Bà Đào Hoa Bích sinh năm 1947 tại một làng quê nghèo thuộc tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Chưa từng được đi học, bà bắt đầu lao động từ nhỏ để phụ giúp gia đình. Khi chồng bị bệnh nặng và qua đời vào năm 1989, bà Đào một mình nuôi hai con trai bằng việc buôn bán nhỏ lẻ.
Bà mở một quán ăn nhỏ gần trường học, và khách hàng đổ xô đến không chỉ vì món ăn, mà còn vì hương vị đậm đà của loại tương ớt do bà chế biến. Nhận ra cơ hội kinh doanh, bà đã dành toàn bộ thời gian và nguồn lực để phát triển sản phẩm này.
Năm 1996, bà quyết định dừng việc kinh doanh quán ăn, thành lập nhà máy Lao Gan Ma tại Quý Dương với 40 công nhân. Bà tự tay đi chào hàng từng quán ăn, tiệm tạp hóa, cam kết: “Không ngon không lấy tiền”. Nhờ uy tín và chất lượng, Lao Gan Ma nhanh chóng trở thành gia vị không thể thay thế trên bàn ăn của nhiều gia đình Trung Quốc.
Bà Đào Hoa Bích sinh năm 1947 tại một làng quê nghèo thuộc tỉnh Quý Châu, là người đứng đằng sau thương hiệu tương ớt hàng đầu Trung Quốc. Sixth Tone.
Ban đầu, quá trình sản xuất hoàn toàn thủ công, từ giã hạt tiêu, cắt ớt cho đến chế biến và đóng chai. Do tiếp xúc lâu dài với ớt cay, bà Đào mắc chứng viêm khớp vai nghiêm trọng, mười đầu móng tay đều bị vôi hóa. Bà sống ngay tại xưởng sản xuất, chỉ ngủ trên một chiếc giường đơn giản với vài chiếc rương gỗ cũ là hồi môn khi kết hôn. “Nghe tiếng chai lọ trong xưởng mỗi ngày, tôi mới thấy an tâm”, bà chia sẻ.
Không dừng lại ở thị trường nội địa, bà Đào quyết định đưa Lao Gan Ma ra thị trường quốc tế. Trong một cuộc thi bình chọn tương ớt giấu tên tại Mỹ, Lao Gan Ma đoạt ngôi vị số một. Dù giá bán tại Mỹ cao gấp ba lần so với Trung Quốc, người tiêu dùng vẫn sẵn sàng chi trả để sở hữu loại tương ớt này. Lao Gan Ma được mệnh danh là “sức mạnh bí ẩn của phương Đông”.
Nhờ chiến lược đúng đắn, năm thứ hai sau khi thành lập, doanh thu của Lao Gan Ma đạt 14 triệu tệ, đến năm 1999 lần đầu tiên vượt 100 triệu tệ và tới năm 2005 đạt hơn 1 tỷ tệ. Thương hiệu nhanh chóng mở rộng từ Trung Quốc ra thế giới, được ưa chuộng tại nhiều quốc gia từ Mỹ đến châu Phi. Bà Đào Hoa Bích được xem là “phép lạ của Quý Châu” và đến năm 2015, gia đình bà được Forbes đưa vào danh sách những gia đình giàu có nhất Trung Quốc.
Thành công sớm mang lại không ít rắc rối. Khi thương hiệu Lao Gan Ma trở nên nổi tiếng, hàng giả tràn lan trên thị trường. Một thương gia tại Hồ Nam đã nhanh tay đăng ký nhãn hiệu Lao Gan Ma trước, khiến bà Đào rơi vào cuộc chiến pháp lý. Cuối cùng, vào năm 2001, tòa án Bắc Kinh ra phán quyết không ai ngoài bà Đào Hoa Bích được sử dụng thương hiệu này.
Năm 2015, sau khi về hưu và trao quyền quản lý cho hai con trai, bà Đào đã chứng kiến những sai lầm dẫn đến khủng hoảng doanh nghiệp. Con trưởng Lý Quý Sơn đầu tư thua lỗ, làm mất 1,4 tỷ tệ và đẩy Lao Gan Ma vào tình thế khó khăn. Con trai út Lý Diệu Tinh thì thay đổi nguồn nguyên liệu, khiến hương vị tương ớt bị ảnh hưởng, dẫn đến sự sụt giảm doanh thu nghiêm trọng.
Dù tuổi đã cao, bà Hoa Bích vẫn livestream bán hàng. IG.
Trước những khó khăn chồng chất, bà Đào Hoa Bích trở lại lãnh đạo doanh nghiệp và khôi phục công thức gốc. Nhờ vào những chiến lược mới, trong đó có việc livestream giới thiệu sản phẩm, Lao Gan Ma lại vững vàng trên thị trường, ghi nhận doanh thu 5,1 tỷ tệ vào năm 2022.
Bên cạnh việc kinh doanh, bà Đào Hoa Bích còn nổi tiếng với cách đối đãi nhân viên như người thân trong gia đình. Bà nhớ tất cả ngày sinh của công nhân, tiễn những nhân viên đi công tác, lắng nghe chuyện gia đình của họ và đưa ra lời khuyên hữu ích. Chính vì vậy, dù trải qua nhiều biến cố, Lao Gan Ma vẫn giữ được một đội ngũ nhân sự trung thành.
Suốt hơn hai thập kỷ, sản phẩm của Lao Gan Ma vẫn giữ nguyên giá bán 9,9 tệ mỗi chai (khoảng 35.000 đồng) và giữ nguyên thiết kế bao bì với hình ảnh của bà Đào Hoa Bích. Dù có nhiều đề xuất thay đổi để phù hợp với xu hướng thị trường, bà kiên quyết bảo vệ thiết kế truyền thống. “Khách hàng quan tâm nhất là chất lượng. Nếu ai ăn tương ớt của tôi mà gặp vấn đề, nhìn bao bì là tìm được tôi, tôi sẽ chịu trách nhiệm”, nữ tỷ phú nhấn mạnh.
Một số người tiêu dùng Trung Quốc cho rằng họ yêu thích Lao Gan Ma không chỉ vì hương vị mà còn vì những kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với chai tương ớt này. Đối với họ, hình ảnh bà Đào Hoa Bích trên nhãn chai mang đến cảm giác thân thuộc, gợi nhớ đến những người phụ nữ lớn tuổi trong gia đình, những người đã hy sinh và làm việc chăm chỉ để xây dựng tổ ấm.