Tin từ Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, khoa Sơ sinh của bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị thành công cho một trường hợp trẻ sơ sinh có triệu chứng tiêu chảy cấp, mất nước nặng.
Trẻ mới 11 ngày tuổi, bú bình và ăn sữa công thức hoàn toàn. Trước khi vào viện 2 ngày, trẻ có biểu hiện đi ngoài phân lỏng tràn bỉm khoảng 20 lần/ngày nhưng gia đình chưa đưa trẻ đi khám ngay.
Đến khi thấy con có triệu chứng kích thích, quấy khóc liên tục, bỏ bú, nôn… gia đình mới đưa con đưa đến Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí.
Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy, trẻ tím toàn thân, mắt trũng, môi khô, nếp véo da mất rất chậm, chồng khớp sọ, đi ngoài phân bạc màu, nhiều nước, rối loạn nhịp thở… Trẻ được chẩn đoán tiêu chảy cấp , mất nước nặng.
Trẻ nhanh chóng được thở máy, dùng thuốc kháng sinh, bù dịch bằng đường tĩnh mạch số lượng lớn, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm.
Sau 3 ngày, trẻ được cai thở máy. Sau 10 ngày điều trị, sức khoẻ trẻ ổn định hơn và đã được xuất viện.
Về ca bệnh tiêu chảy cấp nhưng chậm đưa đến bệnh viện như trên, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí cho biết, đây là một trường hợp mất nước nặng nhất mà khoa Sơ sinh từng tiếp nhận.
Với trường hợp này, nếu trẻ không được cấp cứu kịp thời, tình trạng mất nước nặng có thể gây sốc mất nước, rối loạn điện giải, suy thận cấp, nguy hiểm hơn sẽ khiến trẻ bị suy hô hấp, trụy mạch, co giật, hôn mê đe doạ tính mạng…
Bác sĩ bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí khuyến cáo, nếu mẹ đủ sữa hãy nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Các bà mẹ cần lưu ý đến chế độ ăn của mình và cho con bú trực tiếp để hạn chế nhiễm khuẩn đường ruột. Nếu cho trẻ bú bình, phải vệ sinh bình bú đúng cách; người nhà chăm sóc phải đảm bảo vệ sinh, sát khuẩn tay đầy đủ.
Cần lưu ý, những người ốm, người có dấu hiệu ho, sốt, mệt mỏi không nên tiếp xúc gần hay thăm trẻ bởi đây rất có thể là đường lây truyền các vi khuẩn, virus đường ruột cho trẻ.
Ngoài ra, nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường như: tiêu chảy nhiều lần trong ngày (từ 3 lần trở lên), đi ngoài phân nước, phân có nhày, bọt, màu xanh, phân bạc màu, trẻ quấy khóc, ăn kém, nôn… cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa sơ sinh khám sớm để phòng tránh những biến chứng không mong muốn do tiêu chảy gây ra như sốc, truỵ mạch, suy hô hấp, thậm chí có thể tử vong.