lao-dong-dan-toc-thieu-so-quan-tam-nhieu-nhat-toi-chinh-sach-bhxh

Lao động dân tộc thiểu số quan tâm nhiều nhất tới chính sách BHXH

Lao động nữ dân tộc quan tâm nhiều tới chế độ thai sản trong BHXH 

Chị Trần Tường Vi, 39 tuổi, làm nông nghiệp sống tại thôn Ninh, xã Khánh Thượng (Ba Vì, Hà Nội), rất quan tâm tới các chính sách về BHXH. Tham gia chương trình chị Vi có đặt câu hỏi: “Tôi hiện có bầu được 2 tháng, và đã bắt đầu tham gia BHXH tự nguyện được 5 tháng. Xin hỏi sắp tới nếu sinh con tôi có được hưởng chế độ thai sản không?”.

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Ngọc Lan – Thuộc đoàn Luật sư Hà Nội có chia sẻ: Luật BHXH năm 2024 vừa được thông qua, có hiệu lực từ năm 1/7/2025 quy định rất rõ về việc lao động nữ tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ thai sản. Theo đó, lao động nữ được hưởng tiền thai sản trị giá 2 triệu đồng.

Lao động dân tộc thiểu số quan tâm nhiều nhất tới chính sách BHXH- Ảnh 1.

Luật sư Nguyễn Ngọc Anh tư vấn pháp luật về BHXH cho lao động dân tộc thiểu số tại xã Khánh Thượng. Sáng qua (25/10), Báo Kinh tế & Đô thị, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam; Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam đã phối hợp cùng UBND huyện Ba Vì, UBND xã Khánh Thượng tổ chức Chương trình tư vấn chính sách, pháp luật về an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Nguyễn Duy

Cụ thể, theo Điều 99 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi mới nhất vừa được Quốc hội thông qua thì người tham gia BHXH được hưởng chế độ thai sản 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra hoặc mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên không may chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.

Đối với lao động nữ người dân tộc thiểu số hoặc lao động nữ người Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn khi sinh con thì ngoài mức hưởng nêu trên, vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ khi sinh con theo quy định của Chính phủ (mức hỗ trợ là 2 triệu đồng/người/con).

Điều kiện để hưởng chế độ thai sản là lao động phải có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Không chỉ lao động nữ, ngay cả lao động nam có vợ sinh con cũng được hưởng chế độ thai sản.

Trong trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con.

Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản chỉ cha hoặc mẹ được hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con.

Luật cũng quy định cụ thể các trường hợp lao động đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản nhưng có giao cắt giữa hưởng chế độ ở BHXH bắt buộc hoặc hưởng BHXH tự nguyện.

Ngoài các vấn đề chính sách được nhận khi tham gia BHXH, nhiều lao động nữ quan tâm, tìm hiểu tới việc có nên tham gia BHXH tự nguyện khi tuổi đã cao.

Lao động dân tộc thiểu số quan tâm nhiều nhất tới chính sách BHXH- Ảnh 2.

Rất nhiều lao động quan tâm tới chính sách pháp luật liên quan tới BHXH; việc làm, vay vốn… Ảnh: Nguyễn Duy

Lao động Triệu Thị Nhung (50 tuổi) ở xã Khánh Thượng băn khoăn về việc mình có nên tham gia BHXH tự nguyện không khi tuổi đã nhiều, số năm đóng BHXH lên tới 15 năm, không biết sức khỏe có thể kéo dài đợi tới lúc hưởng không?

Về thắc mắc này của lao động, Luật sư Ngọc Anh khẳng định: “Tham gia BHXH không bao giờ là muộn. Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực năm 2025 có nhiều điểm tiến bộ, có lợi cho người lao động. Cụ thể, lao động chỉ cần đóng đủ 15 năm là được nhận lương hưu. Ngoài lương hưu, lao động còn được mua BHYT tế miễn phí, được hưởng chế độ thai sản; tử tuất…”.

Ngoài ra, nếu băn khoăn về thời gian đóng và muốn hưởng lương hưu sớm hơn, lao động cũng có thể xin đóng lùi (tuy nhiên thời gian đóng lùi thế nào, đóng bao lâu thì cần được tư vấn cụ thể của cán bộ BHXH) hoặc đóng trước để được nhận lương hưu sớm.

Giúp lao động dân tộc hiểu pháp luật, đảm bảo chính sách an sinh

Tham gia, phát biểu tại buổi tư vấn chính sách pháp luật về An sinh – Xã hội, ông Tạ Việt Anh – Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) cho rằng chương trình tư vấn miễn phí này sẽ giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao hiểu biết về quyền và lợi ích hợp pháp về những vấn đề liên quan đến bảo đảm an sinh xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là nhóm yếu thế.

Thông qua việc tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tới đồng bào dân tộc thiểu số, Ban Tổ chức mong muốn góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, cũng như nâng cao hiểu biết về quyền của đồng bào, để bà con thực thi hiệu quả chính sách dân tộc, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Lao động dân tộc thiểu số quan tâm nhiều nhất tới chính sách BHXH- Ảnh 3.

Ông Tạ Việt Anh mong muốn buổi tư vấn sẽ góp phần nâng cao hiểu biết chính sách pháp luật, nhất là chính sách an sinh cho lao động dân tộc thiểu số. Ảnh: Nguyễn Duy

Trong khuôn khổ chương trình, hơn 200 người dân tộc thiểu số đại diện cho hơn 5.000 đồng bào dân tộc thiểu số của xã Khánh Thượng đã được truyền thông, giải đáp các thắc mắc về chính sách liên quan đến chế độ lương hưu, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện, chế độ thai sản, trợ cấp mai táng, việc rút bảo hiểm xã hội một lần, trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng, chế độ với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội…

Ông Đào Văn Tuyên – Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng đánh giá cao sự hỗ trợ của các đối tác nhằm thúc đẩy chương trình tư vấn chính sách pháp luật nói chung và các chính sách về an sinh – xã hội nói chung cho lao động trên địa bàn xã: “Chúng tôi hy vọng, sau đợt truyền thông nâng cao nhận thức, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn xã sẽ được nâng lên trong thời gian tới. Qua đó, góp phần gia tăng số người được thụ hưởng, góp phần thực hiện tốt hơn các chế độ của bảo hiểm xã hội”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *