#Hoa_hồng_lắm_gai
#Bi_kịch_nhà_Plantagenet
Câu chuyện bắt đầu từ thời vua Edward III của vương triều Plantagenet, vương triều đã giữ ngai vàng nước Anh từ năm 1154 tới năm 1485. Trong 5 người con trai của Edward, người con trai thứ 3 là John được phong làm Công tước xứ Lancaster (với biểu tượng là bông hồng đỏ xứ Lancaster), người con trai thứ 4 là Edmund được phong làm Công tước xứ York (với biểu tượng là bông hồng trắng xứ York). Năm 1399, con trai của John là Henry phế truất Richard II, con trai Hoàng tử đen Edward, con trai cả của Edward III, và lên ngôi vua, trở thành vua đầu tiên của nhà Lancaster (Henry IV). Đến năm 1455, trong khi cháu nội của Henry IV là Henry VI ở trong tình trạng tâm thần bất ổn, vương hậu Margaret cùng phe của bà tìm cách loại trừ ảnh hưởng của Richard, công tước xứ York, buộc Richard công khai chống lại triều đình bằng vũ lực, chính thức châm ngòi cho cuộc nội chiến trong dòng họ Plantagenet giữ hai nhà Lancaster và York, còn gọi là các cuộc chiến Hoa hồng vì biểu tượng của hai nhà. Trong 30 năm, nhiều lần giao tranh đã chứng kiến ngai vàng nước Anh được giành đi giật lại giữa hai phe, và dòng dõi của hai nhà York và Lancaster cùng lụi tắt dần. Đến năm 1485, Richard III, thành viên nam cuối cùng còn lại của nhà York, tử trận ở Bosworth Field, cả hai nhà Lancaster và York cùng chính thức tuyệt tự. Phần thắng trong trận Bosworth Field thuộc về Henry Tudor, con trai của Margaret Beaufort, con gái của John Beaufort, công tước xứ Sommerset, con trai của một trong bốn con trai ngoài giá thú của John, công tước xứ Lancaster, con trai Edward III.
Vậy là cuộc tranh giành ngôi báu trong gia tộc Plantagenet đã kết thúc bằng cách làm chính gia tộc này tuyệt tự và đưa vương miện nước Anh rơi vào tay Henry Tudor, một kẻ tưởng chừng ngoài cuộc nhưng đã chớp thời cơ tuyệt hảo. Để củng cố ngai vàng, Henry Tudor đã kết hôn với con gái của Edward IV, vị vua áp chót của nhà York, đồng thời tự nhận mình là hậu duệ của cả hai nhà Lancaster và York thông qua biểu tượng của mình, bông hồng Tudor, gộp lại cả bông hồng trắng của nhà York và bông hồng đỏ của nhà Lancaster.