Một trong những nhân tố chủ chốt quyết định ưu thế và việc xuôi về Nam của Đại Việt là: Đồng bằng sông Hồng và trung ương tập quyền.
Triều Lý đã có một quyết định rất sáng suốt là dời đô về thành Đại La (khu vực Thăng Long sau này), các triều đại trước nhiều người lấy đất hiểm làm đô, nhưng triều Lý đã lấy đất giàu có và chiến lược làm kinh đô. Chính vì sở hữu một đồng bằng sông Hồng màu mỡ với sản lượng lương thực dồi dào và vị trí trung tâm nên mặc dù không có ưu thế phòng thủ nhưng nơi đây có ưu thế để phát triển cả về kinh tế, lẫn quân sự, chính điều đó đã giúp việc tập quyền trung ương của các triều đại nước ta tốt hơn hẳn so với Chiêm Thành ở phía Nam. Kể cả ở triều Trần khi thực hiện phân hầu, phong vương thì chính quyền trung ương ở Thăng Long vẫn mạnh nên dù nhiều vùng có tính chất “ki mi” thì mức độ tập trung quyền lực của nhà Trần vẫn ổn.
Theo các nghiên cứu và thực tế trong lịch sử, yếu tố tập quyền phụ thuộc rất lớn vào một chính quyền trung ương giàu mạnh và yếu tố giao thông đi lại. Khu vực mà Chiêm thành sở hữu ngày xưa chủ yếu là khu vực miền Trung với địa hình các đồng bằng bị chia cắt, việc đa dạng sắc tộc cộng với ảnh hưởng văn hóa gốc Ấn nên Chiêm duy trì đường lối tự trị phân quyền Mandala, cách thức tự trị này khiến cho triều đình trung ương rất khó kiểm soát các khu vực tự trị và tập trung sức mạnh quân sự, đó là lý do vì sao ta lại thấy họ thường rất hào phóng với cương thổ đất đai, chính là vì nhiều khu vực họ không quản được.
Thời nhà Hồ chúng ta thấy một nước đi rất ảo diệu của Hồ Quý Ly đó là đòi dời đô ra … nước ngoài chọn đất hiểm yếu, không có hướng phát triển làm kinh đô. Lê Thái Tổ sau khi đánh bại quân Minh lập tức chọn Thăng Long làm kinh đô mặc dù vùng đất căn bản của nhà Lê khi ấy là Thanh – Nghệ, đây là bước đi sáng suốt và giúp nhà Lê kiểm soát tốt từ Nghệ An ra tới Bắc Hà, cũng như chiếm giữ và duy trì ảnh hưởng lên khu vực Tây Bắc, các khu vực có nhiều mỏ đồng và kim loại.
Giao tranh của nước ta và Chiêm Thành, chúng ta có ưu thế hơn nhờ vào cơ chế và mức độ tập trung quyền lực.
Dù cũng có những thời Chiêm cũng đánh ngược lại nước ta, như lần đỉnh điểm là Chế Bồng Nga ra vào Thăng Long cướp phá như chỗ không người, nhưng nếu so sánh tỷ số đôi bên thì đó chẳng là gì, một cơ chế chính quyền hoàn chỉnh cũng giúp chúng ta dễ trụ vững và duy trì quyền điều động quân sự, ngược hẳn với Chiêm, Chế Bồng Nga nhờ vào uy tín và vũ dũng của cá nhân hơn là một cơ chế quyền lực, do đó, khi Chế Bồng Nga vừa chết thì Chiêm lập tức chia 5 xẻ 7, đánh thua cả Hồ Quý Ly.
Nhưng khi mở rộng xuống phía Nam, đối diện với một khu vực lãnh thổ rộng lớn từ Bắc Hà xuống đến Gia Định thì rõ ràng việc tập quyền dựa vào đồng bằng sông Hồng để cai trị là không khả thi. Điều này đặt ra một bài toán rất khó giải cho triều đại cầm quyền.
Một câu hỏi mình luôn đắn đo đó là mô hình cai trị nào ở thế kỷ 18-19 là phù hợp đối với Đại Việt. Tập quyền trung ương hay một cơ chế phân quyền?
Tập quyền có mức độ tập trung sức mạnh kinh tế và quân sự tốt hơn, nhưng về sự linh hoạt và năng động thì lại không bằng cơ chế phân quyền. Cơ chế phân quyền cũng là một nhân tố có khả năng thúc đẩy sự cải cách tốt hơn, vì với những chuyển biến mạnh mẽ trong thế kỷ 19, một chính quyền cai trị linh hoạt và năng động sẽ có sự thích nghi và điều chỉnh tốt hơn một cơ chế trung ương quan liêu, cứng nhắc và kìm kẹp.
Mô hình quản lý tập quyền dựa vào một trung ương không có tiềm năng kinh tế và quân sự là Phú Xuân của nhà Nguyễn đưa bộ máy cai trị rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, luôn phải kềm chế 2 đầu Nam – Bắc và chỉ tầm 50 năm sau, nó đã lộ rõ sự bất lực đối với 2 vùng đất này. Thực tế thì việc quản 2 vùng này ngay từ thời Gia Long đã phải dựa vào các tổng trấn với quyền lực rất lớn đến mức các thương nhân và giáo sĩ ngoại quốc coi nó như 1 quốc gia riêng rẽ.
Nhưng ở vùng đất nào mới có đủ tiềm năng kinh tế và quân sự và khả năng quản cả 2 đầu Nam – Bắc? Vị trí lý tưởng thực tế là không có, điều này bắt nguồn từ những khó khăn khách quan về vị trí địa lý.
Nguyễn Huệ đã chọn Nghệ An vì đây là vùng khả dĩ có thể quản lý được ¾ dân số khu vực mà Tây Sơn kiểm soát, đóng vai trò chốt chặn quân sự cũng như luân chuyển hàng hóa từ Bắc Hà ra tới Quảng Nam, Nguyễn Ánh chọn Phú Xuân vì đây là đất gốc phát tích của chúa Nguyễn, cũng như nó có khả năng phòng thủ tốt đối với phía Bắc, nói chung sau nhiều triều đại, thì chúng ta quay lại chọn đất hiểm yếu để làm kinh đô.
Một sự thật phũ phàng mà nhiều người không chịu nhìn nhận đó là nền tảng của nước ta ở thời kỳ phong kiến cuối cùng là rất yếu kém, nó là những nền tảng rất cơ bản về văn hóa, chữ viết, học thuật, cho đến những thứ quyết định hơn như nền kinh tế hàng hóa, giao thông và nông nghiệp. Điều đó cộng với những khó khăn về vị trí địa lý cũng như sự lúng túng trong việc đưa ra phương thức quản lý phù hợp đã làm trầm trọng thêm những vấn đề sẵn có.