LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (21)

LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (21)

“Khi Israel còn là một đứa trẻ…” (tiếp theo)
Tín ngưỡng của các tổ phụ
Chương thứ 12 của Sáng Thế Ký giới thiệu đến chúng ta một thế giới tôn giáo mới. Yahweh nói với Abraham: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành.
Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi;
Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa.
Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.”
Chắc chắn là đoạn này đã được soạn lại sau sự kiện mà nó nói đến nhiều thế kỷ. Nhưng quan niệm tôn giáo ẩn tàng trong việc “tuyển chọn” Abraham tiếp nối những niềm tin và tập quán phổ biến ở vùng Cận Đông vào thiên niên kỷ thứ hai. Sự khác biệt trong Kinh Thánh là Chúa “nhắn tin riêng” và những hệ quả của nó. Chúa tiết lộ bản thân với con người mà không cần được gọi, sau khi đưa ra một loạt các mệnh lệnh ngài cũng hứa hẹn hoàng loạt những điều kỳ diệu. Theo truyền thuyết thì Abraham tuân lệnh ngài lúc đó cũng như sau này khi ngài yêu cầu ông hiến tế Isaac. Ở đây chúng ta thấy một sự thử thách tôn giáo mới – “đức tin Abraham,” cũng như nó đã được nhận thức sau thời Moses, theo thời gian sẽ trở thành thử thách tôn giáo đặc thù của đạo Do Thái và Cơ Đốc.
Và như thế Abraham rời Ur và đến Haran nằm ở phía tây bắc của Lưỡng Hà. Sau này ông đi về phía nam và ở Shechem một thời gian; sau đó ông dẫn đoàn đi đến vùng giữa Palestine và Ai Cập. Những chuyến hành trình của Abraham và con trai Isaac, cháu trai Jacob và Joseph hợp thành thời kỳ goi là Thời đại của các Tổ Phụ. Suốt một thời gian dài, những nhà phê bình cho rằng các tổ phụ chỉ là những nhân vật huyền thoại. Nhưng nửa thế kỷ vừa qua, đặc biệt là với những khám phá mới của khảo cổ học, vài tác giả đã nghiêng về hướng chấp nhận tính lịch sử của những truyền thuyết về các tổ phụ, ít nhất là một phần. Nhưng điều này không có nghĩa là chương 11 đến 50 của Sáng Thế Ký đại diện cho “tư liệu lịch sử.”
Với mục đích của chúng ta thì việc tổ tiên của người Do Thái, những kẻ nổi loạn, là những người nuôi lừa, lái buôn lang thang hay những người chăn thả gia súc trên đường tìm nơi định cư không quá quan trọng. Chỉ cần biết rằng có một số sự tương đồng nhất định giữa tập quán của các tổ phụ với xã hội và thể thế pháp lý của vùng Cận Đông. Nhiều truyền thuyết thần thoại cũng được công nhận là được các tổ phụ biết đến và sửa đổi trong thời gian họ ở vùng Lưỡng Hà. Tôn giáo của các tổ phụ được đặc trưng hóa bởi sự thờ phụng “chúa của cha.” Ngài được cầu khẩn hoặc thể hiện mình với tư cách “chúa của cha tôi/bạn/anh ấy.” Cách gọi khác bao gồm tên riêng, đôi khi có từ “cha” đi kèm: “chúa của Abraham,” “chúa của Abraham cha bạn,” “chúa của Isaac,” “chúa của Isaac cha tôi/anh ấy,” hoặc “chúa của Abraham, của Isaac, của Jacob.” Phương Đông cổ đại cũng có cách gọi tương đương.
“Chúa của cha” có nghĩa là chúa của thế hệ ngay trước. Bằng cách để lộ bản thân cho thế hệ trước, ngài đã chứng nhận một kiểu quan hệ họ hàng. Ngài là chúa của dân du mục, không gắn với một thánh đường mà với một nhóm người, những người ngài theo và bảo vệ. Ngài “gắn kết với những người tin vào ngài qua những lời hứa.” Những cái tên khác có khi còn cổ hơn là pahad yishak nghĩa là “nỗi sợ của Isaac,” nhưng cũng có nghĩa thích hợp hơn là “bà con của Isaac,” và abhir ya aquobh nghĩa là “pháo đài của Jacob.”
Khi tiến vào Canaan, các tổ phụ đối mặt với giáo phài thờ thần El, và “chúa của cha” cuối cùng bị sát nhập với El. Sự đồng hóa này cho phép chúng ta giả thiết rằng có một sự giống nhau nhất định về cấu trúc giữa hai kiểu thần thánh này. Dù sao thì sau khi được xác định là El, “chúa của cha” cũng đạt được tầm vóc vũ trụ, thứ mà ngài không có khi là thần thánh của những gia đình và bộ lạc. Đây là ví dụ cho bằng chứng lịch sử đầu tiên của sự kết hợp đã làm giầu cho di sản tổ phụ. Và điều này không phải là duy nhất.
Một số đoạn mô tả, dù khá vắn tắt, những thực hành tôn giáo của các tổ phụ. Tuy nhiên trong số chúng có những đoạn phản ánh những hoàn cảnh sau này. Do dó sẽ rất hợp lý khi so sánh dữ liệu Kinh Thánh với những tập quán điển hình của những nền văn hóa mục vụ cổ, đầu tiên là của những người dân Ả-Rập tiền Hồi giáo. Theo Sáng Thế Ký thì các tổ phụ dâng đồ cúng, lập bàn thờ và xếp đá, toàn bộ đều được xức dầu. Nhưng khả năng là chỉ có huyết tế (zebah) là thuộc kiểu mục vụ, không có linh mục và bàn thờ: “Mỗi người hành lễ hiến lễ vật riêng, chọn một con trong đàn; nó không bị thiêu, và được ăn chung bởi người hành lễ và gia đình.”
Vì những bối cảnh tôn giáo khác nhau nên khó mà xác định được ý nghĩa ban đầu của những hòn đá xếp đứng (massebah). Một hòn đá có thể làm chứng cho một cuộc tụ họp, hoặc dùng như một ngôi mộ, hay chỉ ra sự hiện diện thần thánh như trong phần nói về Jacob. Jacob ngủ gối đầu lên một hòn đá và thấy một cái thang chạm tới trời, và Yahweh “đứng bên trên thang” và hứa với ông một xứ sở. Khi tỉnh dậy, Jacob dựng đứng hòn đá và gọi nơi đó là beth-el, “nhà của Chúa.” Những hòn đá dựng đứng cũng có vai trò trong việc thờ cúng của người Canaan; đó là lý do vì sao sau này chúng bị Yahweh giáo lên án. Nhưng tập quán này cũng tồn tại giữa những người Ả-Rập tiền Hồi giáo, nên rất có khả năng chúng cũng được những tổ tiên của người Israel thực hành.
(còn nữa)
—————————————–
Link các phần khác (ở cuối bài):
https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1180792385605396/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *