Thứ bảy, ngày 19/04/2025 15:00 GMT+7
Nên ký hợp đồng công chức thay vì biên chế suốt đời?
Thùy Anh Thứ bảy, ngày 19/04/2025 15:00 GMT+7
Nhiều chuyên gia cho rằng chỉ nên tuyển dụng và ký hợp đồng công việc thay vì biên chế suốt đời với công chức, trừ vị trí quản lý, lãnh đạo.
Xây dựng vị trí việc làm gắn với lương công chức, viên chức
Dự thảo Cán bộ công chức sửa đổi đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến trình Quốc hội có nhiều điểm mới, trong đó, bộ này đề xuất cán bộ, công chức được hưởng tiền lương, tiền thưởng theo vị trí việc làm đảm nhận, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước.
Khi công chức thay đổi vị trí việc làm thì được hưởng tiền lương và các chế độ liên quan theo vị trí việc làm mới.
Đây là điểm mới của dự thảo luật khi Bộ Nội vụ đề xuất bỏ toàn bộ quy định về tiền lương dựa trên lương cơ sở, lương theo ngạch công chức trong luật hiện hành, thay vào đó Chính phủ sẽ quản lý theo vị trí việc làm và trả lương theo vị trí việc làm.

Ông Lê Quang Trung – Nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH (nay là Bộ Nội vụ) cho rằng: Trả lương theo vị trí việc làm là xu hướng tất yếu đã và đang được nhiều quốc gia thực hiện, có tác động rất tích cực đến nhiều mặt. Tại Việt Nam khu vực tư (doanh nghiệp) cũng đã tiến hành trả lương theo vị trí việc làm từ lâu. Tuy nhiên, ở khu vực công thì lâu nay chưa làm được.
Theo ông Trung, nếu làm được việc này thì sẽ tạo thành khâu đột phá trong việc tuyển dụng, sử dụng, đánh giá và đãi ngộ đối với công chức. Qua đó gián tiếp nâng cao hiệu quả trong từng vị trí việc làm, tăng năng suất lao động, đảm bảo sự công bằng, khuyến khích công chức làm việc, tránh lãng phí.
Cụ thể 5 vấn đề đặt ra là:
Thứ nhất, chúng ta phải xác định đúng đối với từng vị trí việc làm, một vị trí việc làm cần xây dựng từng nhiệm vụ cụ thể và mỗi nhiệm vụ phải giải trình cho được tại sao cần phải làm nhiệm vụ này.
Nếu vị trí việc làm này không làm thì vị trí việc làm khác có làm được không hoặc làm tốt hơn không; xác định rõ từng vị trí việc làm thuộc nhóm nào trong hệ thống vị trí việc làm của công chức (lãnh đạo, quản lý; chuyên môn, nghiệp vụ; hỗ trợ, phục vụ…).
Thứ hai, mỗi vị trí việc làm có độ phức tạp riêng đòi hỏi công chức thực hiện phải có tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể về phẩm chất chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc, sức khỏe… để đảm đương được vị trí việc làm đó. Đồng thời, xác định quan hệ làm việc theo hình thức nào.
“Theo tôi trừ một số vị trí lãnh đạo, quản lý, còn các vị trí khác đều thực hiện theo hình thức hợp đồng làm việc” – ông Lê Quang Trung đề xuất.
Thứ ba, vị trí việc làm có mức lương riêng cụ thể theo mức độ phức tạp của công việc và có thể ở một số vị trí việc làm có phụ cấp để khuyến khích và thu hút; cần xác định được cơ cấu ngạch chức danh và quản lý biên chế; xác định mức lương thấp nhất khu vực quản lý Nhà nước; đánh giá trả lương và tương quan mức lương của các vị trí việc làm… trong khu vực công cũng như đảm bảo mức tương quan tiền lương với khu vực tư để từ đó tạo động lực làm việc cho công chức, viên chức.
Thứ tư, ông Trung cũng cho rằng cần có quy định các tiêu chí cụ thể và lượng hóa được để đánh giá công chức thực thi nhiệm vụ định kỳ hoặc đột xuất, lấy hiệu quả công việc làm thước đo để làm căn cứ cho việc trả lương cũng như tiếp tục hay không tiếp tục đảm đương vị trí việc làm.
Cuối cùng, việc tổ chức thực hiện trả lương theo vị trí việc làm cần thực hiện một cách nghiêm túc, kiên quyết, công khai, minh bạch, khách quan và có cơ chế giám sát.

Công chức “có vào có ra”
Tại Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, Bộ Nội vụ cũng đề xuất quy định với việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức. Quan điểm là “có vào có ra”, tuyệt đối không để công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ tiếp tục công việc.
Trước đó, chia sẻ với PV Báo Dân Việt, ông Phạm Minh Huân – Nguyên thứ trưởng Bộ LĐTBXH cũng cho rằng cần sớm áp dụng trả lương cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Tuy nhiên, muốn làm được thì cần phải hoàn thiện xây dựng vị trí việc làm.
“Đây là việc làm khó, nhưng khu vực tư đã làm được thì khu vực công cũng phải làm được”, ông Huân nói.
Ông Huân cũng đồng ý với việc phải xây dựng cơ chế đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong khu vực công mạnh hơn nữa. Các tiêu chí cần phải sát, khách quan, trung thực. Chỉ có vậy mới duy trì được kỷ cương, hiệu quả công việc.