Thứ ba, ngày 22/04/2025 08:30 GMT+7
Nữ sinh TP.HCM giành giải Nhất cuộc thi viết Văn: Tiết lộ bí quyết để viết hay, dạt dào cảm xúc
Tào Nga Thứ ba, ngày 22/04/2025 08:30 GMT+7
Viết về Sài Gòn qua góc nhìn của một người bạn, tập trung vào những con hẻm nhỏ và những mùi hương đặc trưng, Đinh Ngọc Bảo Trân, sinh viên ngành Báo chí và Truyền thông đã giành giải Nhất cuộc thi “Giải thưởng Văn học trẻ Đại học Quốc gia TP.HCM”.
Nữ sinh giành giải Nhất cuộc thi “Giải thưởng Văn học trẻ”
Cô nữ sinh Đinh Ngọc Bảo Trân, sinh viên ngành Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM mới đây đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi “Giải thưởng Văn học trẻ Đại học Quốc gia TP.HCM” lần III – năm 2024 với chủ đề “Khởi nghiệp văn chương”.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, Bảo Trân hào hứng cho biết: “Đây là giải thưởng lớn đầu tiên của em. Lúc nghe kết quả em bất ngờ lắm, không nghĩ mình lại may mắn như vậy. Em được biết năm nay có hơn 1.000 tác phẩm thuộc ba thể loại Thơ, Tản văn, và Truyện ngắn từ học sinh, sinh viên trên khắp cả nước. Càng đặc biệt hơn, kết quả cuộc thi năm nay là chỉ có 1 giải Nhất và em là người vinh dự nhận được với tác phẩm “Hẻm mùa hương” ở thể loại Tản văn. Các thể loại còn lại (Truyện ngắn, Thơ) Ban giám khảo không trao giải Nhất”.

Theo Bảo Trân, tác phẩm “Hẻm mùa hương” giống như những ghi chú cá nhân của cô. Trân viết về Sài Gòn qua góc nhìn của một người bạn, tập trung vào những con hẻm nhỏ và những mùi hương đặc trưng mà mình cảm nhận được ở thành phố này.
Tác phẩm của Bảo Trân khiến cho PGS.TS Võ Văn Nhơn, Trưởng ban giám khảo dành hết lời khen ngợi: “Hẻm mùi hương” có những khám phá tinh tế về những hẻm nhỏ của TP.HCM. Thông thường, chúng ta hay cảm nhận những con hẻm ở đô thị bằng hình hài hoặc thanh âm, nhưng tác giả lại khám phá ra sự hiện hữu của những con hẻm bằng mùi hương. Những câu văn tinh tế, nhạy cảm về khứu giác ấy cho thấy cái già dặn bất ngờ của những người trẻ bây giờ”.
Tiết lộ bí quyết để học giỏi môn Văn cũng như cách để tăng thêm vốn từ, Bảo Trân cho hay: “Em nghĩ là do em nói chuyện nhiều, đọc cũng nhiều và em cũng cố gắng kết nối với nhiều người khác nhau. Càng nghe người ta nói, càng đọc sách báo, rồi mình cũng tập tành viết, tự nhiên việc viết trở thành một phản xạ lúc nào không hay”.
Bảo Trân cũng cho biết, mình không thực sự giỏi nổi trội ở thể loại viết nào và cũng không có đam mê, chưa “chốt” viết ở lĩnh vực nào. Với cô, là một người viết đa dạng sẽ thú vị hơn.
“Mình thử sức ở nhiều thể loại khác nhau thì mình sẽ không bị “mắc kẹt” trong một kiểu hành văn hay một lối tư duy cố định nào đó. Mỗi thể loại nó lại có những cái hay, cái khó riêng và việc mình nhảy qua lại giữa chúng giúp mình học hỏi được nhiều điều. Rồi cách mình dùng từ, mình triển khai ý nó cũng linh hoạt hơn”, Trân chia sẻ.
Được biết, Bảo Trân trúng tuyển ngành Báo chí và Truyền thông của trường theo phương thức tuyển thẳng. Hiện, cô cũng đang học thêm một chuyên ngành nữa là Tâm lý học.
“Kế hoạch của em vẫn sẽ tiếp tục đi học, đi làm như bình thường. Em xem cuộc thi này như một kỷ niệm đẹp, một điểm nhấn trên con đường viết lách của mình”, Bảo Trân nói.
PGS.TS. Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM chia sẻ: “Cuộc thi sáng tác văn học là một cuộc thi thường niên mà Đại học Quốc gia TP.HCM mong muốn góp phần khơi dậy và phát huy năng lực sáng tạo nghệ thuật ngôn từ của học sinh, sinh viên. Đây vừa là sân chơi sáng tạo tinh thần ý nghĩa, vừa là diễn đàn để học sinh, sinh viên thể hiện thông điệp nhân văn, trách nhiệm với cộng đồng, đất nước; qua đó góp phần lan tỏa nhận thức và tình cảm tích cực đến giới trẻ cũng như toàn xã hội”.
TS. Phan Thanh Định, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi chính thức phát động Hoạt động trải nghiệm sáng tác 2025.
Với chủ đề “Cất cánh cùng văn chương”, hoạt động dự kiến diễn ra vào mùa hè năm 2025, hứa hẹn mang đến một mô hình mới, tạo môi trường và động lực để phát triển những tài năng văn chương trẻ. Hoạt động này tập trung vào 4 mục tiêu chính: tăng cường kết nối cộng đồng người viết trẻ, trau dồi năng lực sáng tạo, tạo không gian học hỏi từ các nhà văn, nhà thơ giàu kinh nghiệm, và trải nghiệm đời sống để làm phong phú chất liệu sáng tác.