soc-voi-hang-nghin-hoc-sinh-ha-noi-co-nguy-co-truot-tot-nghiep-thpt-2025:-lanh-dao-so-gddt-giai-thich

Sốc với hàng nghìn học sinh Hà Nội có nguy cơ trượt tốt nghiệp THPT 2025: Lãnh đạo Sở GDĐT giải thích

Thứ năm, ngày 10/04/2025 18:46 GMT+7

“Sốc” với hàng nghìn học sinh Hà Nội có nguy cơ trượt tốt nghiệp THPT 2025: “Không thể xem nhẹ”

Tào Nga Thứ năm, ngày 10/04/2025 18:46 GMT+7

Trước thông tin gần 32.000 bài thi khảo sát lớp 12 dưới 3 điểm có nguy cơ trượt tốt nghiệp THPT, lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội cho biết, các nhà trường cần tập trung rà soát, phân loại trình độ học sinh để có phương án tổ chức ôn tập, bồi dưỡng hiệu quả.

Vì sao gần 32.000 bài thi khảo sát lớp 12 dưới 3 điểm?

Mới đây, Sở GDĐT Hà Nội công bố phổ điểm kết quả kỳ kiểm tra khảo sát chất lượng toàn thành phố năm học 2024 – 2025 của hơn 118.000 học sinh lớp 12. Theo đó, kết quả kiểm tra khảo sát chất lượng toàn thành phố năm nay thấp hơn so với năm ngoái.

Ở khối 12, số điểm trung bình lớn nhất nằm trong khoảng 6-7 điểm với 105.903 thí sinh đạt được, chiếm 21,06%. Số điểm trên 8 có 35.914 bài thi đạt được, chiếm 7,73%. Số điểm 10 rất ít, chỉ có 389 bài thi đạt, chiếm tỷ lệ 0,08%.

Đáng chú ý, tỷ lệ bài thi có điểm dưới trung bình ở mức cao với 148.003 bài, chiếm 31,86%. Trong đó, có hơn 31.000 bài thi dưới 3 điểm, gần 5.000 bài thi từ 1 điểm trở xuống. Toán là môn thi có điểm dưới trung bình cao nhất với 51,69%. Tiếp đó là môn địa lý (51,42%), sinh học (50,41%). Tỷ lệ điểm dưới trung bình ở môn văn và môn tiếng Anh lần lượt là 34,03% và 31,32%.

Trao đổi với PV báo Dân Việt, TS Nguyễn Xuân Hảo, Phó Tổ trưởng chuyên môn tổ Ngữ văn, Trường THPT Lê Quý Đôn – Hà Đông, Hà Nội nêu quan điểm: “Đứng từ góc nhìn của một giáo viên, đây là thực trạng đáng lo ngại.

Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Tào Nga

Việc hơn 30% bài thi lớp 12, nhất là môn Toán có tới hơn 50% bài dưới điểm trung bình không chỉ là con số thống kê mà là chỉ báo trực tiếp cho thấy mức độ sẵn sàng của học sinh cho kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học vẫn còn rất hạn chế.

Nguyên nhân xuất phát từ nhiều phía. Từ phía học sinh, một bộ phận học sinh có tư tưởng chủ quan, học lệch hoặc chưa xây dựng được chiến lược học tập hiệu quả. Nhiều em chưa hình thành kỹ năng làm bài, đặc biệt với những môn mang tính logic như Toán.

Từ phía giáo viên và chương trình học: Sự chuyển đổi sang Chương trình GDPT 2018 khiến cả thầy và trò đều lúng túng. Nhiều giáo viên vẫn dạy theo lối mòn cũ, chưa bắt kịp định hướng mới – trong khi đề thi đã tăng cường tính phân hóa và tư duy vận dụng.

Từ khâu ra đề khảo sát: Đề thi khảo sát có thể được thiết kế ở mức độ phân hóa học sinh. Điều này khiến tỷ lệ điểm dưới trung bình tăng cao, nhưng cũng làm nhiều học sinh hoang mang, mất phương hướng.

Việc này gây tâm lý lo lắng cho học sinh, nhất là khi kỳ thi THPT 2025 chỉ còn vài tháng; Tạo áp lực cho giáo viên và nhà trường trong việc chạy nước rút ôn thi; Làm lộ rõ sự phân hóa giữa các trường top và các trường ngoài công lập hoặc vùng ven”.

Theo TS Hảo: “Kết quả này không nên chỉ nhìn theo hướng tiêu cực, mà cần xem là cơ hội để điều chỉnh. Đối với học sinh, đây là thời điểm thích hợp để đánh giá lại năng lực, bổ sung kiến thức và cải thiện kỹ năng làm bài. Các trường nên sử dụng kết quả khảo sát để xây dựng kế hoạch ôn tập trọng tâm, phân loại học sinh theo nhóm để hỗ trợ hiệu quả hơn.

Tình trạng hơn 30% bài thi dưới trung bình là điều không thể xem nhẹ nhưng không phải là điều “vô phương cứu chữa”. Nếu khai thác đúng cách, đây có thể là đòn bẩy mạnh mẽ để học sinh, giáo viên và nhà trường thay đổi cách tiếp cận, từ đó đạt được kết quả tốt hơn trong kỳ thi sắp tới”.

Sở GDĐT nói gì?

Trước thông tin trên, ông Hà Xuân Nhâm, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GDĐT Hà Nội cho biết, còn bộ phận lớn học sinh cần được hỗ trợ nhiều hơn từ giờ đến lúc thi tốt nghiệp. Các nhà trường cần tập trung rà soát, phân loại trình độ học sinh để có phương án tổ chức ôn tập, bồi dưỡng hiệu quả.

Theo đó, cơ sở giáo dục cần chú ý kiến thức ôn tập ở các môn theo hướng dẫn, theo các chủ đề đã được tập huấn chuyên môn của Sở GDĐT Hà Nội. Đặc biệt, cần hướng dẫn học sinh phương pháp giải quyết các câu hỏi dạng thức trả lời đúng/sai, trong đó, xây dựng câu hỏi tăng dần mức độ khó.

Ngoài ra, xây dựng hệ thống câu hỏi ôn tập bám sát yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018, tập trung rèn luyện cho học sinh những câu hỏi có ý nghĩa thực tiễn, liên môn; sử dụng kiến thức đã học để giải quyết các bài toán thực tiễn.

Thời gian tới, Sở GDĐT Hà Nội sẽ cùng các cơ sở tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho học sinh theo dõi các chương trình phát sóng trên kênh H2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội về các chủ đề, bài giảng ôn thi tốt nghiệp ở các bộ môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Ngoài ra, học sinh khối lớp 12 có thể tải và cài ứng dụng Hanoi On để tham gia ôn luyện thi tốt nghiệp THPT.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *