Cộng đồng chung tay hạn chế rác thải nhựa
Ông Nguyễn Tấn Quyền, Giám đốc Công ty Bambo Adventure (Khu dân cư số 6, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, ông đến Côn Đảo lập nghiệp năm 2019, từ một hướng dẫn viên du lịch phát triển đi lên thành công ty.
Cuối tuần, ông thường dẫn du khách đi tour biển đến Hòn Bảy Cạnh, Hòn Tài lặn ngắm san hô, xem rùa đẻ trứng. Trong đó một hoạt động kèm theo không có trong kế hoạch là… nhặt rác trên bãi biển. Do công ty chuyên các tour du lịch sinh thái, du lịch biển cho khách nước ngoài nên khi ông “rủ rê” nhặt rác, du khách rất ủng hộ.
Johana Morris, du khách người Thụy Điển, vô cùng thích thú tham gia nhặt rác ở Hòn Bảy Cạnh khi đến thăm rùa biển đẻ trứng ở hòn đảo này.
“Chúng tôi ấn tượng với Côn Đảo không chỉ có cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn bởi ý thức gìn giữ môi trường của các bạn. Đi đâu cũng thấy người dân rất tự giác nhặt rác rơi vãi trên đường nên Côn Đảo rất sạch”, bà Johana nói.
Không chỉ nhặt rác, từ năm 2023 đến nay, huyện Côn Đảo đã truyền thông và thực hiện nhiều mô hình giảm thiểu túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần cho du khách từ khu vực sân bay, bến tàu và các điểm tham quan du lịch. 90% cơ sở trong tổng số 142 cơ sở lưu trú trên địa bàn đã thay thế chai nước nhựa bằng chai thủy tinh; sử dụng ống hút, hộp, túi đựng bằng giấy; đựng dầu gội, sữa tắm trong chai thủy tinh dùng lâu dài thay thế gói tiện dụng 1 lần; cho du khách mượn túi vải trong thời gian lưu trú nhằm hạn chế bao ni lông.
Ông Phan Huy Hiệu, chủ quán Côn Sơn Bến (ở Cảng Tàu khách Côn Đảo, khu dân cư số 5) cho biết từ khi thành lập đầu năm 2024 đến nay quán đã không sử dụng đồ nhựa trong kinh doanh.
“Nước uống đựng trong chai thủy tinh hoặc ly giấy, ống hút giấy, túi đựng bằng giấy và cói dừa cho khách mang đi. Nếu du khách mua nước đựng trong chai thủy tinh mang đi, sau khi uống xong nếu quay lại trả chai thủy tinh chúng tôi sẽ thu lại với giá 40 ngàn đồng”, ông Hiệu cho biết.
Quyết liệt phân loại rác tại nguồn
Nhằm lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần, thời gian qua, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF Việt Nam) đã chủ trì phối hợp với Ban Quản lý Khu Du lịch Quốc gia Côn Đảo tập huấn sổ tay hướng dẫn thực hành giảm nhựa sử dụng một lần cho các cơ sở kinh doanh du lịch – dịch vụ trên địa bàn.
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh, Quản lý Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” (Hợp phần thủy sản và Khu bảo tồn biển), khảo sát của WWF-Việt Nam trong năm 2020 cho thấy, rác thải nhựa từ ngành du lịch và dịch vụ ở Côn Đảo chiếm hơn 40% tổng lượng rác sinh hoạt phát sinh. Trong đó đáng lưu ý nhất rác thải từ nhựa dùng một lần phát sinh từ hoạt động du lịch do đặc tính rẻ, tiện dụng, đặc biệt là túi ni lông phải mất hàng trăm năm để phân hủy.
“Do vậy, việc vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ quản lý rác từ đầu nguồn, từng bước thực hành chuyển đổi để hạn chế và tiến tới nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu”, bà Quỳnh nói.
Thông qua Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”, WWF-Việt Nam đã và đang đồng hành cùng Côn Đảo trong giám sát và thu gom rác thải nhựa đại dương trên rạn san hô và bãi biển công cộng; tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phân loại rác tại nguồn và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
Bên cạnh đó, WWF cũng hỗ trợ công tác tuyên truyền về phân loại rác, tái chế rác hữu cơ cho hộ gia đình; thí điểm mô hình phân loại thu gom và tái chế rác hữu cơ tại khu dân cư số 5; xây dựng và triển khai mô hình “Trường học không rác thải nhựa”; xây dựng dự thảo Quy đinh hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy sinh học tại các điểm tham quan di tích; triển khai chiến dịch truyền thông “Nói không với rác thải nhựa – Lưu lại dấu tay xanh” xuyên suốt năm 2024; tập huấn và vận động các cơ sở kinh doanh thực hành phân loại rác tại nguồn và giảm thiểu rác thải nhựa.
UBND huyện Côn Đảo cũng đã tham gia mạng lưới đô thị giảm nhựa của WWF trên toàn cầu. Các mục tiêu Côn Đảo cam kết gồm giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra ngoài môi trường năm 2025, hướng tới mục tiêu không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030, đồng thời ghi tên mình trở thành Đô thị thứ 9 tại Việt Nam tham gia vào chương trình Đô thị giảm nhựa của WWF trên toàn cầu.