Chiến tranh thời xưa ở Trung Hoa được tiến hành như một công cụ chủ yếu để gia tăng sức mạnh, vị thế của vùng lãnh địa này với vùng lãnh địa khác trong các cuộc nội chiến, để nhà nước mở rộng và bảo vệ đất đai đang sở hữu trước các thế lực ngoại bang hay để thay thế chính quyền của cả triều đại trong các cuộc lật đổ.
Các cuộc chiến cổ đại với hàng vạn người tham chiến trong giai đoạn thế kỉ thứ nhất trước công nguyên và hàng chục vạn trong giai đoạn sau công nguyên, luôn cho thấy sự tiến hóa cùng mức độ thiệt hại gia tăng liên tục theo thời gian. Lịch sử chiến tranh Trung Hoa chứng kiến sự thay thế của kỵ binh cho xe ngựa, cung tên thay thế cho nỏ và cuối cùng là sự ra đời của thuốc súng. Chiến tranh là một hoạt động thường trực trong quá trình phát triển của Trung Hoa.
Giới lãnh đạo, tầng lớp tri thức ở quốc gia này trong các triều đại khác nhau, không phải ai cũng là kẻ hiếu chiến, yêu thích chiến tranh. Do đó, người dân ở đây có những giai đoạn dài được sống trong hòa bình cũng như không phải đánh cược mạng sống nơi xa trường. Nhưng chắc chắn rằng, khi một cuộc chiến lớn nổ ra, cùng với những nhu cầu vô tận của chiến tranh, họ sẽ phải đứng trước các lựa chọn: chiến đấu hoặc chết; tham gia quân đội hoặc bị kết án, bắt làm nô lệ; cướp đoạt của kẻ khác hoặc bị kẻ khác cướp đoạt;….
Chiến tranh ở Trung Hoa cổ xuất hiện rõ nét từ thời đồ đồng, bắt đầu bằng các cuộc chiến giữa các thành bang với mong muốn chiếm đoạt tài sản của nhau. Thành công trong các cuộc chiến này tăng quyền lực cho người đứng đầu các thành bang, cũng như phúc lợi của người dân dưới quyền người cai trị được cải thiện. Kể từ đó, các cuộc nội chiến diễn ra triền miên trong suốt lịch sử nước này. Nhưng dù là vậy, có lẽ trong nền văn minh Trung Hoa, chiến tranh ít được tôn vinh hơn so với các nền văn minh khác.
I, Quan điểm chiến tranh.
Mức độ tôn vinh các giá trị chiến tranh ở mức thấp đến từ một phần tư tưởng Nho giáo, và truyền thống văn học, truyền thuyết thuở sơ khai của nước này có phần quan tâm tới các vấn đề liên quan tới cuộc sống của con người hơn là chiến tranh. Khác hoàn toàn với văn minh phương Tây, các truyền thuyết Trung Hoa cho thấy những người đứng đầu, cầm quyền bao giờ cũng là những người phát minh, sáng tạo nên những thứ có ích cho cuộc sống mới. Các tướng lĩnh hoặc chiến binh thì chỉ xếp ở vị trí thứ hai dù cho họ có là những kẻ chiến đấu anh dũng tới mức nào đi nữa. Ngay trong các tác phẩm chuyên luận về chiến tranh, quan điểm “né tránh chiến tranh” vẫn được phần nào thể hiện, chẳng hạn trong cuốn “Binh pháp” của Tôn Tử có câu: “Bách chiến bách thắng, phi thiện chi thiện giả dã; bất chiến nhi khuất nhân chi binh, thiện chi thiện giả dã” (đánh đâu thắng đó không được gọi là cao minh nhất, không thông qua chiến tranh mà khiến kẻ địch đầu hàng mới là cảnh giới cao nhất của binh gia). Các sĩ quan, tư lệnh quân đội mà cao nhất là Hoàng đế luôn được thừa hưởng tư tưởng: tiến hành chiến tranh luôn là biện pháp phải cân nhắc kĩ lưỡng. Nhà Hán (206 TCN – 220) và nhà Đường (618 – 907), hai triều đại nổi tiếng về vị thế, tầm ảnh hưởng và diện tích lãnh thổ cũng thường ưu tiên sử dụng nhiều các biện pháp như thiết lập cống nạp, ủy thác chính trị hay truyền bá tư tưởng, văn hóa của mình vào các quốc gia chư hầu để duy trì và mở rộng biên giới, chứ không phải luôn xem giải pháp quân sự như lựa chọn đầu tiên. Họ cũng thường xuyên sử dụng các lực lượng nước ngoài để giải quyết nhiều vấn đề, với mục đích không phung phí nhân, vật lực vào các cuộc chiến tranh đem lại lợi ích không tương xứng.
Đại đa số người dân Trung Hoa làm nông nghiệp, và phần đông trong số họ chưa bao giờ dành nhiều hơn sự quan tâm cho chiến tranh, ngoài lòng căm ghét. Mỗi khi các cuộc chiến nổ ra, họ phải chịu tòng quân bắt buộc, sưu cao, thuế nặng để phục vụ cho nhu cầu tiền tuyến, nông trại cùng tài sản thì dễ dàng mất trắng khi bị quân lính cướp bóc. Giới tri thức với sự thấm nhuần tư tưởng đạo Nho thì chắc chắn không yêu thích chiến tranh.
Nhìn chung, từ Hoàng đế tới bộ máy quan lại, tri thức và người dân đều nhận thấy những thiệt hại đáng kể mà chiến tranh gây ra. Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc một lãnh thổ rộng lớn cùng dân số khổng lồ tránh khỏi các cuộc xung đột từ bên trong, hay các cuộc chiến chống lại các thế lực dòm ngó bên ngoài.
Mở đầu và đáng kể nhất là giai đoạn Xuân Thu – Chiến Quốc (771 TCN – 221 TCN) với các cuộc chiến giữa hàng trăm quốc gia lớn nhỏ. Đỉnh điểm trong giai đoạn Chiến Quốc với 358 cuộc xung đột riêng biệt. Hay tiếp sau đó là nội chiến thời Tam Quốc kéo dài cả trăm năm, ngay sau sự sụp đổ của nhà Hán. Còn ở phía ngoài biên giới, các tộc người Hung Nô, Mông Cổ, Nữ Chân chưa bao giờ thôi là thách thức với các triều đại phong kiến Trung Hoa.
II, Trang bị tấn công.
Vũ khí tấn công nên được chú ý nhiều trong chiến tranh Trung Hoa cổ là cung và nỏ.
Cung là vũ khí phổ biến nhất, do đó kĩ năng sử dụng cung thành thạo rất được coi trọng. Xuất hiện từ thời đồ đá mới và được phổ biến dần trong thời nhà Thương, kể từ đó, cung luôn giữ vai trò quan trọng trong tác chiến quân sự ở Trung Hoa cổ. Cung thủ là những người khai màn mỗi trận giáp chiến với loạt tên dày đặc, che kín bầu trời, hướng về phía đối phương, họ bảo vệ các cánh của bộ binh khi dâng cao, hay yểm trợ phía sau khi rút lui. Cung thủ ban đầu xuất hiện đi kèm với các cổ chiến xa, sau đó thì là thành phần không thể thiếu trong các đơn vị kị binh.
Nỏ là một cải tiến của cung, mang tính đặc trưng hơn cho chiến tranh Trung Hoa cổ đại. Nó đánh dấu cho bước phát triển đầu tiên của công nghệ quốc phòng Trung Hoa. Người Hán đã sử dụng nó như một vũ khí tuyệt vời chống lại các cuộc xâm lược của những bộ tộc du mục phương Bắc. Các phiên bản cải tiến của nỏ trong nhiều thế kỉ nhẹ hơn, có thể sử dụng bằng một tay, bắn được nhiều hơn, xa hơn và chính xác hơn. Người ta còn chế tạo thêm những chiếc nỏ cở lớn gắn trên một đế xoay. Không chỉ hiệu quả trên mặt trận tấn công, nỏ còn là vũ khí đắc lực khi được sử dụng trên các công sự trên mặt trận phòng thủ.
Kiếm có chổ đứng tương đối muộn trên chiến trường Trung Hoa, đâu đó mãi tới tận những năm 500 TCN, và chưa bao giờ được đặt ngang hàng với cung hay nỏ. Kiếm được phát triển từ dao găm dài, được mài nhọn phần mũi để dành cho động tác đâm. Các phiên bản đầu tiên của kiếm được làm từ đồng và sau đó là sắt. Chỉ tới tận thời nhà Hán, với các kĩ thuật gia công kim loại tốt hơn, kiếm mới trở nên hiệu quả với phần lưỡi sắc bén. Bộ binh thời này cũng được trang bị nhiều vũ khí đa dạng, như thương, lao, phủ thương (một loại vũ khí kết hợp giữa cây thương và lưỡi rìu), rìu tay, dao găm.
“Pháo binh” ra đời từ sớm, khi từ thời nhà Hán đã có những sử liệu về các loại máy bắn đá sơ khai được áp dụng trong chiến tranh. Chúng được sử dụng nhiều trong các cuộc bao vây bởi cả phe tấn công lẫn phòng thủ. Các phiên bản máy bắn đá hoàn thiện và mạnh mẽ hơn phổ biến vào thế kỉ 13, các đơn vị “pháo binh” thời kì này ngoài sử dụng đá làm đạn, còn chế tạo thêm các loại đạn dạng vật liệu cháy từ kim loại hoặc đất nung. Các loại bom gây cháy sử dụng dầu hỏa tương tự vũ khí “lửa Hy Lạp”ở thế kỉ thứ 10 cũng được sử dụng, và tới triều đại nhà Tống thì các loại bom có hạt nhân là thuốc súng ra đời. Vào thời gian này, thuốc súng chưa được người Trung Hoa cổ chú ý phát triển một cách triệt để công năng. Chúng ban đầu được giới hạn chế tạo phổ biến trong các loại hỏa khí cơ bản, mà ở đó thuốc súng được bao bọc trong ống tre hoặc giấy. Các loại hỏa khí này chỉ đơn thuần là phát nổ ngay khi xảy ra va chạm đủ mạnh. Trong thế kỉ 13, các loại bom với khả năng bộc phát, phân tán các mảnh vỏ gây sát thương chưa xuất hiện.
III, Trang bị phòng thủ.
Với việc cung, nỏ ngày càng phát triển về cả tầm bắn, tốc độ bắn và uy lực. Việc các loại áo giáp được chú ý cải tiến là tất yếu.
Những bộ áo giáp sớm nhất, khá ấn tượng khi làm từ da hổ, nhưng rõ ràng nó kém hiệu quả, bởi ngay từ thời nhà Thương, người ta đã sử dụng các loại da cứng hơn để che chắn ngực và lưng của chiến binh, với mong muốn giảm tác động hoặc làm chệch hướng các mũi tên. Tới thời nhà Chu, những chiếc áo giáp “thoải mái” hơn ra đời, chúng gồm nhiều mảnh hình chữ nhật làm từ da thuộc được sơn mài hoặc từ các miếng đồng, được kết với nhau bằng dây gai dầu và đinh tán. Loại áo giáp miếng này phổ biến trên trang phục của “đội quân đất nung” trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng vào thế kỉ thứ 3 TCN. Từ thời Hán, người ta bắt đầu sử dụng sắt làm áo giáp.
Thiết bị hộ thân bổ sung phổ biến là khiên và mũ bảo hiểm. Cũng như áo giáp, ban đầu các tấm khiên chỉ được làm thô sơ từ tre, gỗ hay da động vật, sau đó dần dần được bổ sung nhiều kim loại hơn. Mũ bảo hiểm cũng tiến hóa song song với sự phát triển của kĩ thuật vật liệu, được thiết kế để bảo vệ trọn vẹn tai và phần đầu sau gáy. Mũ bảo hiểm và áo giáp nhiều khi được trang trí bằng chỉ thêu, hình khắc các loài vật trông đáng sợ, hoặc được đính kèm bằng nhiều phụ kiện từ kim loại quý, ngà voi,… Thời này áo giáp cũng phân ra các loại chuyên dụng dành cho những đơn vị cao cấp hơn bộ binh. Chẳng hạn như áo giáp dành cho các kỵ sĩ trên chiến xa che chắn tốt hơn, dù cồng kềnh nhưng vẫn phù hợp do các kỵ sĩ ít phải di chuyển. Hay như những bộ giáp che chắn cho cả người lẫn ngựa dành riêng cho các đơn vị kỵ binh hạng nặng.
IV, Chiến xa và kỵ binh.
Chiến xa bắt đầu được áp dụng trong giao tranh từ tận những năm 1250 TCN. Nhưng thời hoàng kim của nó là vào khoảng từ thế kỉ thứ 8 tới thế kỉ thứ 5 TCN. Đầu tiên nó mang nặng tính biểu tượng, phô trương thanh thế cho người chỉ huy sau đó được sử dụng như một đơn vị chiến lược đặc biệt. Một chiến xa tiêu chuẩn được vận hành bởi ba chiến binh, gồm một người lái xe, một cung thủ, và một người sử dụng vũ khí cầm tay, vẫn có trường hợp các tổ đội đông người hơn, chẳng hạn năm người. Các chiến xa di chuyển nhờ sức kéo của hai, ba hoặc bốn con ngựa, đôi khi có thể hơn. Chúng có nhiều phiên bản khác nhau về hình dáng, kích thước, trọng lượng để phục vụ cho các mục tiêu khác nhau. Chẳng hạn những chiếc nhẹ nhàng, ít chi tiết nặng nề được sử dụng cơ động trong công tác quân vận, những chiếc thiết giáp nặng nề thì dùng để tấn công cục bộ, dữ dội vào đội hình quân địch, hay vài chiếc có vọng cao để người chỉ huy tiện bề quan sát chiến trường. Các hạn chế về tính cơ động, các điểm yếu khi hoạt động trong không gian hẹp hay địa hình không bằng phẳng khiến kiểu quân giới này dần bị thất sủng trong biên chế của các quân đội từ thời Chiến Quốc, thay vào đó là sự ưa chuộng dành cho kỵ binh đơn.
Kỵ binh là làn gió mới được những người du mục phương Bắc đem đến cho nền quân sự Trung Hoa. Các chiến binh du mục đã khiến người Trung Hoa nhận ra tốc độ, cùng tính cơ động vượt trội mà loại hình này đem lại so với chiến xa. Vấn đề nằm ở việc luyện tập các kỵ binh thành thạo kĩ năng sử dụng cung trên lưng ngựa, trong điều kiện mà bàn đạp chưa được phát minh và yên ngựa vẫn còn rất thô sơ. Vì lí do trên, mãi tới thời Hán kỵ binh mới thành lực lượng đáng gờm trong biên chế quân đội. Các kỵ sĩ đương trang bị đa dạng vũ khí từ cung, kiếm, thương, phủ thương,… Kỵ binh thường là lực lượng được triển khai sau bộ binh, dùng để bảo vệ bộ binh, đặc biệt hiệu quả trong các cuộc tấn công bất ngờ, đột ngột hay quấy rối, phá vỡ đội hình kẻ địch.
V, Pháo đài.
Các khu dân cư được bao bọc bởi các bức tường thành cao, vững chắc, kéo dài cùng với chiến hào (nhiều khi chứa nước) bao quanh là điểm nhận diện phổ biến của các cứ điểm trong chiến trận Trung Hoa cổ.
Pháo đài là biểu tượng của những cuộc vây hãm. Tuy nhiên, “chiến tranh bao vây” không xuất hiện ngay từ những giai đoạn đầu tiên trong lịch sử chiến tranh Trung Hoa. Mô hình pháo đài, tường thành chỉ trở nên phổ biến hơn trong giai đoạn nhà Chu, khi các chỉ huy quân đội hiểu rằng, không chỉ mỗi quật ngã quân địch trên chiến trường quy ước mà việc bao vây, phá hủy hoàn toàn các cứ điểm chứa tài sản, hoặc sử dụng để đánh dấu chủ quyền của đối phương cũng là vô cùng thiết yếu trong một cuộc chiến tranh tổng lực giữa hai bên.
Các bức tường thành có lan can để trống vài khoảng nhỏ, lỗ châu mai, các tháp canh cùng cổng vào hoành tráng là phần không thể thiếu trong hệ thống công sự phòng thủ của mỗi thành phố lớn. Vào thời Hán, các bức tường đã nâng tới độ cao 6m, được làm từ đất nén. Các bức tường chống chịu tốt hơn bằng nhiều biện pháp gia cố, chẳng hạn như chèn thêm đá dọc theo chân thành để chống xói mòn do nước. Các kiến trúc sư nhận ra việc trộn lẫn đất nén với gốm, vài loại thực vật, gỗ mục hay cát theo một tỉ lệ thích hợp sẽ cho ra một loại vật liệu xây tường thành có sức đề kháng tốt hơn. Các mương vòng quanh tường thành ngày một đào rộng hơn, tới 50m và chứa đầy nước, các bức tường đôi trở thành phổ cập trong các pháo đài. Tất cả cải tiến kĩ thuật đều nhằm nâng cao khả năng chịu đựng của pháo đài trước các cuộc tấn công dài hạn gồm nhiều đợt tiếp viện trong nhiều tháng trời của đối phương.
Không chỉ mỗi các cứ điểm hay khu vực dân cư đơn lẻ mới được bảo vệ bởi thành quách. Các bức tường thành trải dài dọc biên giới giữa các quốc gia cũng được xây dựng. Ra đời sớm nhất là các bức tường phục vụ phòng thủ, kiểm soát biên giới trước người du mục phương Bắc vào thế kỉ 8 TCN. Sau đó xuất hiện ở hầu khắp biên giới các quốc gia hùng mạnh nhất trong giai đoạn Chiến Quốc. Các bức tường to lớn này hầu hết bị phá bỏ sau sự thống nhất của nhà Tần vào năm 221TCN. Nhưng cũng kể từ thời đại này, bức tường thành quy mô nhất lịch sử nhân loại được khởi công, Vạn Lý Trường Thành. Được liên tục gia cố và phát triển trong hầu hết các triều đại tiếp theo, Vạn Lý Trường Thành dài tới 5,000 cây số kéo từ Cam Túc tới bán đảo Liêu Đông. Nhiều đoạn trong cấu trúc của trường thành không liên tục, nhưng trong rất nhiều triều đại, nó đóng vai trò như hệ thống báo động biên giới, kiểm soát giao thương, xuất nhập cảnh một cách hiệu quả.
VI, Tổ chức và chiến lược.
Lịch sử dài với rất nhiều cuộc chiến tranh thúc đẩy sự thay đổi liên tục trong quan điểm, tổ chức, tư duy của những người làm quân sự ở các triều đại khác nhau. Kéo theo đó, “hình hài” các cuộc chiến ở mỗi thời cũng khác nhau. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều đặc điểm chiến tranh, chiến lược cố hữu đến từ sự ảnh hưởng truyền thống từ tư tưởng Nho giáo, nỗi lo với các cuộc xâm lược của người du mục Nội Á, hay hệ quân chủ chuyên chế lâu đời.
Các sĩ quan là những người “chuyên nghiệp” trong chỉ lĩnh vực quân sự, gắn cả cuộc đời cho nghề lính, dù rằng vị trí của họ thường được thừa hưởng theo huyết thống gia đình. Quân lính trong đa phần binh chủng có xuất thân là nông dân, gia nhập quân đội theo chế độ nghĩa vụ bắt buộc, đôi khi có cả phạm nhân tham gia như một hình phạt khổ sai. Ngoài ra, không thiếu “các tình nguyện viên” đến từ các gia đình quý tộc, hoặc có truyền thống binh nghiệp, tham gia chiến trận với mong muốn thử thách bản thân cũng như đem về vinh quang cho gia đình, dòng tộc, hay là bước đà cho con đường tiến thân.
Chia toàn quân đoàn thành ba sư đoàn là một truyền thống. Cũng theo truyền thống này, các đơn vị tiểu đội được phân làm năm người với hai lính cung thủ và ba lính giáp chiến. Vào thời chiến quốc một đội quân khi ra trận chia làm năm phần, dựa theo tên của các “thánh thú” trong văn hóa Trung Hoa, bao gồm:
· Chu Tước – Tiên phong.
· Thanh Long – Cánh trái.
· Bạch Hổ – Cánh phải.
· Huyền Vũ – Phía sau.
· Đại Hùng – Hộ vệ chỉ huy.
Khi nỏ được phát minh và đưa vào ứng dụng thường xuyên. Lực lượng sử dụng nỏ trở thành quân át chủ bài, các đơn vị khác được sử dụng để xung kích hỗ trợ cho đội nỏ hoặc giúp xáo trộn đội hình kẻ địch. Như đã nhắc ở phần vũ khí tấn công, các đơn vị cung thủ và kị binh luôn được che trước bởi bộ binh, họ đồng thời hỗ trợ bên sườn hoặc phía sau cho bộ binh. Những quy tắc sắp xếp đội hình các binh chủng này rất được chú ý trong các tác phẩm nghiên cứu quân sự, là phần không thể thiếu trong các bộ binh pháp Trung Hoa cổ. Cờ, tên đơn vị, trống, chiêng được sử dụng để tổ chức quân đội tốt hơn và giúp người chỉ huy triển khai đội quân của mình một cách dễ dàng trên toàn chiến trường rộng lớn.
Hỗ trợ toàn quân là các sĩ quan, binh lính lo tổ chức hậu cần. Họ có nhiệm vụ cung cấp cho quân đội các loại nhu yếu phẩm cần thiết, từ lương thực (kê, lúa mì, gạo), nước, củi, thức ăn cho gia súc, cho tới trang thiết bị và nơi trú ẩn trong toàn chiến dịch. Các vật phẩm này được vận chuyển theo đủ cách, trên xe bò, xe ngựa, xe cút kit (ra đời thời Hán), kể cả là trên đường thủy nếu có khả năng. Ngay từ thời Chiến Quốc, các chiến lược gia đã cho tổ chức mô hình tăng gia, tự canh tác để chủ động duy trì nhu yếu phẩm cho quân đội, hay triển khai cướp bóc từ chính làng mạc, kho tàng của kẻ địch để giảm bớt áp lực cho công tác hậu cần vốn rất dễ bị quấy phá và cắt đứt cũng như duy trì thời gian đóng quân lâu hơn trên các địa bàn cách xa nước nhà.
Tất cả các loại hình chiến đấu từ giáp lá cà, kỵ binh, trinh sát, gián điệp, thủy chiến, phục kích,… đều xuất hiện trong chiến tranh Trung Hoa cổ. Các tác phẩm văn học chiến tranh vẽ nên những bức tranh rất đặc sắc về chiến lược của các cuộc nội chiến, tuy nhiên cũng cần chú ý về truyền thống cường điệu hóa của các nhà văn cổ ở quốc gia này. Thực ra ban đầu chiến tranh ở Trung Hoa cổ mang rất nặng tính hình thức trong thời Thương, Chu. Thế nhưng, đi kèm với sự gia tăng các phe phái và mức độ kì vọng cao hơn về kết quả trong các cuộc giao tranh, đường lối chiến tranh, tư duy chiến thuật của các chiến lược gia, nhà lãnh đạo cũng ngày càng thực dụng hơn. Như trong câu “Binh bất trí trá” của Tôn Tử. Các chỉ huy luôn hướng đến kết quả chiến thắng dù bằng bất cứ hình thức nào.
Một điểm nhỏ trong việc vận hành quân sự ở Trung Hoa cổ là sự xuất hiện của các nhà tiên tri trong việc xem xét các điềm báo liên quan tới kết quả của cuộc chiến. Các nhà tiên tri đưa ra dự đoán của mình dựa trên việc quan sát các thiên thể thiên văn và các hiện tượng tự nhiên. Các dự đoán này luôn được đính kèm theo các so sánh về lực lượng, vũ khí trước khi các chỉ huy đưa ra các quyết định chiến tranh.