THAY ĐỔI TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG GIỮA NGA VÀ TRUNG QUỐC TRONG SUỐT QUÁ TRÌNH LỊCH SỬ – TIỀM LỰC QUỐC GIA BÊN NÀO MẠNH HƠN? (Part 7)
Để theo dõi các bài trước của mình, mời các bạn bấm vào dòng chữ ‘chuyên gia kể chuyện qua hình ảnh’
Tổng thống Nga Vladimir Putin đến nay đã có 20 năm cầm quyền lãnh đạo nước Nga
Năm 2000, GDP Trung Quốc là 1.211 tỷ USD, gấp 6 lần so với Liên bang Nga là 259 tỷ USD. Mười tám năm sau, năm 2018 con số này đã tăng lên gấp 7.3 lần. Điều gì đã ngăn cản nước Nga không thể thành công hơn Trung Quốc trong cuộc đua phát triển kinh tế?
SAI LẦM ĐẦU TIÊN: CHỦ TRƯƠNG TỰ CUNG TỰ CẤP
LƯU Ý
Sau khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga KHÔNG HỀ BỊ CẤM VẬN KINH TẾ
Sau khi Putin thôn tính Crimea năm 2014, chỉ có NHỮNG CÁ NHÂN VÀ CTY THAM GIA VỤ SÁP NHẬP mới bị CẤM VẬN, còn lại vẫn kinh doanh buôn bán BÌNH THƯỜNG
Ngay từ khi lên nắm quyền, tổng thống Putin đã rất quan tâm tới việc khôi phục và phát triển ngành sản xuất ở nước Nga. Mục tiêu của ông là nước Nga phải tự sản xuất được tất cả mọi loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong xã hội, tránh phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ nước ngoài đang chiếm thị phần của những hàng hóa chất lượng kém do các cơ sở lạc hậu của Nga sản xuất.
Ý tưởng này hoàn toàn đúng đắn, nếu như đây là thế giới của những năm 50, 60 trở về trước…Vậy vì sao bây giờ nó lại sai lầm?
Khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt, các thiết bị cũng ngày một tinh vi, phức tạp và hiện đại hơn dẫn đến việc không có bất kỳ một quốc gia nào có thể tự chủ sản xuất ra tất cả mọi chi tiết, linh kiện của sản phẩm mà phải phân công lao động theo hướng sản xuất một số công đoạn nhất định rồi chuyển sang gia công ở nước khác để tối ưu chi phí và lợi nhuận. Thí dụ cho dễ hiểu là sản xuất một chiếc điện thoại quay số của những năm 40 – 50 chỉ cần khoảng vài chục bộ phận linh kiện khá đơn giản và một quốc gia, thậm chí là một cty hoàn toàn có thể tự sản xuất tất cả các linh kiện này mà không lệ thuộc nguồn cung bên ngoài. Ngược lại một chiếc smartphone của thời hiện đại sử dụng vài trăm linh kiện rời với độ chi tiết và phức tạp cao hơn nhiều và không có bất kỳ một quốc gia nào đủ khả năng để làm 100% tất cả mọi công đoạn sản xuất chiếc smartphone bé nhỏ nằm gọn trong lòng bàn tay đó.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu như chúng ta quyết tâm sản xuất tất cả mọi thứ trong nước? Chiếc điện thoại iPhone được thiết kế tại California (Hoa Kỳ), có màn hình của Samsung (Hàn Quốc), cụm camera của Sony (Nhật Bản), chip do TSMC (Đài Loan) gia công và được lắp ráp bởi bàn tay của những công nhân ở thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc. Để khép kín hoàn toàn chuỗi cung ứng và gia công này đòi hỏi phải xây dựng một số lượng rất lớn các nhà máy, lên tới hàng trăm cái và điều đó khiến chi phí đầu tư là một con số khổng lồ. Ngay cả khi chấp nhận mức chi phí khổng lồ phải trả thì sản phẩm làm ra sẽ phải bán với giá bao nhiêu mới có lợi nhuận? Giá cao quá thì có cạnh tranh nổi với những hãng giá rẻ nhờ tối ưu hóa chi phí bằng cách đi mua linh kiện rời về gia công sản xuất không? Giá cao quá đồng nghĩa không bán được hàng và thế là doanh nghiệp sụp đổ, tất cả tiền bạc công sức trôi xuống sông.
Tập đoàn Vingroup khi đầu tư xây dựng hãng xe hơi VinFast đã dự kiến đổ vào đó hơn 4 tỷ USD. Để rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí, VinFast đã đặt mua máy móc, thiết bị từ Đức và nhiều nước khác, một số lượng lớn thành phần thiết bị trên xe của họ cũng là đi mua từ các hãng sản xuất nước ngoài. Nếu như VinFast quyết tâm tự sản xuất hết tất cả mọi bộ phận trên chiếc xe thì chi phí đầu tư sẽ lên tới bao nhiêu cho đủ? Giá xe bán ra sẽ cao tới mức nào để có được lợi nhuận? Đó là điều không tưởng.
Như vậy ý tưởng của Putin không sai nhưng nó đã lỗi thời.
Mặc dù nỗ lực tự chủ sản xuất nhưng trên thực tế Nga vẫn phải lệ thuộc máy móc và công nghệ của nước ngoài.
Năm 2015 Phó Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nga Sergei Tsyb cho biết lĩnh vực công cụ máy móc công nghiệp đang nhập khẩu lên tới 90%, kỹ thuật máy hạng nặng đang nhập khẩu khoảng từ 60-80% và ngành công nghiệp điện tử nhập khẩu từ 80-90%.
Khác với nước Nga, Trung Quốc không cố gắng tự cung tự cấp, tự sản xuất hết tất cả mà nó cố gắng thu hút đầu tư nước ngoài để liên doanh sản xuất ngay trên đất Trung Quốc rồi bắt các doanh nghiệp này phải chuyển giao công nghệ. Như vậy nó giải quyết được ba vấn đề 1/ Tạo công ăn việc làm 2/ Đỡ tốn tiền đầu tư nhà máy sản xuất 3/ Hấp thụ công nghệ cao của nước ngoài thông qua liên doanh, từ đó phát triển kỹ thuật sản xuất trong nước. Thí dụ tiêu biểu cho thành công của chính sách này có thể kể đến Haier. Xuất phát ban đầu của Haier là một nhà máy sản xuất tủ lạnh quốc doanh với công nghệ lạc hậu ở Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông trong những năm 80. Khi Trung Quốc mở cửa, công ty tủ lạnh Liebherr của Đức đã ký kết hợp đồng liên doanh với cty Tủ lạnh Thanh Đảo. Sản phẩm liên doanh được sản xuất dưới tên Qindao – Liebherr và cái tên Haier sau này là cách phiên âm tiếng Trung của Liebherr. Với các quy trình quản lý và kiểm soát chất lượng mới, đến năm 1986, tủ lạnh Thanh Đảo đã có lợi nhuận và tăng doanh số trung bình 83% mỗi năm. Đến năm 2000 Haier thậm chí đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ngay tại thành phố Camden, bang Nam Carolina của Mỹ, cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu nổi tiếng của Mỹ như GE, Whirlpool…Năm 2009, Haier đã vượt qua Whirlpool để trở thành nhà sản xuất tủ lạnh lớn thứ tư về doanh số với thị phần toàn cầu là 6,3%. Tháng 6 năm 2016, Tập đoàn Haier đã mua lại mảng thiết bị gia dụng của GE với giá 5.4 tỷ USD. Tại Việt Nam, năm 2012 tập đoàn Haier mua lại công ty Sanyo Electric. Năm 2014, công ty Sanyo được Haier đổi tên thành công ty AQUA Việt Nam. Do đó tất cả các sản phẩm mang thương hiệu AQUA trên thị trường Việt Nam hiện nay chính là của tập đoàn Haier Trung Quốc.
Năm 2019, Haier đã xếp hạng 448 trong danh sách Global 500 của Fortune với doanh thu 27,7 tỷ USD.
Vậy chính sách kinh tế của Nga hay Trung Quốc tốt hơn? Người Nga có thể tự hào chính sách của họ giúp bảo đảm tự chủ của đất nước còn Trung Quốc phải lệ thuộc vào nước ngoài, tuy nhiên nhìn theo một chiều hướng khác thì nước Nga đang dần tự cô lập mình khỏi dòng chảy kinh tế thế giới, trở thành một quốc gia nằm ngoài lề của quá trình phân công lao động và sản xuất toàn cầu.
Trong lãnh vực quân sự, người Nga cười nhạo nước Mỹ vì xe tăng M1 Abrams phải sử dụng nòng pháo L/44 M256A1 của Rheinmetal (Đức) và vỏ giáp Chobham của Anh, coi đó như một sự yếu kém của nền công nghiệp quốc phòng Mỹ. Tuy nhiên vấn đề là như thế người Mỹ sẽ tối ưu được chi phí nghiên cứu cũng như sản xuất để họ vừa có được công nghệ vừa để dành nguồn lực cho những dự án khác. Ở chiều ngược lại, nước Anh không cần phải tự nghiên cứu ra trực thăng chiến đấu nào tương tự AH-64 Apache mà có thể mua lại của người Mỹ còn người Đức thì vừa có tiền bán pháo vừa có thể mua được pháo phản lực phóng loạt M270.
Nước Nga anh hùng vừa nghèo hơn Mỹ và phương Tây lại còn phải đổ thêm nhiều tiền để tự nghiên cứu tất cả mọi sản phẩm quốc phòng trong cảnh cô đơn, khiến nền kinh tế của Nga thêm áp lực.
(còn tiếp)