Khi bàn về hôn nhân đổ vỡ, nhiều người thường nghĩ ngay đến những rạn nứt do sự khác biệt trong quan điểm sống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có 3 yếu tố khác có thể gây hại nghiêm trọng hơn cho mối quan hệ này. Chúng giống như những tảng đá ngầm, luôn rình rập và có thể khiến con thuyền hôn nhân gặp bão bất cứ lúc nào.
1. Chỉ trích lẫn nhau
Trong một mối quan hệ hôn nhân, việc chỉ trích lẫn nhau có thể giống như một cơn bão không ngừng, liên tục tấn công vào nền tảng của tình yêu.
Vợ chồng anh Thành và chị Liên là một ví dụ điển hình. Sau khi gặp khó khăn trong công việc, tâm trạng của anh Thành trở nên u ám. Khi trở về nhà, anh không làm một số việc nhà và chị Liên ngay lập tức chỉ trích: “Sao anh lại không làm nổi những việc đơn giản như vậy?”.
Những lời chỉ trích này khiến anh Thành càng thêm khó chịu, và anh cãi lại vợ: “Chỉ biết chỉ trích tôi, còn cô đã làm được gì?” Họ giống như hai con nhím, lẽ ra nên xích lại gần nhau để tìm hơi ấm trong những ngày lạnh giá, nhưng lại vì những chiếc gai của mình mà làm tổn thương nhau.
Ngôi nhà của họ, lẽ ra là một nơi ấm áp, giờ đây trở thành một chiến trường đầy khói lửa. Hành động chỉ trích không chỉ không giải quyết được vấn đề, mà còn làm tình cảm giữa họ ngày càng rạn nứt.
Mỗi lần chỉ trích như một vết cắt vào trái tim đối phương, vết thương có thể lành lại theo thời gian, nhưng những vết sẹo thì khó có thể xóa nhòa. Nếu tình trạng này kéo dài, tình yêu giữa họ sẽ dần bị bào mòn, và mối quan hệ sẽ trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
2. Bỏ qua nhu cầu của nửa kia
Trong mối quan hệ vợ chồng, nhu cầu của cả hai bên cần được chú ý và thỏa mãn để duy trì sự cân bằng. Nếu một bên liên tục bỏ qua nhu cầu của bên kia, mối quan hệ sẽ trở nên mất cân đối. Trường hợp của anh Mạnh và cị Linh là một ví dụ điển hình.
Chị Linh là người rất coi trọng sự giao tiếp và lãng mạn. Chị mong muốn có những khoảnh khắc ấm áp bên chồng, như cùng nhau xem phim hay chỉ đơn giản là ngồi lại trò chuyện về những cảm xúc trong ngày.
Ngược lại, anh Mạnh lại là một người say mê công việc. Anh dành phần lớn thời gian và năng lượng cho sự nghiệp, với suy nghĩ rằng nỗ lực làm việc và kiếm tiền là cách tốt nhất để đóng góp cho gia đình.
Tuy nhiên, anh đã bỏ qua nhu cầu tình cảm của vợ. Vì vậy, anh giống như một người làm vườn chỉ biết tưới nước và bón phân mà không quan tâm đến ánh sáng mặt trời và sự chăm sóc mà hoa cần. Chị Linh ngày càng cảm thấy cô đơn, như thể mình chỉ là một món đồ trang trí không cần thiết trong cuộc sống của chồng.
Sự thiếu quan tâm đến nhu cầu của nhau đã khiến khoảng cách giữa hai vợ chồng ngày càng xa, làm cho hai trái tim từng gắn bó trở nên xa lạ. Hôn nhân của họ dần mất đi sức sống và sự ấm áp vốn có.
3. Thiếu mục tiêu phát triển chung
Trong một mối quan hệ hôn nhân, sự phát triển chung giữa hai vợ chồng là rất quan trọng.
Nếu một bên tiến bộ vượt bậc trong khi bên còn lại vẫn dậm chân tại chỗ, khoảng cách giữa họ sẽ ngày càng lớn. Trường hợp của anh Trường và chị Nga là một ví dụ điển hình cho vấn đề này.
Anh Trường là người năng động, luôn tìm kiếm kiến thức và kỹ năng mới, không ngừng phát triển sự nghiệp. Ngược lại, chị Nga lại hài lòng với cuộc sống hiện tại, dành phần lớn thời gian cho những công việc gia đình và các hoạt động giải trí đơn giản.
Theo thời gian, anh Trường nhận thấy rằng cuộc trò chuyện giữa hai vợ chồng ngày càng ít ỏi. Họ như hai đường thẳng song song, khó có điểm giao nhau.
Anh chia sẻ: “Tôi cảm thấy chúng tôi như hai cây mọc trong những môi trường khác nhau. Tôi đang cố gắng vươn tới ánh sáng, trong khi cô ấy vẫn đứng yên”.
Tình trạng thiếu sự phát triển chung này đã tạo ra một khoảng cách lớn về mặt tinh thần giữa họ. Mối quan hệ của họ không còn gần gũi như trước, mà trở nên xa cách và ngượng ngùng.
Trong bối cảnh này, việc tìm lại sự đồng điệu và ăn ý trở nên khó khăn, và sự ổn định của hôn nhân cũng bị đe dọa nghiêm trọng.
Những vấn đề trong hôn nhân mà nhiều người đã trải qua cho thấy, việc chỉ trích lẫn nhau, bỏ qua nhu cầu của đối phương và thiếu sự phát triển chung là những yếu tố gây hại lớn cho mối quan hệ vợ chồng. Chúng giống như những con sâu, âm thầm ăn mòn nền tảng của hôn nhân, và tác hại của chúng thường khó nhận biết hơn so với sự khác biệt trong quan điểm sống.