CẨM Y VỆ – TỔ CHỨC MẬT VỤ KHÉT TIẾNG LỊCH SỬ PHONG KIẾN
Theo cách hiểu đơn giản, lực lượng Cẩm Y Vệ (bảo vệ áo Cẩm) là lực lượng cảnh sát bí mật của các Hoàng đế nhà Minh,với nhiệm vụ chính là bảo vệ tính mạng, quyền lục và danh tiếng của Hoàng tộc họ Chu. Họ được trao rất nhiều quyền hạn để tra tấn, bắt giữ và thẩm vấn bất cứ ai mà Hoàng đế coi là mối đe dọa cho quốc gia và bản thân dòng tộc của mình.
Khó mà tìm được một tổ chức mật vụ, an ninh nào trong lịch sử giống hoàn toàn, hay tương đồng về nhiều đặc điêm với Cẩm Y Vệ trong lịch sử thế giới. Có thể xem lực lượng này là sự tổng hợp của Chính ủy Liên Xô, Stasi của Đức, Cận vệ Hoàng đế La mã, lính Janissaries của Đế quốc Ottoman.
Cẩm Y Vệ thực tế góp công lớn giúp các hoàng đế nhà Minh nối dài triều đại của mình tới gần ba trăm năm, dù cho thực tế rằng đây là triều đại mà đa phần thời gian cai trị của dòng tộc họ Chu, dân chúng lâm vào tình trạng lầm than, đói kém, mâu thuẫn với giai cấp cầm quyền cũng luôn ở mức cao.
Đến giai đoạn giữa và cuối nhà Minh, quyền lực của Cẩm Y Vệ ngày một lớn cộng với sự ra đời của một cơ quan hành pháp khác cũng lộng quyền không kém là Đông Xưởng, thậm chí đem lại sự e dè, sợ hãi cho hầu hết bộ máy quan lại. Các quan chức nắm vị trí quan trọng dưới quyền Hoàng đế cũng phải cúi đầu chào họ, mỗi lần hai bên gặp nhau.
Điều nổi bật nhất khi nói về Cẩm Y Vệ, đó là thực tế không có bất cứ ai trừ Hoàng Đế ở triều đại này, về mặt luật pháp, nằm ngoài thẩm quyền của họ. Đội Cẩm Y Vệ có quyền miễn trừ quyền lực chính trị khi thi hành nhiệm vụ, kể cả đối với thành viên gia đình Hoàng gia, bao gồm kể các các Hoàng hậu, Hoàng tử, Vương gia, Quý tộc thân tín,….Điều này khiến bàn tay của Cẩm Y Vệ bao trùm toàn bộ quốc gia, đủ cho họ săn lùng bất cứ kẻ nào trong tầm ngắm, thậm chí kể cả việc tổ chức các nhiệm vụ quốc tế.
Quyền lực cùng với số lượng ngày một đông đảo của lực lượng này khiến khó có triều đại hay đế chế cổ và cận đại nào có thể thiết lập hệ thống giám sát toàn dân trên lãnh thổ rộng lớn như vậy.
Tuy nhiên, các “đặc vụ” này lại tương đối dễ nhận ra, họ thường mặc một bộ y phục thêu hình một con cá chép đang bay (Phi Ngư phục), hông đeo một thanh kiếm đặc biệt bén (Tú Xuân đao), cùng với việc sự dụng một lệnh bài chứng thực chức vụ trong khi thực thi nhiệm vụ.
Chương I: Nguồn gốc và lịch sử của Cẩm Y Vệ.
Mầm mống của sự ra đời Cẩm Y Vệ thực ra sớm hơn chúng ta tưởng, nó xuất phát từ trước cả khi triều đại nhà Minh của Chu Nguyên Chương chính thức ra đời. Đó là vào những năm đầy biến động của cuộc kháng chiến chống triều Nguyên, triều đại của người Mông Cổ tồn tại từ năm 1279 đến năm 1368.
Chu Nguyên Chương (1326-1398) như chúng ta biết là Hoàng đế đầu tiên của nhà Minh, là người trực tiếp lật độ nhà Nguyên và giành lại Trung nguyên cho người Hán. Nhưng hóa ra ông không phải là kẻ duy nhất đứng lên chống lại nhà Nguyên, và nhà Nguyên cũng không phải đối thủ duy nhất của ông, có nhiều thủ lĩnh khác cùng nhăm nhe ngôi vị Tân triều Hoàng đế.
Kẻ thù tiềm năng nhất của Chu Nguyên Chương là Trần Hữu Lượng, và khỏi phải nói bằng cách này hay cách khác, Trần Hữu Lượng luôn muốn Chu Nguyên Chương chết bất cứ lúc nào. Do đó, ngay từ thời điểm này, Cẩm Y Vệ chưa chính thức đã ra đời với mục đích duy nhất ban đầu là bảo vệ tính mạng của Chu Nguyên Chương.
Tuy nhiên, ngay cả khi lên ngôi Hoàng đế một cách vững vàng, thay vì giải tán lực lượng cảnh vệ đơn thuần này, Chu Nguyên Chương khi này đã là Hồng Vũ Đế cấp quyền và cho họ chính thức trở thành một lực lượng hành pháp chính quy trong Triều đình vào năm 1382.
Ban đầu Cẩm Y Vệ chỉ có 500 thành viên, nhưng sau chỉ 3 năm con số này lên tới 14000 điều tra viên. Thời gian này, quyền lực của Cẩm Y Vệ vẫn còn hạn chế, chỉ đơn giản là bảo vệ Hoàng gia và giám sát quan lại theo lệnh từ vua, nhưng về cơ bản tuân theo tôn chỉ “nhận và chỉ nhận lệnh từ nhà vua”.
Tất nhiên, với tư cách là một Hoàng đế trưởng thành từ đủ cấp bậc từ một người lính. Hồng Vũ hiểu rằng, khó mà không làm bộ máy quan lại vốn lủng củng do mới lập triều trở nên khó chịu và thiếu tin tưởng vào nhà vua khi có một lực lượng hùng hậu những kẻ bí ẩn dò xét hoạt động của họ. Ông đã biện minh với quần thần của mình rằng, tất cả chỉ là một giải pháp để ông chống lại nạn tham ô đã khiến triều đại Tống trước đó diệt vong.
Một cái cớ tốt, nhưng rỏ ràng vẫn chỉ là cái cớ mà thôi.
Sự thật, Hồng Vũ là kẻ đứng trước cửa tử nhiều lần và trở nên đa nghi, cuồng tín, Cẩm Y Vệ chẳng ngoài mục đích gì ngoài bảo vệ tính mạng cũng như quyền lực của bản thân ông ta và gia đình. Điều này càng đúng trong cái chế độ mà ông ta nắm toàn bộ quyền hành, một chế độ tập quyền “triệt để” nhất trong các triều đại phong kiến Trung Hoa. Ngoài ra, thực tế lịch sử lúc ấy phản ánh sự lên ngôi của Hoàng đế lúc này không được ủng hộ của đại đa số, tính hợp pháp của sự lên ngôi của ông trong lòng dân không được phổ biến, họ chấp nhận ông chẳng lí do gì ngoài việc ông là kẻ mạnh cuối cùng trong một cuộc chiến nhấn chìm toàn bộ Trung Quốc vào loạn lạc, chết chóc,…
Vào thời điểm ổn định hơn, Cẩm Y Vệ dần dần hoàn thiện năng lực của nó theo đúng ý của Minh Thái Tổ. Họ nhanh chóng nhận ra mình là ai, cần làm những việc gì. Họ chính thức trở thành công cụ săn lùng những kẻ “chướng tai gai mắt” của Chu Nguyên Chương. Quan lại và dân chúng gọi họ là “chó săn của Hoàng đế” từ đây.
Để đáp lại mệnh lệnh của Hoàng đế, Cẩm Y Vệ đã thành lập trụ sở phía Tây Quảng trường Thiên An Môn ngày nay (từ thời Minh Thành Tổ) và nâng cấp các cơ sở của họ, sao cho tất cả đều được trang bị phòng thẩm vấn, cùng với các nhà tù nơi giam giữ các tù nhân chính trị, sao cho đảm bảo tính bí mật và là nơi không thể giải cứu tù nhân. Các tù nhân ở đây nghiễm nhiên phải chịu đựng những sự tra tấn về thể xác, tinh thần và tâm lý như những hoạt động thường nhật của Cẩm Y Vệ.
Nhưng rồi vào năm 1393, Hồng Vũ nhận ra sự lộng quyền của Cẩm Y Vệ có thể khiến ông đối đầu với một cuộc lật đổ bất cứ lúc nào nếu cứ để lực lượng này tiếp tục tồn tại.
Đặc biệt trong một vụ thanh trừng, Cẩm Y Vệ đã tự ý giết từ 15-40000 người (tùy theo nguồn tin), mà họ cho rằng có mưu đồ làm phản, và không thèm thông qua phê chuẩn từ nhà vua..Cẩm Y Vệ tạm dừng hoạt động tại đây.
Sự tạm dừng này không kéo dài lâu, chẳng bao lâu sau, cuối cùng Cẩm Y Vệ lại được mở lại và thậm chí bành trướng hơn về quy mô vào thời con trai ông là Minh Thành Tổ Chu Đệ(1359-1424). Chu Đệ nhận thấy sự cần thiết ngay từ khi mới lên ngôi của lực lượng này, bởi hóa ra ông cũng giống cha mình có con đường lên ngôi không được
“danh chính” cho lắm, khi ông trực tiếp cướp ngôi của cháu ruột mình là Hiến Văn Đế.
“danh chính” cho lắm, khi ông trực tiếp cướp ngôi của cháu ruột mình là Hiến Văn Đế.
Với việc chính thức trở lại hoạt động dưới bàn tay sắt của Chu Đệ, số lượng cơ sở hoạt động của họ tiếp tục được mở rộng. Vào những năm đầu của thập niên 1500, lực lượng này có số thành viên lên đến 200000 đặc vụ, quá đủ để quản lý và thao túng 125 triệu người dân, tạo ra một nhà nước giám sát toàn diện, quy mô lớn.
Cẩm Y Vệ, về mặt hành pháp quản lí người dân, bộ máy quan lại một cách kĩ càng khiến từ quan tới dân phải luôn dè chừng từng hành động của mình sao cho đừng trái pháp luật hay có lật đổ chính quyền nhà Minh. Nhưng không thiếu trường hợp, các đặc vụ này vào một ngày nhàm chán nào đó, bắt một người dân vào một cơ sở của họ và lấy việc tra tấn làm thú vui.
Trên thực tế, Cẩm Y Vệ đôi khi hoạt động hiệu quả và không phải chỉ là đám “chó săn” xấu xa, đặc biệt trong thời đại của những Hoàng đế có năng lực như Minh Thành Tổ, Minh Nhân Tông, Minh Tuyên Tông, Minh Hiếu Tông. Các Hoàng đế minh triều sau này nhiều người trở nên biếng nhác, và không còn chăm chỉ làm việc cũng như giảm hẳn ham muốn kiểm soát quyền lực. Vào những triều đại này, thì hoặc là Cẩm Y Vệ ngày càng quan liêu, chuyên quyền hơn. Hoặc là trở nên giám sút quyền lực do bản thân quyền lực của nhà vua không còn lớn tới mức tuyệt đối mà dần bị xâu xé bởi các thế lực hoạn quan, một nạn thường thấy ở triều đại này.
Trong khoảng hai thế kỉ rưỡi, song song với sự tồn tại của nhà Minh, bóng ma Cẩm Y Vệ bao trùm lấy Trung Quốc và chỉ kết thúc khi những Cẩm Y Vệ cuối cùng tử chiến bảo vệ tính mạng cho Hoàng đế Minh triều cuối cùng là Sùng Trinh(1611-1644) khi cuộc khởi nghĩa nông dân của Lý Tự Thành nổ ra vào năm 1644.
Phần II: Hoạt động, tổ chức và các đối thủ của Cẩm Y Vệ. (còn tiếp)