Về miền Soóng Cọ mùa đẹp nhất trong năm
Trần Hoàn – Bùi My Thứ tư, ngày 30/10/2024 19:29 PM (GMT+7)
Cuối tháng 10, đầu tháng 11, khi những thửa ruộng bậc thang ở xã Đại Dực (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) bắt đầu khoe sắc vàng óng cũng là thời điểm lễ hội “Mùa vàng miền Soóng Cọ” của đồng bào Sán Chỉ nơi đây được tổ chức.
Nói đến Tiên Yên – mảnh đất ngã ba vùng Đông Bắc của Quảng Ninh không thể không nhắc tới những thửa ruộng bậc thang, nhất là vào mùa lúa chín, khi những thửa ruộng này được khoác lên mình một chiếc áo vàng óng. Màu vàng của lúa chín, màu trắng của mây, màu xanh của cây rừng, tất cả hòa quyện lại tạo nên một bức tranh “Mùa vàng” sinh động. Ảnh: Trần Hoàn
Đã thành thông lệ hằng năm, cuối tháng 10, đầu tháng 11, khi những thửa ruộng bậc thang bắt đầu khoe sắc vàng óng trên các triền núi xã Đại Dực (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) cũng là thời điểm lễ hội “Mùa vàng miền Soóng Cọ” của đồng bào Sán Chỉ nơi đây được tổ chức. Ảnh: Trần Hoàn
Lễ hội “Mùa vàng miền Soóng Cọ” đã trở thành hoạt động thường niên, nhằm bảo tồn và phát huy, giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa của đồng bào Sán Chỉ trên địa bàn huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Trần Hoàn
Lễ hội “Mùa vàng miền Soóng Cọ” năm nay phục dựng lại nhiều nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào Sán Chỉ như: Tái hiện nghi lễ Cầu mùa của người Sán Chỉ; thi giã gạo nhanh và nấu cơm niêu gạo bao thai; thi trưng bày mâm cỗ dân tộc Sán Chỉ, trải nghiệm ẩm thực… Ảnh: Trần Hoàn
Đây là lần đầu tiên tại lễ hội “Mùa vàng miền Soóng Cọ” tổ chức thi nấu cơm niêu gạo bao thai. Gạo bao thai này được chính đồng bào Sán Chỉ trồng trên thửa ruộng bậc thang của địa phương. Ảnh: Trần Hoàn
Trong lễ hội “Mùa vàng miền Soóng Cọ” không thể thiếu việc tái hiện nghi lễ Cầu mùa. Đây là một trong những nét tín ngưỡng, tập quán độc đáo của đồng bào Sán Chỉ, như một lời tạ ơn trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, muôn loài sinh sôi nảy nở, ngô lúa được mùa, bản làng thanh bình, nhà nhà no ấm… Ảnh: Trần Hoàn
Đồng bào Sán Chỉ hát giao lưu Soóng Cọ bên những thửa ruộng bậc thang ở Đại Dực. Soóng Cọ là một loại hình dân ca đã được thực hành và gìn giữ suốt nhiều thế hệ, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Sán Chỉ. Đặc biệt, ngày 10/11/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3421/QÐ-BVHTTDL công nhận Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ thuộc các huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Tiên Yên và TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Trần Hoàn
Bên cạnh việc tái hiện các nghi lễ truyền thống, trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động thể thao, giao lưu văn hóa, văn nghệ như kéo co, đẩy gậy… Ảnh: Trần Hoàn
Đẩy gậy là một môn thể thao truyền thống không thể thiếu trong mỗi dịp lễ hội của người Sán Chỉ ở Tiên Yên. Ảnh: Trần Hoàn
Thi bắn nỏ cũng là một môn thể thao truyền thống của người Sán Chỉ ở Đại Dực trong mỗi dịp lễ hội. Ảnh: Trần Hoàn
Lễ hội “Mùa vàng miền Soóng Cọ” năm 2024 còn diễn ra giao lưu bóng đá nữ dân tộc Sán Chỉ giữa xã Đại Dực, huyện Tiên Yên với xã Húc Động, huyện Bình Liêu. Những năm gần đây, hình ảnh các cô gái Sán Chỉ mặc váy đá bóng được biết đến rộng rãi không chỉ trong nước mà đã vươn ra quốc tế. Đây là một sản phẩm du lịch độc đáo của huyện Bình Liêu và một số địa phương miền Đông của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Trần Hoàn
Vào dịp lễ hội, không chỉ những cô gái, chàng trai xúng xính đi trẩy hội mà các bà, các mẹ người Sán Chỉ cũng diện trang phục truyền thống để trẩy hội. Trang phục của người Sán Chỉ tuy đơn giản và không rực rỡ, nhưng vẫn có những nét độc đáo riêng. Ảnh: Trần Hoàn
Mang trong mình tiềm năng về cảnh quan và những giá trị văn hóa đặc sắc riêng có, Đại Dực đang bước đầu phát triển du lịch cộng đồng và dần trở thành điểm đến ấn tượng trong lòng du khách. Vừa qua, xã miền núi Đại Dực đã thí điểm xây dựng mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên tại khu Nà Mó, thôn Khe Lục. Căn nhà gạch đất được phục dựng làm homestay để đón khách du lịch vẫn giữ nguyên những nét truyền thống của nhà sàn Sán Chỉ, sàn gỗ, xung quanh đắp gạch đất, mái lợp ngói âm dương. Ảnh: Trần Hoàn
Lễ hội “Mùa vàng miền Soóng Cọ” không chỉ tạo không khí vui tươi, phấn khởi, mà còn tạo động lực cho người dân nâng cao ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch. Đây cũng là hoạt động thiết thực nhằm khôi phục và đẩy mạnh phát triển du lịch sau cơn bão số 3, thu hút khách du lịch trên địa bàn huyện vào mùa Thu – Đông năm 2024. Theo thống kê từ huyện Tiên Yên, trong tháng 10, huyện miền núi này ước đón 9.263 lượt du khách. Lũy kế trong 10 tháng năm 2024, huyện Tiên Yên ước đón khoảng 116.632 lượt du khách. Ảnh: Trần Hoàn
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem
Post Views: 2