ghep-te-bao-goc-tu-than-co-the-dieu-tri-nhung-benh-hiem-ngheo-nao?

Ghép tế bào gốc tự thân có thể điều trị những bệnh hiểm nghèo nào?

Bác sĩ Phan Thị Phượng – Trưởng Đơn nguyên Huyết học 3, Trung tâm Huyết học, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ghép tế bào gốc tự thân (Autologous Stem Cell Transplantation) là một kỹ thuật trong đó nguồn tế bào gốc được thu thập từ chính cơ thể bệnh nhân, sau đó được xử lý, lưu trữ và truyền lại vào cơ thể sau khi người bệnh đạt được tình trạng bệnh ổn định và được điều trị hóa chất diệt tủy.

Theo bác sĩ Phượng, ghép tế bào gốc tự thân có 3 ưu điểm chính sau: Giảm nguy cơ phản ứng cấy ghép do tế bào gốc được lấy từ chính cơ thể bệnh nhân; Không cần người hiến tặng nên tiết kiệm thời gian và công sức trong việc tìm kiếm người hiến phù hợp. Đồng thời, bệnh nhân cũng hồi phục nhanh hơn so với việc ghép tế bào gốc từ người cho khác.

Ghép tế bào gốc tự thân có thể điều trị những bệnh hiểm nghèo nào?  - Ảnh 1.

Bác sĩ Phan Thị Phượng thực hiện kỹ thuật gạn tách tế bào gốc cho bệnh nhân trước ghép. Ảnh BVCC

Tuy nhiên, bác sĩ Phượng cũng cho biết, bên cạnh những ưu điểm trên, kỹ thuật này cũng có một số hạn chế. Đó là chỉ áp dụng được cho một số nhóm bệnh, sau ghép vẫn có nguy cơ tái phát bệnh. Một số bệnh nhân phải trải qua nhiều đợt hoá trị, các tế bào gốc của bệnh nhân bị tổn thương dẫn đến khó thu thập tế bào gốc.

Ghép tế bào gốc tự thân điều trị bệnh nào? 

Bác sĩ Phượng cho biết, các bệnh nhân phù hợp để điều trị bằng ghép tế bào gốc tự thân bao gồm: Bệnh nhân mắc một số nhóm bệnh ung thư huyết học ác tính như Đa u tủy xương, U lympho Hodgkin và không Hodgkin; một số bệnh lý tự miễn như viêm tuỷ thị thần kinh, Lupus ban đỏ hệ thống, đa xơ cứng…

Những nhóm bệnh nhân không phù hợp bao gồm: Bệnh nhân có bệnh lý nghiêm trọng như suy tim, suy thận hoặc nhiễm trùng không kiểm soát; Những bệnh nhân không đủ sức khỏe để chịu đựng quy trình điều trị; Bệnh nhân có nguy cơ cao tái phát bệnh từ chính tế bào gốc của họ.

Quy trình kỹ thuật của ghép tế bào gốc tự thân? 

Bác sĩ Phượng cho biết, trước khi ghép, người bệnh sẽ được kiểm tra sức khỏe tổng quát và xét nghiệm để đánh giá khả năng thu thập tế bào gốc. Bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị. Lúc này, bệnh nhân có thể thảo luận chi tiết với bác sĩ về quy trình và các bước chuẩn bị. Bên cạnh đó, người bệnh cần chuẩn bị tinh thần và thể chất: Tuân thủ chế độ ăn uống và hướng dẫn của bác sĩ.

Quy trình kỹ thuật của ghép tế bào gốc tự thân gồm 5 bước sau:

Bước 1: Thu thập tế bào gốc – Tế bào gốc được lấy từ máu ngoại vi hoặc tủy xương của bệnh nhân.

Bước 2: Xử lý và lưu trữ – Tế bào gốc được xử lý và lưu trữ ở nhiệt độ âm sâu cho đến khi sử dụng.

Bước 3: Chuẩn bị cho ghép – Bệnh nhân trải qua phác đồ điều kiện hóa trước ghép.

Bước 4: Ghép – Tế bào gốc được truyền lại vào cơ thể người bệnh qua đường tĩnh mạch.

Bước 5: Theo dõi và phục hồi – Bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ để phát hiện sớm biến chứng và hỗ trợ phục hồi.

“Giai đoạn ngay sau ghép người bệnh cần chế độ theo dõi và chăm sóc đặc biệt để dự phòng và phát hiện sớm các biến chứng bất thường như sốt, dấu hiệu nhiễm trùng khác, đau, thiếu máu, xuất huyết…. Để đảm bảo kết quả được tốt đẹp, bệnh nhân cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, thực hiện đúng hướng dẫn về thuốc và chế độ sinh hoạt. 

Tuân thủ các biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng và vấn đề sức khỏe khác theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, bệnh nhân cũng rất cần sự hỗ trợ tinh thần từ gia đình và đội ngũ y tế, giúp bệnh nhân giảm lo âu và căng thẳng.

Sau khi ra viện, bệnh nhân cần thực hiện xét nghiệm định kỳ để kiểm tra hiệu quả điều trị và phát hiện sớm biến chứng”, bác sĩ Phượng nhấn mạnh. 

Theo bác sĩ Phượng, ghép tế bào gốc sẽ được BHYT chi trả 1 phần chi phí tùy theo các đối tượng. Tuy nhiên, chi phí ghép tế bào gốc tự thân không quá cao, dao động chỉ khoảng 70-150 triệu và có thể tăng lên tuỳ theo diễn biến quá trình điều trị cũng như mức độ phức tạp của bệnh.  

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *