buc-thu-ngo-nhan-dip-dau-nam-cua-hieu-truong-truong-thpt-o-hai-phong-ve-day-them,-hoc-them-“gay-bao”-mang

Bức thư ngỏ nhân dịp đầu năm của hiệu trưởng trường THPT ở Hải Phòng về dạy thêm, học thêm “gây bão” mạng

Thử thách chính là cánh cửa mở ra những cơ hội

Thầy Quý viết bức thư ngỏ với từ khoá chủ đạo trong bài là “3 tự” dành cho các em học sinh, phần nội dung tiếp theo ở bức thư là bày tỏ mong muốn về sự gắn kết, thấu hiểu, chia sẻ, đồng hành từ phía thầy cô, học sinh để cùng nhau vững bước trong thời gian tiếp theo.

Bức thư ngỏ nhân dịp đầu năm của hiệu trưởng trường THPT ở Hải Phòng về dạy thêm, học thêm “gây bão” mạng- Ảnh 1.

Thầy Nguyễn Minh Quý – Hiệu trưởng trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận Dương Kinh,TP.Hải Phòng) với bức thư ngỏ 3″tự”. Ảnh: Tư liệu nhân vật.

Phần dành cho học trò, thầy Quý muốn nhắn nhủ tới các em rằng cuộc đời là hành trình dài nhiều thử thách song cũng là những cơ hội. 

“Ở hành trình đó, việc học không đơn thuần là tiếp thu kiến thức mà còn là quá trình rèn luyện bản thân. Thầy cô chính là những người đồng hành tận tâm, truyền lửa tri thức và dìu dắt học sinh trên con đường trưởng thành.

Nhưng, những áp lực thi cử, đỗ đạt và kỳ vọng của gia đình đã khiến nhiều bạn phải nhờ thầy cô kèm cặp từ khi còn nhỏ, kết quả học tập cũng dần phụ thuộc vào việc tham gia những buổi học như vậy. Điều này khiến việc tự học không hình thành hoặc nếu có sẽ dần bị lãng quên.

Chỉ trong vài ngày tới, thói quen “học thêm” sẽ phải dừng lại. Chắc chắn có sự hụt hẫng, hoang mang, thậm chí là khó khăn lớn xuất hiện. Nhưng đây cũng chính là cơ hội để các em tìm lại sức mạnh nội tại, tinh thần “tự học”. Lúc đầu, tự học có thể khó khăn, mệt mỏi và kém hiệu quả. Nhưng làm quen và thuộc dần thì tự học sẽ trở thành một nguồn sức mạnh to lớn, giúp các em vững vàng đối mặt với thử thách và thành công trong tương lai. Tự học không chỉ là kỹ năng, mà còn là nền tảng để hình thành ba phẩm chất quan trọng.

Thứ nhất, tự tin – chìa khóa thành công. Trong các giờ học mọi việc đều được thầy cô chuẩn bị chu đáo. Việc học thêm giúp các em đi theo dòng chảy có sẵn một cách thong thả. Nhưng giờ đây, mỗi em phải tự chèo lái con thuyền của mình. Các em hãy tin mình sẽ có được các nguồn học liệu phù hợp, tự mình sẽ hệ thống hóa kiến thức và tìm được lời giải. Hãy tin vào mình sẽ làm được. Đừng sợ thất bại, vì mỗi lần vấp ngã là một bài học quý giá giúp các em trưởng thành hơn.

Thứ hai, tự giác – ngọn đèn soi sáng con đường học tập. Tự giác là khi các em không cần ai nhắc nhở vẫn chủ động học tập. Đó là khả năng sắp xếp thời gian, tìm tòi kiến thức mới, làm chủ công nghệ để khai thác kiến thức và kiên trì với mục tiêu. Tự giác không chỉ giúp các em học tốt hơn, mà còn rèn luyện tinh thần trách nhiệm – yếu tố quan trọng để thành công trong cuộc sống.

Thứ ba, tự chủ – bước vững vàng trong thử thách. Tự chủ giúp các em kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc và hành động. Một người biết tự chủ sẽ không bị cuốn theo những ảnh hưởng tiêu cực từ bạn bè hay mạng xã hội. Khi tự học, có thể sẽ buồn ngủ, mệt mỏi, chán nản, nhưng nếu các em biết cách điều chỉnh bản thân, kiên trì với mục tiêu, thành công sẽ đến. Tự chủ sẽ cho chúng ta sự tự lập với ý chí vững vàng. Tự lập cho khả năng giải quyết vấn đề mà không phụ thuộc vào người khác. Nếu trước đây, bài toán khó có thể chờ thầy cô giảng lại trong buổi học thêm, thì giờ đây, các em phải tự tìm cách tháo gỡ. Tự lập giúp các em trưởng thành, vững vàng hơn trên con đường phía trước.

Các em hãy nhớ, dù có khó khăn thế nào, thầy cô vẫn luôn đồng hành, hướng dẫn và giúp đỡ các em khi cần. Nhưng hãy tự tin để vượt qua lo lắng, tự giác và tự chủ để không đánh mất chính mình, và tự lập để ý chí vững vàng. Các em có thể kết nối, giúp nhau trong học tập. Mỗi cá nhân trong một tập thể chung chí hướng, sẽ như được tiếp thêm sức mạnh, các em sẽ cùng vững vàng. Như vậy, khi các em chinh phục được tinh thần tự học, các em sẽ khám phá được sức mạnh vô hạn của bản thân”, thầy Quý viết.

Dạy thêm, học thêm – Sự thay đổi đặt ra thách thức lớn

Nói về vấn đề dạy thêm, học thêm, thầy Quý cho biết: Sẽ không dễ dàng khi không dạy thêm. Cuộc sống và công việc chắc chắn sẽ khó nhọc và khó khăn. Khó nhọc vì nhiều học trò của chúng ta chưa có thói quen tự học, cần nhiều thời gian để hình thành. Mà những khi ấy, việc dạy học sẽ trở nên nhọc mệt hơn bao giờ hết. Khó khăn vì thu nhập giáo viên có sự sụt giảm đáng kể. Trước đây, nhiều thầy cô đã tận dụng cả giờ nghỉ, giờ ăn để dạy kèm học sinh, vừa giúp trò tiến bộ, vừa đảm bảo cuộc sống cá nhân. Nay, sự thay đổi này đặt ra thách thức lớn với mỗi thầy cô.

Bức thư ngỏ nhân dịp đầu năm của hiệu trưởng trường THPT ở Hải Phòng về dạy thêm, học thêm “gây bão” mạng- Ảnh 2.

Thầy Nguyễn Minh Quý – Hiệu trưởng trường THPT Mạc Đĩnh Chi có sự gần gũi, tình cảm, thấu hiểu học trò cũng như đồng nghiệp. Ảnh: Tư liệu.

Tôi hiểu rằng dạy học chưa bao giờ là dễ dàng, và dạy thêm càng không đơn giản. Mỗi thầy cô đã thực sự lao động và nhận về những gì xứng đáng – trong đó có sự nhẫn nại, kiên trì, động viên, chăm chút cho học trò mà bản thân từ “dạy thêm” chưa bao giờ nói đủ. Nhưng hôm nay, chúng ta lại tiếp tục là những người làm gương, thể hiện sự thích nghi và quyết tâm. Dù việc dạy thêm học thêm theo quy định mới, chúng ta vẫn sẵn sàng giải đáp thắc mắc, hỗ trợ trực tiếp hoặc trực tuyến khi có thể. Chúng ta cũng cần có thêm thời gian để chăm sóc bản thân, gia đình và cơ hội luyện nghề hơn”.

Với các thầy cô giáo, thầy Quý  viết: “Tôi muốn gửi đến các đồng nghiệp của mình sự thấu hiểu và sẻ chia. Chúng ta hãy luôn là một tập thể đoàn kết, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn. Tôi không hoàn toàn đồng tình với một câu nói sau đây, nhưng tôi biết ở đó ít nhiều có lý và có tình với nghề giáo chúng ta hiện nay: “Nhẫn nhịn để kiếm cơm. Nhọc nhằn vì cao quý”.

Bức thư ngỏ nhân dịp đầu năm của hiệu trưởng trường THPT ở Hải Phòng về dạy thêm, học thêm “gây bão” mạng- Ảnh 3.

Khoảnh khắc cùng đồng nghiệp của thầy Nguyễn Minh Quý – Hiệu trưởng trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận Dương Kinh-TP.Hải Phòng). Ảnh: Tư liệu.

Nội dung chính bức thư của thầy Quý về dạy thêm, học thêm cũng là vấn đề đang nhận được sự quan tâm của phụ huynh ở Hải Phòng khi Thông tư 29 có hiệu lực tử ngày 14/2.

Là phụ huynh cũng hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, chị B.M.T trú tại phường Hồ Nam, quận Lê Chân, TP.Hải Phòng cho biết, thực tế, trong hành trình học tập, việc học sinh có hứng thú, có phương pháp và có khả năng tự học thì cơ bản với sự nỗ lực trong học tập đó, học sinh chắc chắn có kết quả như ý.

Với quy định mới về dạy thêm, học thêm hiện tại, giải pháp đối với cá nhân chị T dành cho con đó chính là nâng cao khả năng tự học, gia tăng học hỏi từ các bạn và gia tăng trao đổi với thầy cô hơn, từ đó thầy trò gia tăng tương tác và sự gắn kết mỗi ngày.

Chị Trần Thị Hoa, trú tại quận Kiến An có 3 con học ở các cấp học khác nhau. Chị Hoa chia sẻ, mỗi con có khả năng tiếp thu, tập trung và tự học khác nhau. Tuy nhiên, cả 3 con chị đều đồng hành và cho con đi học thêm cả thầy cô trong trường cũng như ngoài trường. Có cháu chị thuê gia sư về kèm cho con nhiều năm nay mong con vững kiến thức để bắt nhịp cùng các bạn trên lớp, giúp con không bị hổng kiến thức, sinh chán nản.

Thực tế chị Hoa cũng mong muốn các con có khả năng tự học. Con có khả năng tự học, bản thân bố mẹ cũng được giải phóng thời gian, kinh phí để lo cho cả 3 con sẽ giảm đi phần nào. 

“Thay đổi một thói quen cần tới thời gian thích nghi. Các con bước đầu chắc chắn sẽ có phần bối rối, khó khăn. Nhưng với nỗ lực, quyết tâm và có tính hành động thì tôi tin đây chính là cơ hội để các con trưởng thành hơn trong chính cuộc sống chứ không chỉ trong học tập tại ghế nhà trường”, chị Hoa nói về thay đổi trong dạy thêm, học thêm thời gian tới.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *