Nhiều KOL “nổ” công dụng của thuốc phòng đột quỵ
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội liên tục có nhiều người, trong đó có không ít người có lượng tương tác lớn đăng tải thông tin, chia sẻ về thuốc phòng đột quỵ.
Theo đó, có đi viện mới thấy quá nhiều người bị đột quỵ, đang khoẻ đùng cái cũng bị nên đừng chủ quan. Khuyên thật mọi người uống viên phòng đột quỵ của Hàn này ngay khi còn khoẻ, ngừa đột quỵ triệt để, ngủ ngon, minh mẫn. Thuốc nội địa Hàn quý lắm mà cũng không đắt đâu…
Nhiều KOL quảng cáo, “nổ” công dụng của thuốc phòng đột quỵ trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình
Nhất là nhà có người già, huyết áp cao, mắc bệnh tim mạch, người đã từng bị đột quỵ, gen có người thân bị đột quỵ hay người sử dụng nhiều thuốc lá, rượu bia cần lắm cái nguyên khí thiên hà này. Trời lạnh thế này dễ đi lắm nên phòng cho chắc”.
Kèm theo đó là sản phẩm có in mẫu mã chữ nước ngoài thu hút sự quan tâm của dư luận. Vậy, nếu trong gia đình có người thân mắc các bệnh lý làm tăng nguy cơ bị đột quỵ thì có nên sử dụng thuốc phòng đột quỵ hay không?
Hàng loạt các loại thuốc được quảng cáo có công dụng phòng ngừa, điều trị đột quỵ xuất xứ từ nước ngoài. Ảnh chụp màn hình
Trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Thành viên Hội Mạch máu Việt Nam cho hay, đột quỵ có thể gặp ở bất kỳ đối tượng, độ tuổi nào. Đột quỵ được chia làm 3 nhóm chính bao gồm: Đột quỵ nhồi máu não hay còn gọi là đột quỵ thiếu máu não. Đây là trường hợp thường gặp nhất. Đột quỵ chảy máu dưới nhện. Đột quỵ chảu máu não do mạch máu não vỡ ra và chảy máu trong não.
Người bệnh điều trị đột quỵ tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Gia Khiêm
Theo bác sĩ Mạnh, việc sử dụng thuốc chống đột quỵ đang được lan truyền hiện nay là không có căn cứ. Nhiều gia đình thấy quảng cáo về các loại thuốc qua các kênh không chính thống đã tự ý mua và sử dụng, kể cả khi người nhà có dấu hiệu đột quỵ liền cho sử dụng. Trong đó có một số loại thuốc như An Cung với xuất xứ từ nhiều quốc gia khác nhau (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…).
“Tuy nhiên, trên thế giới cũng như Việt Nam chưa có công bố hay nghiên cứu nào về tác dụng phòng chống đột quỵ hay chữa đột quỵ của những loại thuốc này. Chỉ có thuốc điều trị những bệnh có thể biến chứng đột quỵ. Ví dụ: rối loạn mỡ máu dễ hình thành mảng sơ vữa gây biến chứng tắc mạch, tăng huyết áp gây biến chứng tắc mạch, tăng huyết áp gây xuất huyết não hoặc nồi máu cơ tim, tối loạn nhịp tim như rung nhĩ có thể hình thành huyết khối buồng tim từ đó trôi lên não gây đột quỵ…”, bác sĩ Mạnh khuyến cáo.
Thuốc phòng đột quỵ: Cẩn trọng kẻo “rước hoạ vào thân”
Bác sĩ Mạnh cho hay, cần có bác sĩ thăm khám xem cơ thể đang có bệnh gì và bệnh đó có biến chứng tim mạch đột quỵ không để điều trị dự phòng chứ không phải uống 1 loại thuốc không rõ nguồn gốc quảng cáo nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…
Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Thành viên Hội Mạch máu Việt Nam khuyến cáo, nếu có triệu chứng của bệnh thì người dân nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt để nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ảnh: BSCC
“Nếu có tác dụng chống đột quỵ thì Bộ Y tế nhập về cấp phép bán cho người dân có phải vừa ích nước lợi nhà không? Sao phải để các KOL lên mạng ‘khai quật’ ra công dụng thực sự. Hơn nữa, giống vụ một số loại thuốc như An Cung, thành phần trong thuốc không biết có gì. Nếu toàn thành phần vô hại, không có tác dụng thì còn may. Tuy nhiên, mấy loại phổ biến nhất bao gồm thành phần chống đông và Corticosteroid – thuốc được chỉ định sử dụng điều trị nhiều bệnh lý khác nhau, bởi nhóm thuốc này có tác dụng chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch.
Corticosteroid thường làm giảm nhanh các triệu chứng bệnh nên không ít người lạm dụng và rất nhiều trường hợp bệnh nhân đã gặp phải các dụng phụ nghiêm trọng do sử dụng thuốc không hợp lý. Cụ thể, có thể biến chứng xuất huyết não, xuất huyết tiêu hoá dạ dày, xuất huyết võng mạc, suy tuyến thượng thận… Dự phòng đột quỵ thì không thấy nhưng lại bị nhiều bệnh khác kèm biến chứng nên người dân cần hết sức cảnh giác”, bác sĩ Mạnh nêu rõ.
Bác sĩ Mạnh khuyến cáo, nếu có triệu chứng của bệnh thì người dân nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt để nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu quan tâm lo ngại cần dự phòng bệnh thì nên đến bệnh viện khám tầm soát nguy cơ để xử lý.
“Người dân không mua thuốc trên mạng không có nguồn gốc và không được Bộ Y tế cũng như Cục Quản lý dược cấp phép. Tính mạng của mình là rất quý giá, nếu biết quý trọng thì càng phải có kiến thức, bảo trì bằng việc đi khám sức khoẻ định kỳ đều chứ không phải mua mấy thuốc nổ thần thánh về tiền mất tật mang”, bác sĩ Mạnh nói thêm.