________Chiến Binh Cầu Vòng_______
“Mọi trẻ em sinh ra đều có quyền học hành” Hiến pháp Indonesia.
Nếu nói rằng đây là cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu nhi có lẽ chưa hẳn đúng, theo mình nó còn là cuốn tiểu thuyết dành cho người lớn, những ai đã từng đi qua tuổi thơ , và phù hợp hơn nữa là dành cho các nhà làm giáo dục. Quan điểm giáo dục của thầy giáo Harfan, hiệu trưởng một ngôi trường làng nghèo của Inđo thật sâu sắc“ học thức thể hiện long tự trọng , rằng giáo dục thể hiện sự sùng kính đối với đấng tạo hóa, rằng học tập không phải lúc nào cũng buộc chặt với những mục tiêu như lấy được bằng cấp hay trở nên giàu có . Học tập là cao quý, là ca tụng bản thân , là niềm vui được cắp sách đến trường và là ánh sáng văn minh”.
Cuốn sách kể về những chuyện xảy ra quanh trường học của một làng nghèo ở Inđônesia, nơi sự nghèo nàn còn bủa vây lấy người dân, và nỗi lo cơm áo chất chồng lên đầu bố mẹ những đứa trẻ. Ngôi trường chỉ có vẻn vẹn 10 đứa học sinh, có thầy Harfan và cô giáo Mus là 2 người khơi dậy ngọn lửa học tập không ngừng trong lòng những đứa trẻ. Đó là câu bé Linhtang thông minh kiệt suất, cậu khao khát sự học tới mức nhà cách trường 40 km , đường đi băng qua bao đèo núi, qua những vùng đầy cá sấu và nguy hiểm rình rập khắp mọi nơi vậy mà bao giờ cậu cũng là người đến sớm nhất.Đó là Marha một nghệ sĩ đích thực đã làm cho đời sống tinh thần của những đứa trẻ xuất thân từ nghèo khó hiểu về nghệ thuật và biết khao khát ước mơ, đó là cậu bé Akông người Hoa ít nói và hiền lành, đó là Harun một cậu bé bị down , đó là Trapani thư sinh hiền lành mà lại yếu đuối, đó là Sahara quạu cọ và Akiong khờ khạo lúc nào cũng chí chóe với nhau, đó là Borek chỉ luôn quan tâm đến việc làm cho cơ bắp phát triển … Mình có cảm giác như 10 cô cậu bé ấy như 10 cái cây leo bé dại được vun trồng chăm sóc dưới bàn tay của 2 người làm vườn cần mẫn là thầy Harfan và cô Mus: hai con người ấy hết lần này đến lần khác giữ cho ngôi trường thoát khỏi nguy cơ đổ sập vì sự vô tình của những người giàu có muốn khai thác thiếc dưới nền ngôi trường, rồi những lần đối phó với ông thanh tra giáo dục chỉ nhăm nhe đóng cửa trường.
Có lúc những cây dây leo đi không ngay hàng thẳng lối, Ikan đã biết yêu từ năm lớp 2 , cô Mus biết nhưng vẫn âm thầm theo dõi để nắn chỉnh kịp thời dù cậu ấy mãi sau này mới biết. Rồi Marha có suy nghĩ lệch lạc tìm hiểu những tin ngưỡng siêu nhiên bỏ bê học hành , những giai đoạn khó khăn đầy thử thách cô Mus phải tăng cường làm hàng may đê kiếm tiền chuộc học trò về. Những thứ dường như chỉ có những người ruột thịt mới có thể làm cho nhau thì cô giáo Mus có thể làm một cách tự nguyện và đầy nhiệt huyết, đó chỉ có thể là một thứ tình yêu mãnh liệt và sâu sắc đến nhường nào, cô yêu từng đứa trẻ, mỗi đứa là một nửa linh hồn cô, cô như một người làm vườn vừa trở che bao bọc vừa yêu thương nắn chỉnh để những cây leo được phát triển tốt nhất. Chính nghị lực sống không bao giờ chịu đầu hàng mọi hoàn cảnh của cô giáo Mus đã truyền cho những đứa trẻ niềm tin vào cuộc sống, khao khát vươn lên không ngừng.
Mỗi chương là một câu chuyện đầy cảm xúc của tuổi trẻ, những xao xuyến thưở đầu đời, những khám phá ngỡ ngàng về khả năng của từng đứa, rồi chúng ngưỡng mộ nhau, yêu thương và quý mến nhau như người một nhà… Tuy nghèo khổ nhưng trường học thực sự phát huy vai trò của nó , nó mang đến cho mỗi đứa trẻ niềm vui mỗi ngày kể cả những đứa thiệt thòi nhất bị down như Harun. Nó làm người ta được sống trong niềm khát khao tri thức của cậu bé Lintang, khát khao thay đổi cuộc đời, khát khao thoát khỏi đói nghèo…
Gấp cuốn sách lại tất cả những gì còn lại là cảm giác đấy ắp và chan chứa yêu thương. Ngoài những bất công của xã hội, những phi lý của cuộc đời cuốn sách đề cập đến vấn đề rất lớn lao thuộc về quyền con người: “Mọi trẻ em sinh ra đều có quyền được học hành” điều tưởng chùng như giản đơn ấy lại cần phải có rất nhiều nỗ lực và những hi sinh thầm lặng của các cô giáo thầy giáo nơi đây. Họ là những người khiến cầu vồng tỏa sáng và làm nên tinh thần của những chiến binh
Trích dẫn lại vài đoạn hay trong cuốn sách
“Học thức thể hiện lòng tự trọng, giáo dục thể hiện lòng sùng kính đối với đấng tạo hóa, học tập không phải lúc nào cũng buộc chặt với những mục tiêu như lấy được bằng cấp hay trở nên giàu có. Học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản, là niềm vui khi được cắp sách tới trường và là ánh sáng văn minh.”
“Rốt cuộc khi bạn cũng nói ra được một sự thật giữa hàng triệu lời nói dối, thì những người khác vẫn cho rằng sự thật đó là sản phẩm của một sự nói dối nữa mà thôi.”
“Học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản, là niềm vui khi được cắp sách tới trường và là ánh sáng văn minh.”