che-do-an-cho-nguoi-benh-dau-that-nguc

Chế độ ăn cho người bệnh đau thắt ngực

Đau thắt ngực xảy ra khi lượng máu đến nuôi cơ tim bị giảm. Máu cung cấp oxy cho cơ tim hoạt động và khi cơ tim không được cung cấp đủ oxy, nó sẽ gây ra một tình trạng gọi là thiếu máu cơ tim. Cơn đau thắt ngực (thắt tim) tương đối phổ biến tuy nhiên rất khó phân biệt với các cơn đau ngực khác như đau ngực do tình trạng khó tiêu hoặc do bệnh dạ dày – tá tràng…

Theo ThS.BS Nguyễn Thu Huyền – Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện 19-8, nhiều bệnh nhân thường bỏ qua những cơn đau thắt ngực không thăm khám. Tuy nhiên đây có thể là dấu hiệu của bệnh động mạch vành – một bệnh lý tim mạch với nhiều biến chứng nguy hiểm.

Cũng theo BS. Nguyễn Thu Huyền, các dấu hiệu của bệnh động mạch vành hay gặp nhất là đau thắt ngực. Cơn đau thắt ngực điển hình là đau ở vùng giữa ngực, sau xương ức hoặc đau vùng trước tim (vùng ngực trái) đau có thể lan lên cổ, hàm, ra cánh tay trái, cảm giác như bó chặt, thắt nghẹt, đè ép.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh đau thắt ngực

Dinh dưỡng tốt rất quan trọng cho sức khỏe tim mạch. Thói quen ăn uống lành mạnh sẽ giúp người bệnh kiểm soát một số yếu tố nguy cơ:

Giảm cholesterol: Cholesterol cao là một trong những nguyên nhân chính gây xơ vữa động mạch, hẹp mạch vành và dẫn đến đau thắt ngực. Chế độ ăn hợp lý giúp giảm lượng cholesterol xấu (LDL) và tăng cholesterol tốt (HDL).

Kiểm soát huyết áp: Nhiều thực phẩm có tác dụng làm giảm huyết áp, một yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh tim mạch.

Chế độ ăn cho người bệnh đau thắt ngực- Ảnh 1.

Chế độ dinh dưỡng tốt rất quan trọng cho người bệnh đau thắt ngực để bảo vệ trái tim.

Giảm cân: Thừa cân và béo phì là những yếu tố làm tăng gánh nặng lên tim. Giảm cân thông qua chế độ ăn hợp lý giúp giảm áp lực lên tim.

Ổn định đường huyết: Đái tháo đường là một yếu tố nguy cơ cao của bệnh tim mạch. Kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn giúp giảm nguy cơ biến chứng tim mạch.

Cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết: Chế độ ăn cân bằng cung cấp đủ vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tim mạch.

2. Các dưỡng chất cần thiết cho người bệnh đau thắt ngực

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và cải thiện tình trạng bệnh đau thắt ngực. Bên cạnh việc hạn chế các loại thực phẩm có hại, việc bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cũng rất quan trọng. Dưới đây là một số dưỡng chất mà người bệnh đau thắt ngực nên quan tâm:

Chất xơ: Chất xơ có tác dụng giảm cholesterol, ổn định đường huyết, tăng cảm giác no.

Nguồn cung cấp: Rau xanh (cải xoăn, rau bina, cải thìa), trái cây (táo, lê, chuối), ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, yến mạch), đậu (đậu đen, đậu xanh).

Omega-3: Tác dụng của acid béo omega-3 giúp giảm viêm, giảm triglyceride, ngăn ngừa cục máu đông.

Nguồn cung cấp: Cá béo (cá hồi, cá thu, cá trích), hạt lanh, hạt chia.

Vitamin C: Vitamin C được chứng minh là có tác dụng chống oxy hóa, tăng cường hệ miễn dịch, giúp mạch máu khỏe mạnh, hỗ trợ chức năng tim mạch.

Nguồn cung cấp: Cam, quýt, ổi, bưởi, dâu tây, ớt chuông,…

Kali: Giúp kiểm soát huyết áp, bảo vệ tim.

Nguồn cung cấp: Chuối, khoai tây, rau bina, bơ.

Magie: có tác dụng làm giãn mạch máu, giảm huyết áp, ổn định nhịp tim.

Nguồn cung cấp: Hạt bí, hạnh nhân, rau lá xanh đậm, các loại đậu.

Vitamin E: Chống oxy hóa, bảo vệ tế bào, giảm nguy cơ xơ vữa động mạch.

Nguồn cung cấp: Hạt hướng dương, hạnh nhân, dầu ô liu.

B-complex: Giúp chuyển hóa năng lượng, hỗ trợ chức năng tim.

Nguồn cung cấp: Các loại hạt, thịt nạc, trứng, sữa.

3. Những nguyên tắc cơ bản trong chế độ ăn cho người bệnh đau thắt ngực

Chế độ ăn cho người bệnh đau thắt ngực- Ảnh 2.

Người bệnh đau thắt ngực cần kết hợp điều trị, dinh dưỡng với thay đổi lối sống để đạt hiệu quả tốt nhất.

Người bệnh đau thắt ngực nên ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế lượng chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, muối và đường. Ăn nhiều loại trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt; chọn protein nạc, chẳng hạn như thịt gà không da, thịt nạc, cá và đậu; các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo, chẳng hạn như sữa tách béo và sữa chua ít béo trong chế độ ăn uống.

  • Hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa: Các loại chất béo này làm tăng cholesterol xấu trong máu. Nên hạn chế các thực phẩm như thịt đỏ, đồ chiên rán, bánh ngọt, bơ…
  • Tăng cường chất xơ: Chất xơ giúp giảm cholesterol, ổn định đường huyết và tăng cảm giác no. Các nguồn chất xơ tốt bao gồm rau xanh (cải xoăn, rau bina, cải thìa…), trái cây (táo, dâu tây, cam, bưởi…), ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, yến mạch, bánh mì nguyên cám…), các loại đậu (đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ…), hạt (hạnh nhân, óc chó, hạt điều…).
  • Ăn nhiều cá: Cá hồi, cá thu, cá trích… giàu omega-3 có tác dụng giảm viêm, giảm triglyceride và giảm nguy cơ đông máu.
  • Hạn chế muối: Muối làm tăng huyết áp. Nên hạn chế sử dụng muối và các thực phẩm chế biến sẵn.
  • Uống đủ nước: Nước giúp duy trì huyết áp ổn định và hỗ trợ chức năng tim.
  • Hạn chế thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, đồ ngọt
  • Ăn ít thực phẩm có chứa phô mai, kem hoặc trứng.

Mỗi người bệnh sẽ có một chế độ ăn cụ thể tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và các bệnh lý kèm theo. Do đó người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng một chế độ ăn phù hợp.

Lưu ý rằng chế độ ăn chỉ là một phần trong quá trình điều trị đau thắt ngực. Người bệnh cần kết hợp với việc dùng thuốc, tập luyện và thay đổi lối sống để đạt hiệu quả tốt nhất. Nếu bệnh nhân bị tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc mỡ máu cao , bác sĩ thường khuyên bạn nên kiểm soát huyết áp thường xuyên nhất ở mức dưới 130/80. Duy trì HbA1c và lượng đường trong máu ở mức khuyến nghị. Thay đổi lối sống để giữ cho tim khỏe mạnh là một phần quan trọng trong điều trị đau thắt ngực. Hãy bỏ thuốc lá, duy trì vận động, quản lý cân nặng, giảm căng thẳng và kiểm soát uống rượu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *