thanh-pho-du-kien-sap-nhap-tung-duoc-tach-ra-tu-hai-duong-so-huu-nhieu-diem-du-lich-noi-tieng

Thành phố dự kiến sáp nhập từng được tách ra từ Hải Dương sở hữu nhiều điểm du lịch nổi tiếng

Dự kiến sáp nhập Hải Phòng: Hải Phòng đã thay đổi thế nào qua từng thời kỳ?

Du lịch Hải Phòng: Nếu sáp nhập Đồ Sơn có còn tên gọi như vậy? - Ảnh 1.

Dù đã trải qua những lần sáp nhập – chia tách, những địa danh cốt lõi vẫn được giữ gìn, trở thành một phần không thể thiếu trong bản sắc Hải Phòng. (Ảnh: Kiều Anh)

Theo Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, Bộ Nội vụ đề xuất có 52 tỉnh, thành cần sáp nhập theo tiêu chí mới, trong đó bao gồm thành phố trực thuộc trung ương Hải Phòng.

Không chỉ phát triển ngành nghề hàng hải bậc nhất cả nước, thành phố Hải Phòng còn được biết đến là thành phố “dung hòa” tự nhiên nhất khi vừa có núi lại vừa có biển, trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch phía Bắc. Cùng với sự trỗi dậy của xu hướng ẩm thực “food-tour”, thương hiệu du lịch Hải Phòng ngày một lan rộng rãi ở cả trong và ngoài nước.

Trước khi trở thành thành phố lớn thứ 3 Việt Nam và là một thành phố cảng quan trọng, Hải Phòng đã trải qua nhiều cuộc “thay da đổi thịt” về địa giới hành chính. Đến nay, nhiều địa danh bị xóa sổ, nhưng cũng có những cái tên vẫn tồn tại, vươn mình mạnh mẽ và trở thành điểm du lịch hút khách.

Theo tư liệu lịch sử của thành phố Hải Phòng, vào thời vua Tự Đức, trước lúc thực dân Pháp xâm chiếm miền Bắc, một vị quan nhà Nguyễn là Bùi Viện (quê huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định, nay là Trình Trung, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), đã xây dựng một bến cảng bên cửa sông Cấm mang tên Ninh Hải, đồng thời xây dựng ở đây một căn cứ gọi là nha Hải phòng sứ, với lực lượng Tuần dương quân gồm 200 chiếc thuyền và 2.000 quân thủy thiện chiến.

Du lịch Hải Phòng: Nếu sáp nhập Đồ Sơn có còn tên gọi như vậy? - Ảnh 2.

Du khách check-in tại hòn đảo du lịch nổi tiếng – Cát Bà. (Ảnh: Kiều Anh)

Thực dân Pháp xâm lược miền Bắc lần thứ nhất, buộc nhà Nguyễn ký Hòa ước Giáp Tuất 1874. Nhà Nguyễn và Pháp lập nên một cơ quan thuế vụ chung, quản lý việc thương mại ở vùng cảng Ninh Hải, gọi là “Hải Dương thương chính quan phòng”, được gọi tắt là Hải Phòng.

Ngày 11/9/1887, Thống sứ Bắc Kỳ ra Nghị định thành lập tỉnh Hải Phòng trên cơ sở một phần đất của tỉnh Hải Dương, gồm các huyện An Dương, An Lão, Kiến Thụy, Thủy Nguyên, Tiên Lãng. Tỉnh lỵ đặt tại Ninh Hải (khu vực trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố hiện nay).

Ngày 19/7/1888, tỉnh Hải Phòng lại được tách thành thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An, theo sắc lệnh của Tổng thống Pháp Sadi Carnot, chính thức thiết lập những địa danh hành chính mới trên bản đồ xứ Đông Dương thuộc Pháp.

Đến 1893 thêm huyện Tiên Lãng và năm 1898 thêm huyện Thủy Nguyên nữa được cắt về tỉnh Hải Phòng và thành phố Hải Phòng được tách ra từ tỉnh Hải Phòng. Phần còn lại của tỉnh Hải Phòng lập thành tỉnh Phù Liễn, từ năm 1906 đổi tên là tỉnh Kiến An.

Đúng ngày 13/5/1955, dưới ánh hào quang rực rỡ của cờ đỏ sao vàng, các đoàn quân giải phóng tiến vào tiếp quản thành phố, cũng là lúc những người lính viễn chinh Pháp cuối cùng cuốn cờ rút khỏi Việt Nam theo đường biển từ Hải Phòng.

Du lịch Hải Phòng: Nếu sáp nhập Đồ Sơn có còn tên gọi như vậy? - Ảnh 3.

Từ một làng chài cổ thuộc tỉnh Quảng Yên – tên cũ của một phần Quảng Ninh ngày nay, Cát Bà đã vươn mình trở thành đảo ngọc của du lịch miền Bắc. (Ảnh: Kiều Anh)

Ngày 26/9/1955, huyện Hải An của tỉnh Kiến An sáp nhập vào thành phố Hải Phòng. Ngày 5/6/1956, thị xã Cát Bà và huyện Cát Hải của khu Hồng Quảng sáp nhập vào thành phố Hải Phòng. Ngày 5/7/1961, khu vực nội thành được chia thành 3 khu phố mới là Hồng Bàng, Ngô Quyền và Lê Chân.

Ngày 27/10/1962, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc sáp nhập tỉnh Kiến An vào thành phố Hải Phòng. Ngày 9/5/2003, Hải Phòng được công nhận là đô thị loại 1 trực thuộc trung ương.

Ngày 24/10/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1232/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023-2025 (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2025). Theo đó, sắp xếp quận Hải An, huyện Thủy Nguyên và các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc; thành lập thành phố Thủy Nguyên và các phường trực thuộc; sắp xếp huyện An Dương, quận Hồng Bàng và các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc; thành lập quận An Dương và các phường trực thuộc. Như vậy, Thành phố Hải Phòng có 8 quận, 1 thành phố và 6 huyện trực thuộc như hiện nay.

Dự kiến sáp nhập Hải Phòng: Du lịch sẽ thay đổi như thế nào?

Du lịch Hải Phòng: Nếu sáp nhập Đồ Sơn có còn tên gọi như vậy? - Ảnh 4.

Nếu muốn khám phá một Hải Phòng không chỉ có biển, mà còn có núi non và lịch sử hào hùng, thì Núi Voi chắc chắn là một điểm đến không thể bỏ qua. (Ảnh: Lan Phương)

Trải qua nhiều biến động, một số địa danh vẫn trường tồn, chứng kiến sự đổi thay của thành phố Cảng và tiếp tục tỏa sáng như biểu tượng du lịch độc đáo.

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đặt chân đến Hải Phòng và xây dựng hàng loạt công trình mang dấu ấn kiến trúc phương Tây, góp phần định hình diện mạo đô thị. Những công trình như Nhà hát thành phố (1898), khu nghỉ mát Đồ Sơn, trạm khí tượng Phù Liễn, điểm vui chơi gần Lạch Tray, trường tiểu học Pháp – Việt… không chỉ phục vụ nhu cầu thời bấy giờ mà còn trở thành những dấu ấn lịch sử quan trọng, được bảo tồn và phát triển thành điểm đến du lịch nổi bật.

Trong đó, Đồ Sơn không chỉ là một trong những điểm du lịch lâu đời nhất Hải Phòng mà còn mang trong mình nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa đặc sắc. Từng là khu nghỉ dưỡng nổi tiếng từ thời Pháp thuộc, nơi đây sở hữu bãi biển trải dài, các công trình kiến trúc cổ kính và lễ hội chọi trâu truyền thống “có một không hai”. Đồ Sơn vẫn giữ nguyên sức hút, trở thành điểm đến không thể bỏ qua khi ghé thăm thành phố Cảng.

Phát huy tiềm năng và thế mạnh về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên cùng việc đẩy mạnh các sản phẩm dịch vụ du lịch, cho đến ngày nay, Đồ Sơn là khu nghỉ mát gồm nhiều bãi biển có phong cảnh đẹp, thu hút rất nhiều du khách thập phương về đây tham quan, tắm biển và leo núi hàng năm. Đồ Sơn còn sở hữu những điểm check-in hấp dẫn như chùa Hang, bến Nghiêng, đảo Hòn Dấu với ngọn hải đăng hơn 100 năm tuổi.

Du lịch Hải Phòng: Nếu sáp nhập Đồ Sơn có còn tên gọi như vậy? - Ảnh 5.

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đã chọn nơi đây để xây dựng khu nghỉ mát Đồ Sơn, biến vùng biển này thành điểm du lịch, nghỉ dưỡng dành cho giới thượng lưu. Ngày nay, Đồ Sơn dần khẳng định vị thế, trở thành khu du lịch biển sầm uất bậc nhất miền Bắc. (Ảnh: Kiều Anh)

Trước khi chính thức trở thành một phần của Hải Phòng, quần đảo Cát Bà từng thuộc về tỉnh Quảng Yên, một địa danh xưa có vị trí quan trọng trong vùng duyên hải Bắc Bộ. Việc sáp nhập Cát Bà vào Hải Phòng là một dấu mốc quan trọng, giúp vùng đảo này có cơ hội phát triển mạnh mẽ về kinh tế, du lịch và bảo tồn thiên nhiên. Đặc biệt, từ những năm 1990 trở đi, chính quyền thành phố tập trung phát triển khu du lịch biển, khai thác bãi Cát Cò, vịnh Lan Hạ, Vườn quốc gia Cát Bà, biến nơi đây thành một trong những điểm đến hàng đầu của miền Bắc.

Vào những ngày hè nắng nóng, du khách cho rằng đây chính là thời điểm lý tưởng nhất để đến nghỉ dưỡng, tắm biển tại Cát Bà (Hải Phòng). Bãi biển cát trắng mịn bên làn nước sâu trong vắt nhìn tận đáy, khu rừng nguyên sinh “ngủ quên” giữa không gian thiên nhiên hùng vĩ và cung đường ven biển được mệnh danh “đẹp nhất miền Bắc”, Cát Bà thu hút du khách trong và ngoài nước với cảnh sắc thiên nhiên đa dạng và nhiều trải nghiệm đặc sắc.

Một điểm đến lý tưởng cho du lịch tâm linh và trekking, gắn liền với nhiều sự kiện chống giặc ngoại xâm là Núi Voi – nằm giáp ranh giữa hai xã Trường Thành và An Tiến của huyện An Lão, cách trung tâm thành phố Hải phòng khoảng gần 20km theo hướng Tây Nam. Trước khi sáp nhập vào Hải Phòng năm 1962, vùng này thuộc tỉnh Kiến An, một đơn vị hành chính riêng biệt.

Núi Voi có địa thế hiểm trở, từ xưa đã gắn liền với lịch sử hưng suy của nhà Mạc. Không chỉ mang giá trị lịch sử, Núi Voi còn là điểm đến lý tưởng trong hành trình “du khảo đồng quê” – tour du lịch nổi tiếng của Hải Phòng. 3 con sông lớn Lạch Tray, Đa Độ và Văn Úc chảy bao quanh, cung cấp nguồn nước dồi dào, tạo nên những cánh đồng phì nhiêu, màu mỡ, cảnh quan thơ mộng đặc trưng của vùng quê Bắc Bộ. Vào mùa lúa chín, khung cảnh nơi đây trở nên đẹp như tranh vẽ, thích hợp cho những chuyến trải nghiệm và chụp ảnh.

Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên và dấu ấn lịch sử, Núi Voi còn là nơi tâm linh linh thiêng, với nhiều di tích cổ kính như chùa Long Hoa, đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, đền thờ bà Đế. Hệ thống hang động tự nhiên như hang Họng Voi, hang Cá Chép, hang Bể cũng trở thành điểm trekking lý tưởng bởi mang đến cảm giác kỳ bí, đầy thách thức cho những tín đồ đam mê khám phá.

Du lịch Hải Phòng: Nếu sáp nhập Đồ Sơn có còn tên gọi như vậy? - Ảnh 6.

Sau khi sáp nhập, các doanh nghiệp du lịch cần thay đổi tư duy khai thác tour, không chỉ dừng lại ở các điểm đến riêng lẻ mà cần xây dựng những trải nghiệm liên kết, có chiều sâu. (Ảnh: Kiều Anh)

Trước thông tin thành phố Hải Phòng tới đây có khả năng sáp nhập với địa phương lân cận, anh Lưu Hoàng Điệp – Giám đốc một công ty lữ hành tại Hải Phòng chia sẻ với Dân Việt, nếu có sự thay đổi về địa giới hành chính này, bản đồ du lịch có thể chứng kiến nhiều “bước ngoặt” lớn. Đây sẽ là một cơ hội để kết nối, mở rộng tuyến du lịch Hải Phòng, tạo nên những sản phẩm hấp dẫn hơn cho du khách.

Hiện tại, Hải Phòng có dân số khoảng 2,2 triệu người, nếu sáp nhập với địa phương khác, con số này sẽ tăng. Với quy mô dân số lớn hơn, nhu cầu du lịch nội tỉnh cũng sẽ phát triển mạnh, dự đoán sau khoảng 2 năm sáp nhập. Thay vì đi xa, người dân sẽ có xu hướng tìm kiếm các điểm đến ngay trong địa phương để thư giãn vào dịp cuối tuần hoặc các kỳ nghỉ ngắn ngày. Thay vì chỉ tập trung khai thác khách du lịch từ nơi khác, các công ty du lịch có thể thiết kế các tour trải nghiệm ngay trong thành phố mở rộng, giúp người dân khám phá những nét đẹp mới của địa phương mình.”

Du lịch Hải Phòng: Nếu sáp nhập Đồ Sơn có còn tên gọi như vậy? - Ảnh 7.

Theo dự đoán, các điểm nghỉ dưỡng “hot” như Cát Bà, Đồ Sơn, lượng khách ngoại tỉnh vẫn về, không thay đổi. (Ảnh: Kiều Anh)

Bên cạnh du lịch văn hóa, các điểm du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng như Cát Bà, Đồ Sơn vẫn tiếp tục thu hút khách. Việc sáp nhập không làm thay đổi nhu cầu của du khách ngoại tỉnh và quốc tế đối với các điểm đến này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *