“Baby Three” được tái hiện trên sản phẩm gốm. Clip: Trung Hiếu.
Giới trẻ rộ trào lưu vẽ gốm Baby Three: Khi đồ chơi “túi mù” bước ra đời thực
Thay vì chỉ mua những món đồ gốm sản xuất hàng loạt, ngày càng nhiều bạn trẻ tìm đến các cơ sở vẽ gốm để tự tay sáng tạo những tác phẩm của riêng mình. Một xu hướng mới đang thu hút sự chú ý chính là vẽ Baby Three – dòng búp bê với diện mạo độc đáo, lên các sản phẩm gốm như cốc, đĩa, bình hoa… được nhiều bạn trẻ ưa chuộng.
Ngày cuối tuần, tại một cơ sở vẽ gốm ở quận Ba Đình (Hà Nội), anh Phạm Anh Quân (23 tuổi) tỉ mỉ đặt từng nét cọ lên chiếc cốc gốm trắng. Hình ảnh trên cốc đang dần hiện lên là một chú cáo mô phỏng theo Baby Three (đồ chơi túi mù – PV) màu cam với viền nâu, đôi mắt long lanh và một giọt nước mắt nhỏ xíu ở khóe mắt.
Anh Quân cho biết, anh mất khoảng 1 tiếng đồng hồ để phác thảo và tô màu Baby Three lên cốc gốm. Ảnh: Trung Hiếu.
Vừa chăm chú tô màu, anh Quân vừa nói: “Mình vẽ cốc này để tặng sinh nhật bạn thân. Bạn ấy thích Baby Three lắm, nên mình muốn tự tay vẽ một phiên bản thật đặc biệt”.
Theo anh Quân, để hoàn thành một chiếc cốc như vậy, anh mất khoảng một tiếng đồng hồ, từ khâu phác thảo đến khi tô màu. Đây không phải lần đầu tiên anh thử trải nghiệm hoạt động này. “Một tháng mình đi vẽ gốm khoảng một lần. Cảm giác khi vẽ thực sự thư giãn, giúp mình giảm căng thẳng. Vì cuối tuần đông khách nên mình thường phải đặt lịch trước”, anh Quân chia sẻ.
Nhiều khách hàng lựa chọn tới trải nghiệm vẽ gốm vào cuối tuần. Ảnh: Trung Hiếu.
Anh Quân cho rằng, vẽ gốm không chỉ là một hoạt động giải trí mà còn là cách để thể hiện tình cảm và cá tính riêng qua từng sản phẩm: “Cốc là món đồ mình dùng hàng ngày, gắn bó với cuộc sống. Một chiếc cốc do chính mình vẽ sẽ có ý nghĩa hơn hẳn so với những món quà mua sẵn”.
Với bạn Lê Anh (19 tuổi, Nam Từ Liêm), vẽ gốm cá nhân hóa không đơn thuần là một trào lưu, mà còn mang lại trải nghiệm thư giãn và giúp bạn tìm thấy niềm vui sáng tạo. “Những nét cọ chậm rãi trên nền gốm giúp mình tạm rời xa màn hình điện thoại, tập trung vào việc tạo nên một món đồ mang dấu ấn riêng trong cả giờ đồng hồ, rất thú vị”, Lê Anh nói.
Người trải nghiệm vẽ gốm chia sẻ, họ thường mất khoảng 2 tiếng để vẽ xong họa tiết mình mong muốn lên các sản phẩm làm từ gốm. Ảnh: Trung Hiếu.
Cô gái 19 tuổi cho biết: “Trước đây mình chỉ mua Baby Three để sưu tầm, nhưng giờ thì mình có thể tự tay vẽ những bé búp bê yêu thích lên cốc uống nước. Mình rất háo hức chờ đến lúc cốc gốm nung xong và mình mang về sử dụng”.
Trao đổi với PV Dân Việt, Lê Anh cho hay: “Nếu điểm thú vị của trảo lưu Baby Three nằm ở chỗ người chơi không biết trước được sản phẩm mình sẽ khui ra thì điều này tương đồng với cảm giác chờ đợi hàng gốm vẽ sau khi ra lò. Mình cũng rất hồi hộp với thành phẩm của mình, không biết hàng sau nung sẽ như thế nào, màu sắc biến đổi ra sao”.
Giới trẻ chen chân vẽ gốm: Chờ cả tuần chỉ để có một chiếc cốc “không đụng hàng”
Theo anh Nguyễn Đức – quản lý một cửa hàng vẽ gốm tại quận Đống Đa (Hà Nội), khách hàng thường chọn trải nghiệm hoạt động này trên 2 dòng sản phẩm là gốm sơ nung và gốm men thô. “Gốm sơ nung là sản phẩm gốm đã đã được nung qua ở nhiệt độ 700 – 800 độ C, thường là các sản phẩm gốm sứ gia dụng như: bát, đĩa, cốc, gạt tàn, miếng lót cốc…
Sau vẽ khi vẽ xong, gốm sơ nung tiếp tục được nung một lần nữa ở nhiệt độ khoảng 1250 độ C (mất 7 – 12 ngày) và trở thành món đồ sứ dùng trong sinh hoạt. Mức giá trải nghiệm của khách là từ 100.000 – 380.000 đồng/sản phẩm, phí nung là 30.000 đồng/sản phẩm”, anh Đức nói.
Những sản phẩm gốm sơ nung đã được khách hàng vẽ xong và chờ đem đi nung lại lần 2. Ảnh: Trung Hiếu.
Vị chủ cửa hàng này lý giải thêm, gốm men thô là sản phẩm gốm đã được nung ở nhiệt độ trên 1000 độ C, về cơ bản sản phẩm đã như một món đồ gốm bình thường. Bề mặt ngoài của gốm men thô sẽ nhám. Sau khi vẽ, sản phẩm chỉ dùng để trang trí, không dùng để ăn uống. Các sản phẩm gốm men thô thường là sản phẩm trang trí như lọ hoa, lợn tiết kiệm… Sản phẩm có thể mang về trong ngày. Mức giá để khách hàng trải nghiệm sản phẩm này là 120.000 – 500.000 đồng/sản phẩm.
Anh Đức cho biết, trong hai dòng sản phẩm trên, gốm sơ nung thường được khách hàng ưa chuộng hơn để trải nghiệm vẽ gốm: “Về phong cách vẽ, hai xu hướng được yêu thích nhất là tranh gia đình và hình ảnh hoạt hình. Những bức tranh gia đình trên gốm mang giá trị tinh thần lớn, giúp khách hàng lưu giữ kỷ niệm một cách độc đáo. Trong khi đó, các nhân vật hoạt hình lại được giới trẻ yêu thích nhờ sự dễ thương và màu sắc sống động”.
Nhiều nhân vật hoạt hình được các bạn trẻ “tái hiện” lại trên chiếc cốc gốm. Ảnh: Trung Hiếu.
Anh Đức tâm sự, thời điểm đông nhất, cửa hàng đón tới 40 lượt khách/ngày tới trải nghiệm vẽ gốm. “Khách hàng chủ yếu đến từ hai nhóm. Thứ nhất là giới trẻ, những người luôn tìm kiếm trải nghiệm mới mẻ và xem vẽ gốm như một hoạt động thư giãn, hẹn hò hay tụ tập bạn bè. Nhóm khách thứ hai là các gia đình, đặc biệt là phụ huynh dẫn con nhỏ đến vào cuối tuần. Đây là dịp để cả nhà rời xa màn hình điện thoại và có những phút giây gắn kết bên nhau”, anh nói thêm.