Thứ tư, ngày 09/04/2025 06:04 GMT+7
Diệu Linh Thứ tư, ngày 09/04/2025 06:04 GMT+7
Tại Việt Nam, suy giãn tĩnh mạch đang trở thành một vấn đề sức khỏe đáng quan tâm. Theo các nghiên cứu, khoảng 25-35% người trưởng thành có nguy cơ mắc bệnh này.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải – Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, 1/3 người trưởng thành Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ suy giãn tĩnh mạch. Nếu không điều trị kịp thời, căn bệnh này có thể âm thầm gây biến chứng nguy hiểm như huyết khối, loét da, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Theo bác sĩ Hải, suy giãn tĩnh mạch là tình trạng các tĩnh mạch (đặc biệt là tĩnh mạch chân) bị giãn ra, suy yếu và mất khả năng đưa máu trở về tim một cách hiệu quả. Nguyên nhân chính là do các van tĩnh mạch bị hư hỏng, khiến máu ứ đọng lại trong lòng mạch.
Bác sĩ Hải cho biết, tại Việt Nam, suy giãn tĩnh mạch đang trở thành một vấn đề sức khỏe đáng quan tâm. Theo các nghiên cứu, khoảng 25-35% người trưởng thành có nguy cơ mắc bệnh này.

Đối tượng dễ mắc bệnh suy tĩnh mạch bao gồm:
Lối sống ít vận động: Người làm việc văn phòng, đứng hoặc ngồi lâu;
Phụ nữ mang thai hoặc sau sinh;
Người cao tuổi;
Người có tiền sử gia đình mắc bệnh: Di truyền là một trong những nguy cơ chính của suy tĩnh mạch. Gen di truyền liên quan đến cấu trúc thành mạch, van tĩnh mạch yếu bẩm sinh.
Dấu hiệu để nhận biết bệnh suy giãn tĩnh mạch
Theo bác sĩ Hải, bệnh suy giãn tính mạch có các dấu hiệu sau:
– Đau nhức, nặng chân, đặc biệt vào cuối ngày.
– Phù nề, sưng mắt cá chân.
– Nổi các tĩnh mạch xanh tím, ngoằn ngoèo dưới da.
– Chuột rút, ngứa hoặc cảm giác nóng rát ở chân.
Bác sĩ Hải cho biết, nếu bệnh suy giãn tĩnh mạch không được phát hiện và điều trị kịp thời, suy giãn tĩnh mạch có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
Loét da: Do máu ứ đọng lâu ngày, gây thiếu dinh dưỡng cho da.
Huyết khối tĩnh mạch sâu: Cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch, có thể di chuyển đến phổi, gây tắc mạch phổi (nguy hiểm tính mạng).
Suy giảm chất lượng cuộc sống: Đau đớn, khó khăn trong vận động và sinh hoạt hàng ngày.
“Do đó, khi người dân phát hiện chân đau tức,chuột rút, các tĩnh mạch xanh tím, ngoằn ngoèo dưới da… thì cần đi khám ngay để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kịp thời, tránh biến chứng”, bác sĩ Hải khuyến cáo.

Chế độ luyện tập cho người suy giãn tĩnh mạch
Ngoài ra, với người bị suy giãn tĩnh mạch, bác sĩ Hải tư vấn, người bệnh nên:
Về vận động, tập luyện:
– Nên đi bộ nhẹ nhàng 20-30 phút/ngày, bơi lội đạp xe, các bài tập co duỗi chân.
– Không nên chạy bộ đường dài, nhảy dây, tập tạ nặng, đứng/ngồi bất động quá lâu (>1 giờ)
Về thói quen sinh hoạt
– Nên kê cao chân (khi ngủ hoặc nghỉ ngơi, cao hơn tim 10-15cm); Mang tất áp lực (theo chỉ định của bác sỹ), massage chân nhẹ nhàng
– Không nên ngâm chân nước nóng>40 độ C, xông hơi lâu, mang giày cao gót>3 cm
Về chế độ ăn uống:
– Nên ăn thực phẩm giàu chất xơ (rau xanh, đậu, yến mạch); Uống đủ nước 2-2,5L/ngày; Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C&E (cam bưởi..)
– Không nên ăn quá mặn, đồ hộp (gây giữ nước, phù chân); tránh béo phì (duy trì BMI <25)
“Suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý có thể điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Việc thăm khám định kỳ và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp bạn tránh được các biến chứng nguy hiểm. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ, hãy đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời”, bác sĩ Hải khuyến cáo.