh và chức năng của nó. Đó mới là cách để người dân và doanh nghiệp thực sự yên tâm rằng hệ thống đang vận hành đúng chức năng của mình”, luật sư Thảo nói thêm.