Người dân chia sẻ về công việc hái chít đầu xuân. Clip: Trung Hiếu.
Hái loại cây “trời cho” này đầu xuân, người dân kiếm cả trăm nghìn đồng/ngày, nhưng không hề đơn giản
Những ngày đầu xuân, khi người miền xuôi háo hức du xuân, chúc Tết, thì ở vùng cao, một số người dân đã bắt đầu cho hành trình mưu sinh vất vả – lên rừng hái chít. Đằng sau những chiếc chổi quét nhà quen thuộc là mồ hôi, là đôi tay trầy xước, là những chuyến đi dài xuyên rừng của những người dân cố gắng kiếm thêm từng đồng để mưu sinh qua ngày.
“Chít đẹp nhất vào thời điểm này, mai kia ra hoa lại xấu, giờ lấy về làm chổi là chuẩn nhất!”, ông Lý Thái Sơn (58 tuổi, Yên Sơn) – người chuyên thu hoạch chít ở trên những cánh rừng tại một huyện vùng cao ở Tuyên Quang, vừa nói vừa thoăn thoắt chằng dây vào chiếc xe máy “cà tàng”.
Theo ông Sơn, mỗi chuyến đi hái chít thường kéo dài từ sáng sớm đến tận chiều tối. Chặng đường không hề dễ dàng, từ nhà đến điểm thu hoạch mất cả tiếng đồng hồ chạy xe máy, len lỏi qua những con dốc dựng đứng, đá lởm chởm, rồi sau đó là hành trình băng rừng, lội suối để tìm được những cây chít đẹp nhất. Đôi khi, để có được một bó chít ưng ý, người ta phải chui rúc giữa những bụi rậm, nơi gai góc và đầy lá sắc cứa vào da thịt.
Ông Sơn cho biết, sau khi thu hoạch về nhà và phơi khô, các bó chít sẽ được bán buôn cho những người làm chổi với giá 25.000 đồng/kg. Ảnh: Trung Hiếu.
“Không đeo găng tay là rách tay như chơi! Lá chít sắc lắm, cắt một phát là đứt ngay. Tôi đi hái phải mang theo cơm, có hôm còn chả kịp ăn vì mải làm. Thu hoạch được tầm 50 – 60kg mới về, ít hơn thì coi như lỗ công!”, ông Sơn kể.
Chít mọc tự nhiên trong rừng, nhưng không phải cứ thấy là lấy được. Người thu hoạch chít chia sẻ, phải chọn đúng thời điểm, đúng cách khai thác mới đảm bảo chất lượng.
“Thông thường, mùa thu hoạch chít chất lượng nhất sẽ kéo dài từ đầu tháng Giêng tới hết tháng này. Năm nay, tôi bắt đầu đi hái chít từ mùng 5 Tết. Mỗi cây chỉ lấy tầm 20cm từ trên đỉnh xuống, phần còn lại tước bỏ. Sau khi thu hoạch, chít được phơi khô ngay trong nhà để giữ được màu xanh tươi, nếu phơi ngoài nắng sẽ bị chuyển màu trắng, kém đẹp. Treo phơi suốt một tháng trời, đến tháng 4 dương lịch thường mới có người đến thu mua về làm chổi”, ông Sơn cho hay.
Chít sau khi bó thường được phơi khô trong khu vực có mái che, tránh ánh nắng trực tiếp để màu được đẹp. Ảnh: Trung Hiếu.
“Bán buôn thì 25.000 đồng/kg, thường 1 kg gồm hai bó đã phơi khô. Một yến chít tươi phơi đi chỉ còn 5kg. Tính ra, một vụ thu hoạch xong, phơi khô thì được khoảng 2,5 – 3 tạ chít. Như vậy, nếu trung bình mỗi ngày hái được khoảng 50kg chít thì sau khi bán, tôi sẽ thu về chừng 600 nghìn đồng/ngày công”, ông Sơn nhẩm tính.
Tâm sự người làm công việc hái chít: “Nắng đi mưa nghỉ, chật vật mỗi ngày, bấp bênh mỗi mùa”
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Tráng Thị Liền (57 tuổi, Yên Sơn) cho biết, bà đã bắt đầu lên rừng hái chít hàng năm từ những ngày còn trẻ. Theo bà, nghề này cũng tùy thuộc vào thời tiết. Chỉ đi được khi trời nắng, còn mưa thì bà không dám đi, vì đường trơn, dốc rừng dễ trượt ngã. Có năm được mùa, có năm ít, có khi còn bị người dân phát đi hết, chẳng còn gì để hái…
“Có năm tôi hái được nhiều, bán cả cây đi thì được mấy triệu đồng. Nhưng mà chỉ làm được đến hết tháng 2 dương lịch thôi. Sau đó, cây chít ra hoa, người mua lại không thích nữa. Nếu hái về phải vò kỹ hơn, mất công hơn, không đáng”, bà Liền chia sẻ.
Theo người thu hoạch chít, thời điểm đi hái “hoàn hảo” nhất đối với loại cây này là tháng Giêng âm lịch, sau Tết Nguyên đán. Ảnh: NVCC.
Nói đến đây, bà Tráng Thị Liền nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ, khi mà công việc hái chít là sự háo hức mỗi ngày đối với bà trong mùa vụ. “Ngày ấy, tôi còn khỏe, dẻo dai lắm. Mỗi lần lên rừng, tôi thoăn thoắt chạy trên những con dốc, hái được bao nhiêu là mừng bấy nhiêu. Cảm giác tìm được từng chùm trái chít đem về nhà bán được tiền, sướng lắm”, bà kể khi ánh mắt nhìn về xa xăm.
Tuy nhiên, khi đã gần ở độ tuổi lục tuần, công việc hái chít đối với bà Liền không còn như xưa. Bà thừa nhận rằng giờ đây, việc lên rừng làm khó bà hơn rất nhiều: “Già rồi, tôi phải cẩn thận hơn, không dám như hồi trẻ nữa. Đường dốc, trơn trượt, nếu không chú ý là dễ ngã lắm. Mỗi lần lên rừng, tôi phải cẩn thận từng bước đi. Giờ lên rừng, tôi chỉ chọn những nơi dễ đi, không dám đi xa như ngày trước nữa”.
Sau một vụ thu hoạch, phơi khô, người dân có thể thu về được khoảng 2,5 – 3 tạ chít. Ảnh: NVCC.
Bà Liền kể, có lần bà bị ngã khi đang trèo lên một vách đá để hái chít. “Hôm đó, trời mưa, đất trơn, tôi không chú ý nên bị trượt ngã. May mà không sao, chỉ bị bầm chân một chút. Nhưng từ đó, tôi càng phải cẩn thận hơn, không dám làm liều nữa”, bà chia sẻ.
“Dù tuổi già có khiến mình yếu đi, tôi vẫn cố gắng làm đến khi không còn sức nữa. Nghề này gắn liền với tôi bao năm, có thể tôi không làm được nhanh nhẹn như lúc trẻ, nhưng tôi vẫn cứ làm. Cả đời tôi chưa bao giờ ngừng lao động. Làm gì cũng cần có công sức và tâm huyết, nếu không, cuộc sống chẳng thể nào đủ đầy được”, bà nói với giọng đầy quyết tâm.