cuoc-song-cong-nhan-ngay-cuoi-nam:-“tet-tram-khoan-lo-nhung-mot-nam-co-vai-ngay-nen-ca-nha-mong-cho”

Cuộc sống công nhân ngày cuối năm: “Tết trăm khoản lo nhưng một năm có vài ngày nên cả nhà mong chờ”

Hơn 20 năm làm công nhân, bám trụ ở Thủ đô

Cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đường phố trang hoàng, đào quất rộn ràng nhưng khu nhà trọ nơi anh Nguyễn Văn Sáng (43 tuổi, quê huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) vẫn im ắng như ngày thường. Thức giấc sau đêm làm ca đêm, anh Sáng dậy chơi với con trai.

Cuộc sống công nhân ngày cuối năm:

Anh Sáng là công nhân đã gắn bó với xóm trọ xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội đến nay hơn 20 năm. Ảnh: Gia Khiêm

Anh Sáng là công nhân đã gắn bó với xóm trọ xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội đến nay hơn 20 năm. Hàng ngày, anh làm tại Khu công nghiệp Thăng Long 3 (Vĩnh Phúc) bằng xe chở công nhân của công ty. Vợ anh Sáng thì làm công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long cách nhà trọ khoảng 2km. Căn phòng trọ rộng khoảng 20m2 là nơi 4 nhân khẩu trong gia đình anh sinh sống.

Trong câu chuyện với PV Dân Việt, anh Sáng cho biết, cuộc sống ở quê khó khăn nên hơn 20 năm trước anh khăn gói đi làm công nhân ở khu công nghiệp. Trong ký ức của anh Sáng, khu nhà trọ trước đây được xây tạm, lác đác công nhân. Sau này, chủ nhà trọ xây khang trang hơn. Đây cũng là nơi anh gắn bó cả thanh xuân, sức trẻ của mình với công việc công nhân.

Cuộc sống công nhân ngày cuối năm:

Vợ chồng anh Sáng thay nhau làm khác ca để có thời gian bên con cái. Ảnh: Gia Khiêm

“Phận làm công nhân vất vả, thu nhập thấp nhưng nếu nghỉ chúng tôi cũng không biết làm gì. Cũng làm tại đây mà tôi có một mái ấm cùng hai con. Cho đến bây giờ đó cũng là tài sản lớn nhất đối với những công nhân như chúng tôi”, anh Sáng chia sẻ.

Theo anh Sáng, thời điểm hiện tại không tăng ca mỗi tháng anh được 10 triệu đồng. Tiền công nhân của vợ anh Sáng khoảng 8-9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, lo cho hai con đang học lớp 10 và lớp 6 nên vợ chồng anh Sáng gặp rất nhiều khó khăn.

Cuộc sống công nhân ngày cuối năm:

Công nhân tất bật chuẩn bị bữa cơm chiều cuối năm. Ảnh: Gia Khiêm

“Con cái học hành, chi tiêu hàng tháng nhiều nên vợ chồng tôi tương đối vất vả, nhất là dịp đầu năm học của con. Có tháng vợ chồng phải vay mượn thêm, chi tiêu phải cân đối nên đau đầu nhiều. Ấy vậy nhưng so với nhiều công nhân tại công ty tôi vẫn còn may. Nhiều người khi mới vào làm lương chỉ 4-5 triệu đồng. Cả hai vợ chồng mỗi tháng dưới 10 triệu đồng trong khi tiền thuê nhà, ăn uống, con cái học tập. Có bạn gửi con ở quê tâm sự bảo dù nhớ con lắm nhưng không dám về thăm con vì về phát sinh thêm nhiều khoản”, anh Sáng tâm sự.

Cuộc sống công nhân ngày cuối năm:

Khu vực tuyển dụng công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Ảnh: Gia Khiêm

Tết năm nay, công việc của vợ chồng anh Sáng có chút khởi sắc hơn so với 2 năm trước sau đại dịch Covid-19. Thưởng Tết 2 vợ chồng anh được hơn 20 triệu đồng. Số tiền này không nhiều nhưng cũng đủ để gia đình anh có cái Tết đầm ấm bên người thân nơi quê nhà.

“Năm nay, công ty thưởng Tết cao hơn chút so với năm trước. Ngoài này, ở trọ nên vợ chồng tôi tiết kiệm không sắm sửa, mua bán gì. Hai vợ chồng cũng cân đối tiền về quê biếu hai bên nội ngoại, sắm sửa Tết. Còn lại phải tính dư một khoản để con cái học tập, trang trải cuộc sống, về quê lì xì các cháu”, anh Sáng nói.

Làm hơn 20 năm nhưng với những công nhân như anh Sáng việc dư dả là điều rất khó. Anh cũng chưa bao giờ dám mơ ước mua được nhà Hà Nội. Anh mong công việc ổn định, công ty tăng ca để anh có thêm thu nhập lo cho gia đình, con cái.

“Hiện tại tôi vẫn gắn bó với công việc này, tuổi cao chứ không phải trẻ “nhảy” hết nơi này đến nơi khác. Khi nào sức khoẻ không cho phép vợ chồng tôi sẽ về quê bởi mức thu nhập công nhân kể cả làm đến cấp quản lý thì chi tiêu như ở Hà Nội không có khả năng tiếp cận để mua đất định cư được. Trước đây, nền tảng gia đình nào có, hai bên nội ngoại hỗ trợ may ra mua được đất. Đến thời điểm hiện tại đất đắt như vàng, làm cả đời may ra mua được mảnh đất nho nhỏ cũng không khả năng xây, phấn đấu mua được mảnh đất cũng mệt mỏi”, anh Sáng tâm sự.

“Tết trăm khoản lo nhưng cả năm có vài ngày nên cả nhà mong chờ”

Cách xóm trọ anh Sáng không xa, anh Lê Xuân Giáp (41 tuổi, quê Hà Tĩnh) ngồi trầm tư, tính toán phương án lo Tết. Hiện tại, nhiều công ty đã thưởng Tết, còn với công nhân của công ty anh Giáp vẫn đang chờ đợi.

Cuộc sống công nhân ngày cuối năm:

Anh Giáp cho biết, được nghỉ 10 ngày nên quyết định sẽ chia đều thời gian Tết dành cho hai bên nội ngoại. Ảnh: Gia Khiêm

“Tôi làm công nhân cho công ty linh kiện điện tử từ khi ở TP.HCM. Sau này công ty chuyển ra Khu công nghiệp Bắc Thăng Long thì tôi theo ra cùng. Gắn bó ở đây, tôi quen rồi lập gia đình với vợ và có 2 con trai. Năm nay công việc cũng ít tăng ca hơn nên thu nhập của tôi có giảm hơn một chút so với các năm trước. Tổng thu nhập của vợ chồng tôi có thâm niên nên cộng lại hơn 20 triệu/tháng. Với số tiền này sống tại thủ đô nên cũng phải tính toán chi tiêu sao cho hợp lý nhất. Nếu không tính toán chi tiêu cả gia đình tôi không đủ”, anh Giáp tâm sự.

Tết năm nay, vợ chồng anh Giáp được nghỉ 10 ngày nên quyết định sẽ chia đều thời gian dành cho hai bên nội ngoại. 5 ngày ăn Tết ở Hà Tĩnh sau đó ăn Tết 5 ngày quê vợ ở Nghệ An.

“Tôi mới đặt xe khách về quê cả hai chiều hết 2,8 triệu đồng, chưa kể tiền taxi ra bến xe, biếu hai bên nội ngoại, lì xì các cháu… Tết cũng lo lắm khi có trăm khoản chi tiêu nhưng cả năm có vài ngày được về với gia đình nên cả nhà tôi đều mong chờ”, anh Giáp hào hứng nói.

Chị Từ Thị Dung (35 tuổi, công nhân Công ty Panasonic tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long) chia sẻ, cận Tết hai vợ chồng tính toán về các khoản chi tiêu cho sắp tới.

“Làm công nhân xa nhà, đi lại tốn kém nên cả năm vợ chồng tôi mới về một lần. Hai con gái lớn thì ở quê với ông bà, con út ở ngoài này với vợ chồng tôi. Vợ chồng tôi phải tính toán, tiết kiệm chi tiêu hàng tháng để để gửi tiền về quê lo cho hai con gái lớn đang ở nhà với ông bà và con gái ở ngoài này. Tết chỉ mong được về với các con. 

Năm mới chỉ mong ước đơn giản là công việc hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng được ổn định, công ty có thêm nhiều đơn hàng để vợ chồng tôi có thể tăng ca, kiếm thêm thu nhập”, chị Dung nói.

Bước sang năm 2025, anh Sáng và nhiều người mong muốn đời sống công nhân như anh sẽ được nâng cao. Công việc và thu nhập hàng tháng ổn định để vợ chồng trang trải cuộc sống.

“Điều công nhân chúng tôi kỳ vọng nhất trong năm mới 2025 đó là công việc đều, được tăng ca, tăng thêm lương cơ bản, phụ cấp nhà trọ, xăng xe, chuyên cần… để thêm thu nhập cho người lao động khi kinh tế khó khăn, giá cả leo thang tương đối vất vả như hiện nay”, anh Sáng chia sẻ thêm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *