Tác phẩm nghệ thuật ý niệm “Comedian – Diễn viên hài” của Maurizio Cattelan, vốn chỉ là một quả chuối được dán lên tường bằng băng keo, đã gây chấn động thế giới nghệ thuật khi được bán với giá 6,2 triệu USD tại Sotheby’s. Với tên gọi mang tính châm biếm, tác phẩm này không chỉ thu hút sự chú ý từ giới phê bình mà còn làm dấy lên những tranh cãi gay gắt về giá trị thực sự của nghệ thuật.
Từ chuối quầy trái cây đến đấu giá triệu USD
“Comedian” lần đầu tiên xuất hiện tại Art Basel Miami Beach, sau đó được bán với giá từ 120.000 đến 150.000 USD mỗi phiên bản. Tuy nhiên, tác phẩm nhanh chóng trở thành tâm điểm của sự hỗn loạn, khi đám đông chiêm ngưỡng tỏ ra quá khích, buộc phòng trưng bày phải gỡ bỏ. Thậm chí, nghệ sĩ trình diễn David Datuna còn gỡ quả chuối khỏi tường và ăn nó ngay tại triển lãm, khiến cho tác phẩm càng trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội.
Tại phiên đấu giá của Sotheby’s mới đây, “Comedian” được định giá ban đầu từ 1 triệu đến 1,5 triệu USD. Nhưng với sự tham gia của 7 nhà đấu giá, giá trị cuối cùng đã tăng vọt lên 5,2 triệu USD, và sau khi cộng thêm các khoản phí, tổng giá trị đạt 6,2 triệu USD. Điều đáng chú ý là quả chuối được dán lên tường trong buổi đấu giá thực chất chỉ được mua vào ngày hôm đó từ một quầy trái cây gần đó ở Manhattan với giá 35 cent, tương đương hơn 8 nghìn đồng.
Theo Michael Moses, chuyên gia tài chính, “Comedian” là một ví dụ điển hình cho những tác phẩm nghệ thuật ý niệm mang lại niềm vui nhưng đầy rủi ro từ góc độ đầu tư. Ông nhận định: “Người mua cần tập trung vào giá trị niềm vui mà tác phẩm mang lại, thay vì kỳ vọng vào giá trị tài sản. Đây không phải là khoản đầu tư có thể đảm bảo tăng trưởng giá trị lâu dài.”
Biểu tượng văn hóa đại chúng hay trò đùa?
Người thắng đấu giá, doanh nhân tiền điện tử Justin Sun, gọi tác phẩm “Comedian” là một hiện tượng văn hóa, kết nối nghệ thuật, meme và chính bản thân cộng đồng tiền điện tử. Justin Sun còn tuyên bố sẽ đích thân ăn quả chuối như một phần của trải nghiệm nghệ thuật, nhằm tôn vinh vị trí của tác phẩm trong lịch sử nghệ thuật và văn hóa đại chúng.
Maurizio Cattelan, người từng nổi tiếng với những tác phẩm gây sốc như Bồn cầu vàng tại Bảo tàng Guggenheim, cho biết “Comedian” được tạo ra để châm biếm sự đầu cơ trong thị trường nghệ thuật. Ông đặt câu hỏi: “Trên cơ sở nào mà một vật thể được định giá trong hệ thống nghệ thuật?” Cattelan cũng thừa nhận rằng các nghệ sĩ thường không hưởng lợi trực tiếp từ sự tăng giá của tác phẩm sau lần bán đầu tiên, trong khi các nhà đấu giá và nhà sưu tập là những người được hưởng lợi chính.
Tác phẩm này cũng thu hút sự quan tâm từ cộng đồng tiền điện tử. Một trong các giám đốc của Sotheby’s, ông Michael Bouhanna, đã phát hành một loại tiền điện tử lấy cảm hứng từ “Comedian”. Tuy nhiên, ông này cũng bị cáo buộc lợi dụng thông tin nội bộ để hưởng lợi từ đồng tiền này. Dù Bouhanna phủ nhận, nhưng có nhiều ý kiến nêu sự “mập mờ” trong mối quan hệ giữa nghệ thuật và tiền điện tử.
Phiên đấu giá “Comedian” là một phần trong phiên đấu giá nghệ thuật đương đại của Sotheby’s, gồm có 10 tác phẩm được bán với tổng giá trị 16,5 triệu USD, vượt xa dự đoán 12 triệu USD. So với năm 2022, khi phiên đấu giá tương tự thu về 72,9 triệu USD từ 23 tác phẩm, cho thấy “sức nóng” của thị trường nghệ thuật có sự suy giảm. Tuy nhiên, đại diện của Sotheby’s, Karina Sokolovsky, nhận định: “Sự quan tâm từ cộng đồng tiền điện tử và những người sưu tập truyền thống đã tạo nên sức hút đặc biệt cho các tác phẩm như “Comedian””.