Thứ sáu, ngày 18/04/2025 06:22 GMT+7
Đâu là lỗ hổng trong quản lý an toàn thực phẩm nhìn từ vụ sản xuất gần 600 loại sữa bột giả?
Định Nguyễn Thứ sáu, ngày 18/04/2025 06:22 GMT+7
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Lê Hằng cho rằng, vụ việc triệt phá đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả, tiêu thụ suốt 4 năm với doanh thu gần 500 tỷ đồng, đã phơi bày những lỗ hổng đáng lo ngại trong hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam.
“Khoảng trống” trách nhiệm
Mới đây, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Vũ Mạnh Cường, Hoàng Mạnh Hà và 6 người khác liên quan đường dây sản xuất gần 600 loại sữa giả.
Trong gần 600 loại sữa làm giả gồm cả sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. Nhiều người tiêu dùng lo lắng tại sao gần 600 loại sữa, với quy mô sản xuất lớn 4 năm qua không bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Đơn vị nào chịu trách nhiệm cho việc này?

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Lê Hằng, chuyên gia tư vấn doanh nghiệp tại TAT Law Firm đã phân tích các điểm yếu trong cơ chế giám sát, đề xuất giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và uy tín doanh nghiệp.
Theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP, việc quản lý an toàn thực phẩm được phân chia giữa Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, trong vụ việc này, cả Bộ Y tế và Bộ Công Thương đều cho rằng sản phẩm sữa bột giả không thuộc phạm vi quản lý của mình, dẫn đến tình trạng “đá bóng” trách nhiệm giữa các cơ quan.

“Điều này cho thấy sự thiếu rõ ràng trong phân định trách nhiệm, tạo điều kiện cho các hành vi vi phạm kéo dài mà không bị phát hiện. Ngoài ra, cơ chế tự công bố sản phẩm cho phép doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm mà không cần sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ cơ quan chức năng”, luật sư Hằng nhấn mạnh.
Trong vụ việc gần 600 loại sữa giả, luật sư Hằng cho rằng, các doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở này để sản xuất và phân phối sữa bột giả với số lượng lớn mà không bị phát hiện trong suốt thời gian dài. Điều này đặt ra câu hỏi về hiệu quả của cơ chế hậu kiểm hiện tại và sự cần thiết phải tăng cường giám sát sau khi sản phẩm được đưa ra thị trường.
“Trách nhiệm giám sát an toàn thực phẩm tại địa phương thuộc về các Sở Y tế và Sở Công Thương. Tuy nhiên, trong vụ việc này, các cơ quan này đã không phát hiện ra hành vi vi phạm trong suốt 4 năm. Nguyên nhân có thể do thiếu nguồn lực, nhân sự và sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, dẫn đến việc giám sát không hiệu quả. Điều này cho thấy sự cần thiết phải tăng cường năng lực và trách nhiệm của các cơ quan quản lý địa phương”, luật sư Hằng nhấn mạnh.
Tăng cường hậu kiểm và trách nhiệm liên ngành
Qua vụ việc trên, luật sư Lê Hằng đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục những lỗ hổng trong quản lý an toàn thực phẩm:
Cụ thể, thứ nhất, cần thiết lập cơ chế hậu kiểm hiệu quả, thường xuyên kiểm tra, giám sát các sản phẩm sau khi được đưa ra thị trường.

Thứ 2, rà soát cơ chế tự công bố: Xem xét lại cơ chế tự công bố sản phẩm, đặc biệt đối với các sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Thứ 3, tăng cường phối hợp liên ngành: Thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương để đảm bảo hiệu quả trong việc giám sát và xử lý vi phạm.
Thứ 4, nâng cao năng lực cho cơ quan địa phương: Đầu tư nguồn lực, đào tạo nhân sự và cung cấp công cụ hỗ trợ cho các cơ quan quản lý địa phương để nâng cao hiệu quả giám sát.
Luật sư Lê Hằng nhấn mạnh, bên cạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý, doanh nghiệp cũng cần chủ động tuân thủ pháp luật, đảm bảo chất lượng sản phẩm và minh bạch trong hoạt động kinh doanh. Việc xây dựng hệ thống quản trị pháp lý vững chắc sẽ giúp doanh nghiệp tránh rủi ro pháp lý và bảo vệ uy tín thương hiệu.
“Vụ việc sữa bột giả đã phơi bày những lỗ hổng nghiêm trọng trong hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam. Để ngăn chặn những vụ việc tương tự, cần có sự vào cuộc quyết liệt từ cả cơ quan quản lý nhằm xây dựng một hệ thống giám sát hiệu quả, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường thực phẩm”, luật sư Lê Hằng nói thêm.
Trước đó, Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn tại Hà Nội và các tỉnh.
Theo đó, từ hơn 4 năm qua đường dây này ngang nhiên hoạt động, bán ra thị trường gần 600 loại sữa bột giả, với doanh thu gần 500 tỉ đồng. Nguy hiểm và rất nguy hiểm khi họ sản xuất cả các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai.
Bước đầu cơ quan công an xác định từ tháng 8/2021 đến nay, Công ty CP dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP dược dinh dưỡng Hacofood Group đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại.
Chưa có đánh giá chính xác về tác hại của những loại sữa giả này, nhưng chắc chắn gây tổn hại sức khỏe về lâu dài với người tiêu dùng khi các thành phần công bố trên sản phẩm như: chiết xuất từ tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, bột óc chó…, thực tế sản phẩm hoàn toàn không có những chất này. Họ đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung một số chất phụ gia.
Sau sự việc, Bộ Công Thương khẳng định các nhóm danh mục sữa bột giả là sản phẩm thuộc Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group sản xuất không thuộc đối tượng quản lý của bộ này.
Trong khi đó, chia sẻ về chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ Y tế cho biết hiện nay đa phần việc quản lý đã phân cấp về địa phương và giao địa phương quản lý. Bộ cũng đã “ban hành các kế hoạch thanh tra, kiểm tra”.