ngoi-lang-“lot-thom”-giua-nhung-canh-rung-nguyen-so,-khach-tay-phan-khich-vi-duoc-len-nui,-xuong-thac-cung-ba-con

Ngôi làng “lọt thỏm” giữa những cánh rừng nguyên sơ, khách Tây phấn khích vì được lên núi, xuống thác cùng bà con

Đi du lịch Kon Tum mùa nào đẹp nhất?: Phục dựng ngôi nhà rông vì mong muốn giữ nguyên bản sắc 

Ngôi làng

Du lịch sinh thái cộng đồng làng Vi Rơ Ngheo hứa hẹn là một trải nghiệm ấn tượng và khó quên đối với du khách. (Ảnh: Kiều Anh)

Nép mình giữa những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn và dải núi san sát mọc cao chót vót, ngôi làng nhỏ Vi Rơ Ngheo (huyện Kon Plông, Kon Tum) từng bước chuyển mình, trở thành làng du lịch cộng đồng mang giá trị văn hóa đặc trưng không thể trộn lẫn. Trên con đường quanh co dẫn vào làng, một khung cảnh thanh bình “như trong phim” hiện ra với những khóm địa lan nở rộ rực rỡ, mái nhà Rông và cánh đồng lúa vàng ươm, thoang thoảng hương thơm của nắng gió.

“Thuộc lòng” từng nhánh cây, ngọn cỏ nơi mảnh đất mình sinh ra và lớn lên, từng nhiều lần trăn trở khi bắt tay khởi xướng làm làng du lịch bởi anh em, đồng bào đã quen với công việc nương rẫy, ông A Hiền cho biết: “Mục đích của tôi khi khởi xướng là giúp du khách trải nghiệm về văn hóa đồng bào dân tộc Xơ Đăng. Tôi là nhà đầu tiên làm homestay, sau đó động viên và dẫn dắt bà con của làng cùng làm theo. Hiện tại bây giờ làng có 5 homestay đang vận hành đi vào khai thác.

Ngôi làng

Do địa hình nằm tách biệt giữa núi rừng, làng Vi Rơ Ngheo vẫn còn giữ được nhiều nét truyền thống trong đời sống văn hóa, kiến trúc và sinh hoạt. (Ảnh: Kiều Anh)

Nhà rông được dựng lên từ năm 2018. Cách đây 30 năm, các cụ đã làm nhà rông, nhưng sau đó không còn. Khi đi nghiên cứu, tôi mới nghĩ: nếu làng mình mất đi cái nhà rông, chính là mất đi cách sống của người đồng bào cũng như mất đi văn hóa. Vì vậy, tôi quyết tâm thiết kế và phục dựng một nhà rông y hệt như ngôi nhà 30 năm trước.”

Người đồng bào Xơ Đăng xem nhà rông như là biểu tượng về văn hóa, linh hồn của làng, thể hiện sự gắn kết cộng đồng với nhau và giữa dân làng với thần linh. Làng Vi Rơ Ngheo hiện là nơi cư ngụ của 63 hộ dân với khoảng 300 nhân khẩu, 100% là người Xơ Đăng. Ngôi làng nhỏ từ xa xưa là tên con suối chảy quanh làng mang vẻ mộc mạc bình yên, khí hậu trong lành và còn giữ được nguyên bản đặc trưng của dân tộc Xơ Đăng.

Ngôi làng

Làng Vi Rơ Ngheo được ví như “thiên đường” của loài hoa rừng địa lan. (Ảnh: NVCC)

Xu hướng “du lịch homestay” để được hòa mình trong nếp sống sinh hoạt của người bản địa, trải nghiệm không gian bao la với cảnh sắc thiên nhiên nguyên sơ đang trở nên nở rộ hiện nay. Nhiều đoàn khách cả trong và ngoài nước lựa chọn làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo là điểm “dừng chân” lý tưởng.

Chia sẻ với Dân Việt, ông A Hiền cho biết: “Mỗi tháng nhà tôi đón được 2-3 đoàn khách, mỗi đoàn khoảng 20-30 người. Khách quốc tế đa phần là người Hàn Quốc, Pháp, còn khách Việt Nam thì từ Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… đến tham quan, trải nghiệm. Nhà tôi chứa được tầm khoảng 30 người. Nhà gia đình ở riêng, nhà ăn ở riêng, homestay cho khách riêng, khu vệ sinh khách riêng.

Ngôi làng

Ngôi làng nhỏ nằm nép mình giữa những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn và hàng dài ngọn núi san sát mọc cao chót vót. (Ảnh: NVCC)

Để làm homestay thì phần lớn tôi học và tìm hiểu trên mạng. Tôi lên mạng học cách làm hoa, làm nhà, thấy anh em trên mạng trồng hoa đẹp, nhiều khách đến, thì tôi cũng làm thử. Thứ nhất, hoa đẹp là thứ thu hút du khách nhiều hơn. Thứ hai, giá trị văn hóa là điều níu chân du khách nên tôi vẫn giữ những nét đặc trưng của đồng bào, khách đến thì họ rất thích và muốn tìm hiểu.”

Không chỉ “mê mẩn” vẻ đẹp như bức tranh thủy mặc hữu tình của ngôi làng nhỏ giữa núi rừng đại ngàn, nhiều du khách còn phấn khích bởi được khám phá và trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị của  đồng bào Xơ Đăng. 

Ngôi làng

Theo ông A Hiền, nếu làng mất đi nhà rông, chính là mất đi cách sống của người đồng bào cũng như mất đi văn hóa. (Ảnh: Kiều Anh)

Khi đến Vi Rơ Ngheo, du khách được thưởng thức ẩm thực mang hương vị độc bản được chế biến từ những người đầu bếp “lành nghề” của làng, ngắm hoa địa lan trên núi cao, lên vườn cà phê và vườn nông nghiệp, sau đó xuống thác, xuống đồng ruộng cùng bà con để hiểu hơn về nếp sống sinh hoạt nơi đây. 

Ông A Hiền cho hay, khách Tây khi đến trải nghiệm các hoạt động đều rất tự nhiên, dân dã và sống giống như người bản địa, không ngại lên rừng hay xuống thác và “nếm thử” những món ăn độc lạ khác với nền ẩm thực của nước họ.

Lần đầu đến làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo khảo sát và mong muốn tìm ra những điểm mới lạ, độc đáo để tổ chức tour cho khách du lịch, chị Lê Thị Thủy – Trưởng phòng kinh doanh tại Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Bạn Đồng Hành cho biết: “Tôi rất mừng vì làng Vi Rơ Ngheo vẫn giữ nguyên giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên sắc thái hấp dẫn cho tệp khách Pháp của tôi. Họ thích khám phá thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc như ở nhà rông, nhà sàn hay múa cồng chiêng. Nơi đây có rất nhiều tiềm năng để khai thác du lịch.”

Đi du lịch Kon Tum mùa nào đẹp nhất?: Cả làng nấu nướng phục vụ cho khách, thu nhập đời sống được cải thiện lên tới 3-4 triệu/đêm

Ngôi làng

Giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được giữ gìn, phát huy đã tạo nên sắc thái hấp dẫn khách du lịch gần, xa tìm đến. (Ảnh: Kiều Anh)

Những ngày cận kề Tết Nguyên đán, làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo “hút khách” bởi nhiều lễ hội truyền thống vẫn được lưu giữ qua nhiều thăng trầm của thời gian.

Theo chia sẻ của đồng bào Xơ Đăng, ngày mùng 1 Tết Âm lịch sẽ diễn ra lễ hội cầu Giàng năm mới, người Kinh gọi là cầu nguyện, cầu ông trời. Cuối tháng 1 đầu tháng 2 là lễ làm chuồng trâu. Đến hết tháng 2 và tháng 3, họ làm lễ gieo mạ, xả lũ ngoài đồng. Sau đó đến tháng 4 và tháng 5, người Xơ Đăng tổ chức lễ tổng kết cấy lúa. Khi cấy lúa xong, bà con làm lễ tổng kết ăn mừng. Tháng 6 và tháng 7, lễ mừng lúa mới lại được diễn ra. Cuối cùng đến tháng 8, tháng 9 và tháng 10 là lễ tổng kết cuối năm.

Ngôi làng

Để phục vụ du khách đến với Vi Rơ Ngheo, làng đã chọn 5 hộ có căn nhà sàn truyền thống đủ điều kiện để đón khách du lịch bằng cách làm homestay. (Ảnh: Kiều Anh)

Tất cả các lễ hội đều được tổ chức tập trung tại 2 nhà rông và nhà nhóm. Theo đó, nhà rông là nơi tập trung của các bộ ban ngành, khách du lịch và bà con cùng giao lưu trò chuyện và thưởng thức ẩm thực. Nhà nhóm là nơi thờ tự riêng của người đồng bào Xơ Đăng.

Các món ăn phục vụ du khách được chế biến theo nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của đồng bào Xơ Đăng. “Đồng bào ăn như thế nào thì tôi phải để khách đến đây trải nghiệm theo kiểu đó. Ẩm thực của dân làng là các loại rau rừng và các thực phẩm tự sản xuất khác. 

Ví dụ như trong làng ở đây chỉ có heo làng, gà làng, thịt trâu, rồi cá suối, cá đồng, ốc suối, rượu cần. Khi khách ăn thì tôi trình bày từng món cho họ biết. Chế biến các món ăn theo kiểu đơn giản của người đồng bào. Ví dụ như luộc cho người ta ăn, rồi xào cho người ta ăn, hay sấy khô để người ta ngâm nước uống. Đó là những món ăn mà ở đây đang làm”, ông A Hiền cho hay.

Ngôi làng

Các món ăn phục vụ du khách được chế biến theo nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của đồng bào Xơ Đăng. (Ảnh: Kiều Anh)

Theo đó, món canh mướp đắng là đặc sản độc bản không thể trộn lẫn và tìm thấy hương vị ở bất kỳ nơi nào khác ngoài làng Vi Rơ Ngheo. Mướp đắng có nhiều loại, nếu mua từ chợ sẽ có hình dáng to, trong khi mướp đắng của người đồng bào Xơ Đăng nhỏ và mang hương vị riêng thơm ngon đặc trưng. Tuy nhiên, phải hết mùa đông ra mùa xuân mới có loại mướp này.

Nhờ các hoạt động dịch vụ từ du lịch kết hợp với việc tăng gia sản xuất đều đặn, thu nhập của người dân làng Vi Rơ Ngheo ngày càng được cải thiện.

Ngôi làng

Thời tiết nơi đây bốn mùa đều như chớm thu. (Ảnh: Kiều Anh)

Chia sẻ với Dân Việt, ông A Hiền cho biết: “Những ngày không có khách thì tôi vẫn tập trung làm nương, làm rẫy. Làm du lịch khiến đời sống của tôi được nâng cao hơn, dư dả hơn so với công việc làm nông. Hồi ấy kiếm được 5-6 triệu/năm thì bây giờ khi làm du lịch như này tôi kiếm được 3-4 triệu/đêm, ước chừng trung bình một tháng kiếm được từ 7 đến 8 triệu đồng. Những hôm đông khách có cả làng làm giúp. Tôi mời cả làng đến phục vụ, nấu nướng cho khách.”

Hiện nay, huyện Kon Plông đang định hướng phát triển nhiều loại hình du lịch, trong đó có du lịch văn hóa, tức du lịch cộng đồng. Theo ông Phạm Văn Thắng – Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, việc được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cộng đồng là một cơ hội để làng phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp hơn.

Ngôi làng

Đoàn Famtrip khảo sát tại làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo. (Ảnh: Kiều Anh)

Ông cho biết: “Hiện nay chúng tôi đã có 2 làng du lịch cộng đồng và đang xây dựng thêm 5 làng du lịch cộng đồng nữa. Chúng tôi triển khai đến nay là được 4 năm, người dân đã có thu nhập từ du lịch cộng đồng, thay đổi toàn bộ bộ mặt của nông thôn. Họ biết cách làm du lịch cộng đồng, biết bảo tồn phục dựng cái giá trị văn hóa, biết tiếp khách và tổ chức để đón khách.

Chúng tôi cũng vận động tuyên truyền với bà con, đưa đi các điểm du lịch cộng đồng trên khắp đất nước Việt Nam, đến rất nhiều làng như Mai Châu (Hòa Bình), Quảng Ngãi và các làng du lịch của Sơn La, Hòa Bình,… để cho bà con thấy được những điểm đặc biệt ở đó, thay đổi suy nghĩ và tìm ra các hướng để làm du lịch cộng đồng. Chúng tôi xây dựng mỗi làng du lịch sẽ có một nét đặc sắc riêng. Ví dụ như đến làng du lịch Vi Rơ Ngheo, chúng tôi phục dựng toàn bộ vấn đề, giá trị văn hóa ở đó của người dân tộc Xơ Đăng, để làm sao khi du khách đến, người ta cảm nhận được văn hóa của làng.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *