Hưng Yên là tỉnh nằm ở tả ngạn sông Hồng, phía Bắc giáp tỉnh Bắc Ninh, phía Tây bắc giáp thành phố Hà Nội, phía Đông giáp tỉnh Hải Dương, phía Nam giáp tỉnh Thái Bình, phía Tây Nam giáp tỉnh Hà Nam.
Trải qua quá trình lịch sử các thế hệ tiền nhân xưa đã để lại trên đất Hưng Yên hàng nghìn di tích có giá trị, đó là những công trình kiến trúc: Đình, đền, chùa, miếu, lăng mộ… Nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như đền Đa Hòa, đền Dạ Trạch gắn liền với truyền thuyết Chử Đồng Tử – Tiên Dung công chúa là một trong “Tứ bất tử” của Việt Nam, đền Phù Ủng nơi thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão, đặc biệt là quần thể di tích Phố Hiến minh chứng cho một thời kỳ thịnh vượng của Phố Hiến – Hưng Yên.
Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước đã tạo nên Hưng Yên thành vùng đất thiêng, nơi phát tích của nhiều danh nhân, anh hùng dân tộc trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội như: Phạm Bạch Hổ, Đỗ Thế Diên, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trung Ngạn, Lê Như Hổ, Đoàn Thị Điểm, đại danh y Lê Hữu Trác, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Tô Hiệu, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh…
Chùa Nôm (Văn Lâm) ở Hưng Yên. Ảnh: BHY
Những người con ưu tú xứ Nhãn
Được biết, trong 845 năm nho học, Hưng Yên có 214 vị đỗ đại khoa, đó là chưa kể những nhân vật huyền thoại như Tống Trân – người thôn An Đỗ, huyện Phù Dung (nay là thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ) được phong Lưỡng quốc Trạng nguyên.
Đội ngũ các nhà cử nghiệp Hưng Yên có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước, trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá – xã hội như Đỗ Thế Diên – người Cổ Liêu, Đường Hào (nay thuộc xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Yên), thi đỗ đời Lý Cao Tông (năm 1185) và làm quan đến Triều nghị đại phu; Phạm Ngũ Lão (1225 – 1320) quê Phù ủng – Ân Thi, một danh tướng đời Trần, một thi sĩ nổi tiếng; Nguyễn Trung Ngạn (1289 – 1370) người Thổ Hoàng – Ân Thi, 12 tuổi đỗ Thái học sinh, 16 tuổi đỗ Hoàng giáp, đi sứ Bắc, soạn sử Nam, đại thần của 5 đời vua Trần…
Nhà khoa bảng lừng danh Đỗ Thế Diên
Theo tài liệu ở địa phương, trong lịch sử khoa cử nước nhà, kể từ khi nhà Lý mở khoa thi đầu tiên vào năm Ất Mão (1075) gọi là “Tuyển Minh kinh bác học và Nho học tam trường” cho tới khoa thi cuối cùng của triều Nguyễn (1919) nước ta có 2.898 người đỗ đại khoa. Năm Ất Tỵ niên hiệu Trinh Phù 10 (1185) đời Lý Cao Tông, một trong ba người đỗ đầu là Đỗ Thế Diên (còn gọi là Đỗ Thế Bình), người Cổ Liêu, huyện Đường Hào (nay thuộc xã Nghĩa Hiệp, huyện Mỹ Văn) là người khai khoa của tỉnh Hưng Yên.
Ông làm quan trải đến chức Triều nghị Đại phu, kiêm Thẩm phán Viện Thẩm hình. Đến khi về trí sĩ, ông được ban tặng Thượng trụ quốc, thưởng cho đai vàng. Sau khi mất, được triều đình phong phúc thần, cho dân chúng lập đền thờ trên nền nhà cũ.
Đền thờ Trạng nguyên Đỗ Thế Diên cạnh chùa Báo Ân. BGDTĐ
Cho đến nay, giới nghiên cứu lịch sử vẫn chưa thể xác định rõ năm sinh và năm mất của nhà khoa bảng lừng danh Đỗ Thế Diên. Chỉ biết rằng cụ thân sinh ra ông là Đỗ Tiên Chính và mẹ là bà Kiều Thị. Tương truyền, cha của Đỗ Thế Diên mất khi ông còn rất nhỏ.
Giai thoại kể rằng, một hôm Đỗ Thế Diên đang học thì buồn ngủ nên gục xuống bàn thiếp đi. Khi tỉnh dậy, thấy một con yêu tinh đang đứng cạnh mình. Ông giật mình sợ hãi toan bỏ chạy, nhưng yêu tinh đã khuyên Đỗ Thế Diên bình tĩnh không nên sợ hãi. Yêu tinh giải thích việc đến đây là do cảm động trước sự hiếu thảo và lòng ham học của ông. Nói xong, yêu tinh nhả một viên ngọc đưa ông nuốt vào bụng. Từ đó, ông học rất nhanh, học một biết mười, đọc đâu nhớ đó. Đầu ông chứa thiên kinh vạn quyển và cả vùng không ai sánh kịp.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 -1791) sinh ra tại làng thôn Văn Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng (nay thuộc xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Vốn có tư chất thông minh, lại sinh ra trong danh gia vọng tộc, nổi tiếng khoa bảng, có bố là Đệ tam giáp Tiến sĩ Lê Hữu Mưu làm đến chức Thị lang Bộ công triều vua Lê Dụ Tông nên từ nhỏ Lê Hữu Trác đã dùi mài kinh sử theo nghiệp khoa cử tiến thân.
Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, thôn Liêu Xá, xã Liêu Xá (Yên Mỹ). Ảnh: BHY
Tuy nhiên, thời đại binh đao nhiễu loạn, ông chuyển hướng tham gia quân đội. Chỉ một thời gian ngắn, Lê Hữu Trác nhận ra chiến tranh chỉ mang lại đau thương nên năm 1746, khi mới 22 tuổi, nhân việc người anh trai cả mất, Lê Hữu Trác xin từ quan về quê mẹ ở làng Tình Diệm (Hương Sơn) chịu tang anh, chăm sóc mẹ già và các cháu. Tại đây, ông bắt đầu học nghề thuốc và hành nghề chữa bệnh cứu người cho đến lúc mất.
Trong cuộc đời 45 năm nghiên cứu về y thuật, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã để lại cho hậu thế nhiều công trình, tác phẩm giá trị như: Hải Thượng y tông tâm lĩnh, Thượng kinh ký sự, Nữ công thắng lãm… Trong đó, ông đã sưu tầm và phát hiện trên 300 vị thuốc nam, tổng hợp 2.854 phương thuốc chữa bệnh phổ biến cho nhân dân.
Hồng Hà Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm
Đoàn Thị Điểm sinh năm 1705, biệt hiệu là Hồng Hà Nữ sĩ, con gái Đoàn Doãn Nghi, quê ở làng Giai Phạm, sau đổi thành Hiến Phạm, huyện Văn Giang nay thuộc tỉnh Hưng Yên. Nữ sĩ vốn gốc họ Lê, đến đời thân phụ mới đổi sang họ Đoàn. Bà được dạy chữ và thông thạo kinh thư lễ nghĩa từ nhỏ, là tác giả của nhiều tập thơ văn chữ Hán và chữ Nôm.
Năm 37 tuổi, bà nhận lời lấy Nguyễn Kiều, vị tiến sĩ nổi tiếng hay chữ và thanh liêm, đã góa vợ. Nguyễn Kiều lúc này đã 47 tuổi, là Tả thị lang bộ Binh (tương đương với chức Thứ trưởng ngày nay). Cuộc hôn nhân như một điều kì diệu và tiếng tăm vang dội cả kinh thành Thăng Long. Trước đó, không ai lọt mắt xanh của Hồng Hà nữ sĩ. Vừa cưới được một thời gian ngắn, Nguyễn Kiều làm Chánh sứ đi tuế cống nhà Thanh ba năm trời. Trong thời gian xa chồng, bà đã dịch tập thơ Chinh phụ ngâm từ bản tiếng Hán của Đặng Trần Côn – một tuyệt tác của văn học Việt Nam.
Năm 1745, Nguyễn Kiều về nước, năm 1748, ông được cử làm quan ở Nghệ An. Bà đi cùng chồng, nhưng bị cảm nặng và mất tại Nghệ An năm đó, hưởng thọ 44 tuổi.
Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh Hưng Yên là hơn 930 km2, dân số hơn 1,3 triệu người. Theo Nghị quyết số 1248/NQ-UBTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023-2025, Hưng Yên giảm 22 đơn vị hành chính cấp xã (21 xã và 1 phường) sau sắp xếp.
Sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Hưng Yên có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 8 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố; 139 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 118 xã, 13 phường và 8 thị trấn. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2024.