LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (19)
“Khi Israel còn là một đứa trẻ…” (tiếp theo)
Mất thiên đường. Cain và Abel
Vườn Eden với dòng sông chia làm bốn nhánh và cây cối được Adam chăm sóc và bảo vệ làm gợi nhớ đến hình ảnh vùng Lưỡng Hà. Có lẽ trong tường hợp này lời kể Kinh Thánh cũng tận dụng một truyền thuyết Babylon cụ thể. Nhưng huyền thoại về thiên đường nguyên khởi nơi người ban sơ sinh sống, và huyền thoại về một nơi thiên đường xa vời với loài ngoài đã được biết đến bên ngoài phạm vi sông Euphrates và Địa Trung Hải. Cũng như tất cả các “thiên đường” khác, Eden nằm ở “trung tâm thế giới,” nơi dòng sông bốn nhánh khỏi nguồn. Giữa khu vườn là Cây trường sinh và Cây cho biết điều thiện điều ác. Yahweh đưa ra giới luật cho con người: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết.” Một ý tưởng chưa từng có ở nơi khác lộ ra từ lệnh cấm này: giá trị hiện sinh của tri thức. Hay nói cách khác, sự hiểu biết sẽ thay đổi triệt để cấu trúc sự tồn tại của con người.
Tuy nhiên, con rắn đã thành công trong việc xúi giục Eve. Nó nói với nàng: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.” Phân đoạn bí ẩn này đã làm nảy sinh vố số cách giải thích. Bối cảnh gợi ý một sự tượng trưng thần thoại không lạ lẫm gì: nữ thần khỏa thân, cây thần và kẻ canh giữ, con rắn. Nhưng thay vì chiến thắng của một người anh hùng giành lấy được một phần biểu tượng của sự sống (quả thần, suối nguồn tươi trẻ, kho báu, v.v.), câu chuyện Kinh Thánh lại cho chúng ta Adam, một nạn nhân ngây ngô của con rắn phản trắc. Nói ngắn gọn là chúng ta đang đối mặt với một sự “bất tử hóa” thất bại như trường hợp của Gilgamesh. Bởi vì một khi đã trở nên toàn trí, ngang bằng với “những vị thần”, Adam có thể khám phá ra Cây trường sinh (mà Yahweh đã không nói với chàng) và trở nên bất tử. Đoạn văn trở nên rõ ràng minh bạch: “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa nói: “Này con người đã trở thành như một kẻ trong chúng ta, biết điều thiện điều ác. Bây giờ, đừng để nó giơ tay hái cả trái cây trường sinh mà ăn và được sống mãi.”” Và Chúa đuổi cổ đôi uyên ương khỏi thiên đường, phạt họ phải làm việc để kiếm sống.
Nếu chúng ta quay lại bối cảnh vừa đề cập lúc trước về một nữ thần khỏa thân và cây thần được canh gác bởi một con rồng, chúng ta có thể nhận ra rằng con rắn trong Sáng Thế Ký đã thành công trong vai trò là kẻ bảo vệ cho biểu tượng của sự sống hay của tuổi xuân. Nhưng thần thoại cổ xưa này đã đổi hướng hoàn toàn bởi tác giả của của những lời thuật trong Kinh Thánh. Việc “thụ pháp thất bại” của Adam được diễn giải lại như một hình phạt thích đáng: sự bất tuân của chàng đã phản bội sự kiêu ngạo xấu xa, sự khát khao được trở nên giống Chúa. Đây là tội lỗi lớn nhất mà tạo vật có thể phạm phải trong việc chống lại kẻ tạo ra mình. Đó là “tội tổ tông,” một quan niệm thai nghén nhiều hậu quả cho thần học Do Thái và Cơ Đốc. Cách nhìn nhận về sự “sa ngã” này chỉ có thể bị bắt buộc công nhận trong một tôn giáo tập trung vào sự toàn năng và ghen tỵ của Chúa. Như đã được truyền lại cho chúng ta, lời thuật thánh kinh cho thấy quyền uy tăng dần của độc thần Yahweh giáo.
Theo những người biên soạn từ chương 4 đến chương 7 của Sáng Thế Ký, tội lỗi đầu tiên này không chỉ làm mất chỗ trên thiên đường và sự biến đổi trạng thái của con người; mà theo một nghĩa nào đó còn trở thành nguồn gốc của mọi điều ác đè nặng lên nhân loại. Eve sinh ra Cain, người “cày cấy đất đai,” và Abel, một người “chăn chiên.” Khi hai anh em dâng lễ cảm ơn – Cain dâng cúng hoa màu của đất đai, và Abel dâng lên những lứa sinh đầu của đàn chiên (cừu) – Yahweh nhận đồ của Abel nhưng không nhận của Cain. Tức giận, Cain “ xông đến giết A-ben.” “Giờ đây”, Yahweh nói, “ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất … Ngươi có canh tác đất đai, nó cũng không còn cho ngươi hoa màu của nó nữa. Ngươi sẽ lang thang phiêu bạt trên mặt đất.”
Có thể nhận ra trong phân đoạn này một sự tương phản giữa những người trồng trọt và những người chăn nuôi, và cũng ám chỉ một lời biện hộ cho những người chăn nuôi. Tuy nhiên, nếu cái tên Abel nghĩa là “chăn chiên,” thì Cain lại có nghĩa là “thợ rèn.” Sự bất hòa của họ phản ánh thái độ mâu thuẫn của người thợ rèn trong một số xã hội nhất định thuộc về những người chăn nuôi, ở đó dù anh ta có thể bị khinh bỉ hay được tôn trọng thì vẫn luôn luôn làm người khác khiếp sợ. Như chúng ta đã biết, thợ rèn được xem như “bậc thầy về lửa” và sở hữu những sức mạnh ma thuật đáng sợ. Dù trong trường hợp nào thì truyền thống được gìn giữ trong lời kể thánh kinh cũng phản ánh sự lý tưởng hóa về đời sống “đơn giản và thuần khiết” của những người chăn nuôi du mục và sự kháng cự lại cuộc sống định cư của những người làm nông và những cư dân thành thị. Cain trở thành người “xây một thành,” và một trong những hậu duệ của ông là Tubal-cain, “ông tổ các người thợ rèn đồng và sắt.” Vậy là vụ giết người đầu tiên được ông thực hiện, người mà theo một cách nào đó cũng hóa hiện thành biểu tượng của công nghệ và văn minh đô thị. Nói bóng gió thì tất cả các kỹ thuật công nghệ bị nghi ngờ liên quan đến ma thuật.
(còn nữa)
—————————————–
Link các phần khác (ở cuối bài):
https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1180792385605396/