Lo lắng nếu lương hưu không tăng trong năm 2025
Từ 1/7/2024, tiền lương hưu của bà Nguyễn Thị Lâm (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã tăng lên, tuy nhiên mức tiền lương của bà Lâm cũng mới chỉ được hơn 4,1 triệu đồng, chồng bà tiền lương hưu còn thấp hơn bà, chỉ 3,5 triệu đồng. Mặc dù ở nông thôn, chi tiêu cũng ít hơn ở thành phố lớn, nhưng tháng nào bà Lâm cũng tiêu “hết nhẵn” số tiền lương hưu, có tháng còn âm.
“Nhà có vườn nên tôi tranh thủ trồng thêm ít rau củ, nuôi thêm mấy con gà cải thiện bữa ăn, thế nhưng vẫn chỉ đủ đáp ứng mức sống tối thiểu, có tháng đi khám chữa bệnh còn không đủ”, bà Lâm nói.
Theo bà Lâm, mỗi tháng ông bà tiêu khoảng 3 triệu đồng cho tiền mua sắm lương thực ăn uống, khoảng 2 triệu đồng tiền đình đám, tiền điện nước khoảng 500.000 đồng, số còn lại để ốm đau, thuốc thang…
Không giống bà Lâm, ông Nguyễn Văn Hưng (75 tuổi, Hà Nội) dù nhận mức lương hưu trí tới hơn 7 triệu đồng, cộng với khoảng 3 triệu đồng tiền lương hưu thương bệnh binh nhưng số tiền hơn 10 triệu đồng của ông Hưng vẫn không đủ chi tiêu. Một phần do vợ ông không có lương, phần vì chi tiêu ở thành phố tốn kém hơn ở quê, phần khác nữa do ông bà bệnh tật nhiều, điều trị tốn kém.
Ông Hưng tâm sự: “Mỗi tháng tôi đưa vợ 4 triệu đồng tiêu mua thêm đồ ăn trong nhà, 2 triệu đồng chi tiền đám. Khoản tiền còn lại tích cóp để dành nhưng hầu như không dư vì tháng nào cũng đau ốm, đi thăm khám thuốc thang hết sạch”.
Ông Hưng cho biết, ông mắc nhiều bệnh, bệnh gút, bệnh thoái hóa đốt sống lưng, bệnh thận, bà vợ ông còn mắc K dạ dày giai đoạn đầu… Nhiều tháng đi bệnh viện liên tục thì phải nhờ tới sự hỗ trợ của con cái nếu không sẽ không đủ.
Ông Hưng cho rằng, tiền lương hưu của ông nghe thì có vẻ cao nhưng thực ra là không đủ chi tiêu cho cuộc sống. Ông mong nhà nước có chính sách tăng lương hưu trong năm 2025 hoặc kiểm soát tốt giá cả để người về hưu được ổn định cuộc sống.
Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị định 75/2024/NĐ-CP quy định, từ ngày 1/7/2025 điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6 năm 2024 đối với các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định này.
Với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định này, sau khi điều chỉnh vẫn có mức hưởng thấp hơn 3.500.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm như sau: Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 3.200.000 đồng/người/tháng; tăng lên bằng 3.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3.200.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.500.000 đồng/người/tháng.
Quốc hội quyết định không tăng lương hưu năm 2025 là hợp lý
Mới đây, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.
Theo đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết, quyết định chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025. Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định; cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương như quy định Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội.
Tuy nhiên, trước đó Quốc hội đã thông qua Luật BHXH 2024. Theo đó, căn cứ Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, quy định về việc điều chỉnh lương hưu từ 1/7/2025 như sau:
Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
Điều chỉnh mức tăng lương hưu thỏa đáng đối với đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 bảo đảm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.
Chính phủ quy định thời điểm, đối tượng, mức điều chỉnh lương hưu quy định tại Mục này.
Như vậy, từ ngày 1/7/2025, người lao động sẽ được điều chỉnh mức tăng lương hưu thỏa đáng bảo đảm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ nếu đáp ứng 2 đối tượng cụ thể là: Người có mức lương hưu thấp; Người Nghỉ hưu trước năm 1995.
Chiều 20/11, trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, 2 nội dung này không có gì mâu thuẫn. Luật quy định tăng lương hưu nhưng phải tăng trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
“Vì thế Quốc hội quyết định thông qua dự toán ngân sách Nhà nước không tăng lương khu vực công, tăng lương hưu, trợ cấp năm 2025 là hợp lý. Lý do là bởi Nhà nước vừa dành một khoản ngân sách rất lớn để tăng lương cho các đối tượng này trong năm 2024. Nếu năm 2025 tiếp tục tăng e ngân sách không gánh nổi”, ông Lợi nói.
Bình luận thêm về việc Luật BHXH năm 2024 có quy định chi tiết về việc tăng lương hưu, ông Lợi cho rằng Luật không quy định tăng lương định kỳ hàng năm, việc tăng lương được quyết định dựa trên tốc độ tăng của nền kinh tế và chỉ số trượt giá. Tiền lương của khu vực công chỉ được tăng dựa trên các yếu tố này.
Riêng tiền lương của khu vực tư, tức là tiền lương tối thiểu vùng có thể được xem xét tăng định kỳ hàng năm sau khi họp Hội đồng tiền lương quốc gia. Hội đồng này sẽ xem xét các chỉ số có liên quan để đánh giá xem có nên đề xuất tăng lương tối thiểu vùng hay không, tăng bao nhiêu %, sau đó trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.