Thứ tư, ngày 30/04/2025 13:00 GMT+7
Có một nơi thiêng liêng ở Đà Nẵng mang biểu tượng từ đạn bom đến tình mẫu tử
Viết Niệm Thứ tư, ngày 30/04/2025 13:00 GMT+7
Giữa lòng Đà Nẵng sôi động, tượng đài Mẹ dũng sĩ Thanh Khê sừng sững như một biểu tượng bất khuất của tình mẫu tử và lòng yêu nước. Ít ai biết rằng, bức tượng này được làm từ 7.000 vỏ đạn đồng.
Tượng đài được làm từ 7.000 vỏ đạn
Phía sau công trình nghệ thuật độc đáo ấy là cả một câu chuyện đời đầy gian truân và sáng tạo táo bạo của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng – người đã dùng đến 7.000 vỏ đạn đồng để “thai nghén” nên tác phẩm để đời.
Dẫu rong ruổi khắp các miền đất nước, mỗi lần trở về quê nhà, ông Hạng vẫn không quên chạy xe ngang qua đường Điện Biên Phủ, dừng lại ngắm nhìn “đứa con” tinh thần của mình.

Phạm Văn Hạng – người nghệ sĩ với mái tóc bạc trắng, vầng trán cao và bộ đồ rộng thùng thình tự thiết kế – kể rằng ông từng không mặn mà với việc làm tượng đài. Thế nhưng chính ý tưởng sử dụng chất liệu vỏ bom, đạn đồng – một giải pháp tưởng như để từ chối nhiệm vụ – lại khiến lãnh đạo thành phố Đà Nẵng gật đầu. Trong thời hậu chiến, loại vật liệu này không những dễ kiếm mà còn mang đậm tính biểu tượng chuyển hóa từ tàn tích chiến tranh thành thông điệp hòa bình.
Trước năm 1975, ông từng gây tiếng vang với tác phẩm Việt Nam SOS, làm từ kẽm gai và mảnh đạn bom, lên án chiến tranh. Sau thống nhất, ông rẽ lối mưu sinh bằng nhiều nghề lao động chân tay. Đến đầu những năm 1980, ông bất ngờ được Sở Văn hóa Thể thao Quảng Nam – Đà Nẵng mời về góp sức dựng tượng đài kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng.

Cảm hứng chỉ đến khi ông bắt gặp một bà mẹ giữa cơn mưa Đà Nẵng, đầu đội nón lá, tay che hai con nhỏ bằng tấm nylon – một hình ảnh dung dị nhưng đầy xúc động. Kết hợp với hình ảnh gà mẹ dang cánh che chở đàn con, ý tưởng về tượng đài Mẹ dũng sĩ dần thành hình.
Bắt tay vào chế tác từ năm 1984, dùng khoảng 7.000 vỏ bom, đạn được tập kết về khắp chợ Hàn và chân tượng đài bây giờ, ông Hạng bắt tay ngay vào việc chế tác từ năm 1984. Để kịp giao tác phẩm đúng hẹn, ông phải thuê thêm những người thợ cơ khí ở các xưởng ôtô về làm thêm ca đêm. Còn ông luôn túc trực bên cạnh để giám sát kỹ thuật, chỉ tận tay những chỗ nào hàn, chỗ nào gò vỏ đồng. Bức tượng cao gần 12 m thành hình sau 6 tháng.
“Đạn là vũ khí giết người, với người nghệ sĩ chiến tranh là tội ác, nhưng xây dựng tượng đài người mẹ thì phải ở tấm lòng. Tượng đài tôi làm thì không thấy vũ khí, chỉ một cánh tay người mẹ đặt vào lồng ngực và một cánh tay chỉ về phía trước”, ông Hạng chia sẻ.
Khi khánh thành, hàng ngàn người dân vây kín, xúc động trước một tác phẩm được tạo nên từ những vỏ đạn – biểu tượng của chết chóc – nay hóa thành lời ca tụng người mẹ anh hùng.
Tổng Bí thư Lê Duẩn đích thân đến dự và tán dương bức tượng, khiến người nghệ sĩ như trút bỏ gánh nặng. “Tượng mình làm chắc gì đã đẹp, nhưng chất liệu, ý tưởng và bố cục thì quả là quá lạ”, ông Hạng chia sẻ.
Dẫu có người không ưng vì tượng không có hình ảnh vũ khí, nhưng với ông, chính sự giản dị, mạnh mẽ ấy mới là tinh thần của người mẹ Việt Nam – không hùng hục súng gươm, mà hiên ngang đứng giữa đất trời, một tay đặt lên ngực, một tay chỉ về phía trước.
Sau này, ông Hạng còn để lại dấu ấn với phần đầu Rồng – biểu tượng của cầu Rồng Đà Nẵng, khẳng định phong cách nghệ thuật không khuôn sáo, đầy bản sắc của một nghệ sĩ suốt đời tìm đường từ trái tim đến trái tim.