kho-tho-vi-khoi-u-lon-nhu-nam-tay-“thong”-truoc-co

Khó thở vì khối u lớn như nắm tay “thòng” trước cổ

Tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, các bác sĩ khoa Ung bướu 2 vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân có khối u bướu giáp to thòng trung thất khá nguy hiểm. 

Đây là ca phẫu thuật khó, đòi hỏi kỹ thuật phẫu thuật cao để loại bỏ khối u tuyến giáp ở vị trí “trung thất trước” hiếm gặp chỉ với một đường rạch mà không gây biến chứng cho người bệnh.

img

Bệnh viện Bãi Cháy phẫu thuật thành công u tuyến giáp thòng trung thất hiếm gặp (các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh BVCC)

Bệnh nhân Phạm T M (85 tuổi, ở TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) có tiền sử tăng huyết áp, bị đau tức ngực sau xương ức, khó thở kéo dài tăng dần, ho nhiều. 

Khám tại Bệnh viện Bãi Cháy, bệnh nhân được thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng. Kết quả chụp CT scanner phát hiện hình ảnh u lớn tuyến giáp thòng trung thất, kích thước 55x63x137mm, đè ép vào khí quản, đẩy khí quản sang trái và gây hẹp một phần khí quản. 

Các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định phẫu thuật cắt bỏ khối u tuyến giáp giúp bệnh nhân cải thiện sức khỏe, chất lượng cuộc sống.

Sau 2 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ đã thành công cắt bỏ trọn vẹn khối u kích thước trên 15cm và toàn bộ hai thùy tuyến giáp với 1 đường rạch mà không phải mở lồng ngực, không gây ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận và các tạng trong lồng ngực. Ba ngày sau, người bệnh phục hồi sức khỏe tốt, vết mổ khô, giao tiếp tốt, hết khó thở.

Bác sĩ Bùi Quang Khánh (Bệnh viện Bãi Cháy) cho biết: “Phẫu thuật u tuyến giáp cho người bệnh cao tuổi tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ biến chứng, đòi hỏi ekip phẫu thuật phải phối hợp hài hòa cùng các bác sĩ gây mê, hồi sức để xử trí tốt các tình huống trong và sau phẫu thuật.

Ca phẫu thuật lần này đặt ra nhiều thách thức khi phẫu thuật viên phải tiến hành loại bỏ khối u tuyến giáp thòng trung thất trên nền người bệnh cao tuổi có bệnh lý nền tăng huyết áp. 

Vị trí giải phẫu khối u tương đối khó và phức tạp do khối u lớn chèn ép khí quản gây lệch và hẹp khí quản, thòng xuống trung thất, nguy cơ xâm lấn động mạch chủ, tổn thương các mạch máu lớn, u to gây cường giáp, tăng sinh mạch máu nên bệnh nhân rất dễ chảy nhiều máu khó cầm.

Điều này đòi hỏi phẫu thuật viên phải giàu kinh nghiệm, thao tác cẩn trọng, chính xác, tránh gây tổn thương khí quản, mạch máu, dây thần kinh quặt ngược, dây thanh quản… hạn chế tối đa chảy máu chỉ với 1 đường rạch, tránh phải mở lồng ngực lấy u…”. 

Theo bác sĩ Khánh, đa số trường hợp u, bướu giáp thòng là lành tính, chỉ có 3-6 % là ác tính. Có hai nguyên nhân gây u, bướu giáp thòng: Nguyên nhân thứ phát do sự lớn dần và di chuyển xuống trung thất của bướu giáp; Nguyên nhân nguyên phát – bướu giáp lạc chỗ, nằm hoàn toàn trong lồng ngực và không liên quan với cấu trúc tuyến giáp vùng cổ, còn gọi là bướu giáp chìm thật sự trong trung thất. 

Bướu giáp thòng trung thất chiếm tỷ lệ nhỏ (3 – 20%) trong các trường hợp bướu giáp. Không chỉ xâm lấn hai thùy giáp, thực quản và khí quản, loại bướu này còn thòng xuống lồng ngực, chèn ép các mạch máu quan trọng gây triệu chứng tức ngực, khó thở, khàn giọng, nuốt nghẹn, thậm chí là hội chứng tĩnh mạch chủ trên.

img

Bệnh nhân được thăm khám sau phẫu thuật sức khỏe phục hồi tốt

Bác sĩ Khánh nhấn mạnh, bệnh lý u tuyến giáp rất thường gặp, hơn 90% các u tuyến giáp được phát hiện là tổn thương lành tính như u dạng tuyến của tuyến giáp, viêm tuyến giáp, bướu giáp đa nhân và u nang tuyến giáp; chỉ 4,0% đến 6,5% là ung thư.

U tuyến giáp biểu hiện triệu chứng khi nó đã phát triển lớn chèn ép và gây khó khăn cho các hoạt động thở và nuốt. U tuyến giáp kích thước lớn nếu không được phẫu thuật điều trị kịp thời có thể gây nên các triệu chứng khó nuốt, đau họng hoặc khó thở…, các biến chứng về xương khớp, tim mạch (nhịp tim nhanh, loạn nhịp và tăng huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ…)…

“Vì vậy, để phòng ngừa bệnh lý u, ung thư tuyến giáp, người dân nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, tầm soát ung thư định kỳ, trong đó có siêu âm tuyến giáp. 

Trường hợp thấy xuất hiện các triệu chứng như khó chịu trong cổ, nuốt khó, khàn giọng, ho dai dẳng, khối u ở cổ thì cần phải tới ngay các cơ sở y tế chuyên khoa nội tiết thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cần thiết để tầm soát và phát hiện sớm”, bác sĩ Khánh khuyến cáo. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *