Ông T.Q.M (72 tuổi, ở Hà Nội) và vợ là bà H.T.L (70 tuổi) có tất cả 6 người con, trong đó người thiệt thòi nhất là con trai cả của ông bà. Ông M kể, con trai ông lúc nhỏ rất lanh lợi, hoạt bát, nhưng sau một trận ốm năm 6 tuổi người con này bị ảnh hưởng đến thần kinh nên không được tinh nhanh như những bạn cùng trang lứa.
Đến năm 30 tuổi, qua mai mối con trai cả của ông M mới lập gia đình với một người phụ nữ ở cùng làng. 3 năm sau ngày cưới, gia đình ông M vui mừng khôn xiết khi vợ chồng người con trai cả sinh được một bé trai kháu kỉnh, nhanh nhẹn, hoạt bát.
Càng lớn, cháu nội của ông M càng có nét giống ông vì thế, ông dành nhiều tình cảm cho cháu đích tôn. Thế nhưng, cháu nội ông M lại có hành động lạ mỗi khi ông ôm ấp hay xoa đầu. “Mỗi lần tôi âu yếm, xoa đầu cháu đều gạt tay tôi ra. Cháu nói rằng, mẹ dặn không để ai ở gia đình bên nội xoa đầu, nhổ tóc hay cắt móng tay”, ông M kể lại.
Từ hành động và lời nói của cháu, ông M cảm thấy hoang mang và nghi ngờ, cho rằng có thể đứa bé không cùng huyết thống trong gia đình nên người mẹ mới dặn dò như vậy.
Sau đó, ông M đã bí mật lấy mẫu tóc của người con trai cả, rồi đưa cháu vào nội thành Hà Nội chơi và lấy mẫu đưa đi xét nghiệm ADN.
Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền Hà Nội cho biết, khi hai ông bà đưa cháu đến trung tâm xét nghiệm ADN và muốn lấy kết quả nhanh nhất. Vài tiếng sau, kết quả cho thấy đứa trẻ không có quan hệ cha-con với người con trai cả của ông M.
Nhận được kết quả, vợ chồng ông M buồn bã vô cùng, nhưng quay sang nhìn đứa bé, ông vẫn không tin vào kết quả kia vì ngoại hình đứa trẻ rất giống với những người trong gia đình.
Suy nghĩ một hồi, ông M quyết định sẽ làm xét nghiệm ADN xác định huyết thống “ông-cháu” với đứa bé. Kết quả sau đó khiến ông vô cùng bất ngờ, khi đứa trẻ là cháu ruột của ông M.
“Nhìn thấy kết luận trong tờ xét nghiệm ADN, ông M vô cùng giận giữ. Ông bức xúc cho rằng, trung tâm xét nghiệm đã làm việc tắc trách dẫn đến kết quả lần đầu tiên là sai. Theo lý giải của ông, nếu đứa trẻ không phải con của con trai ông thì sao ông lại có quan hệ huyết thống với đứa trẻ. Thậm chí, ông M còn đòi kiện trung tâm của chúng tôi”, bà Nga kể lại.
Sau khi giải thích, ông M đã nguôi ngoai về quyết định sẽ về họp mặt gia đình, vì biết đâu bố đẻ thật sự của đứa trẻ lại là những người con trai còn lại của ông. Khoảng gần một tháng sau, bà Nga bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ ông M, qua điện thoại ông gửi lời xin lỗi trung tâm vì sự thật phía sau đã được tiết lộ.
Theo đó, bố đứa trẻ chính là người con trai út của ông M, đang sinh sống ở TP.HCM. Theo lời kể của ông M, sau khi vợ chồng con trai cả của ông kết hôn, mãi không có con nên người con trai út đã đón vào TP.HCM ở một thời gian. Sau đó, anh đưa anh trai và chị dâu đến bệnh viện khám hiếm muộn và biết người anh không thể có con.
Tại bệnh viện, anh đã thuyết phục chị dâu làm thụ tinh nhân tạo. Đồng thời, bí mật hiến tinh trùng để các bác sĩ thụ tinh cho chị dâu. Kết quả thụ tinh nhân tạo thành công và đứa trẻ chào đời. Không ngờ, sau đó người chị dâu lại cẩn thận thoái quá, từ đó khiến chuyện bại lộ.
“Đứa trẻ không phải là con đẻ của người con trai cả, nhưng lại là con của cậu út, chính vì thế mới có kết quả xét nghiệm ADN kỳ lạ như vậy”, bà Nga lý giải.
Theo bà Nga, trong câu chuyện này, mọi bí mật đều nằm trong tay cậu em. Chính cậu em đã đạo diễn và giấu kín mọi chuyện. Tuy nhiên khi bí mật được bại lộ, người ta lại không thể trách người này bởi tất cả việc anh làm đều xuất phát từ tình cảm, sự lo lắng cho gia đình.