Mong ước tích cóp về quê làm kinh tế nhưng quá khó
9 giờ tối, sau gần 12 tiếng làm việc tăng ca mệt nhoài, anh Trịnh Văn Dần (41 tuổi, quê Chợ Mới, Bắc Kạn) cùng vợ mới về tới xóm trọ nhỏ ở Thái Nguyên để ăn bữa tối. Trong căn phòng chừng 10m2, đồ đạc đơn sơ chẳng có gì nhiều, vỏn vẹn chỉ có chiếc giường, chiếc tủ nhựa và cái bếp ga, mấy cái bát đôi đũa úp trong cái rổ là tài sản, nhưng với anh chị vậy là quá thoải mái rồi.
Vợ anh Dần, chị Nguyễn Thị Nhung cho biết vợ chồngchị làm công nhân ở khu công nghiệp Thái Nguyên đã được 10 năm. Trước đó, anh chị cũng từng lăn lộn nhiều nơi, cứ nơi nào công việc ổn định, thu nhập tốt thì anh chị gắn bó.
Hiện chị Nhung đang làm công nhân tại công ty sản xuất linh kiện điện tử của Nhật Bản. Thu nhập cũng ổn định, lương cứng được hơn 4 triệu đồng, nếu tăng ca thì thu nhập cũng được hơn 7 triệu đồng, còn chồng chị làm công ty chế biến gỗ, công việc vất vả hơn, làm tăng ca liên tục thì được hơn 10 triệu đồng/tháng.
“So với công việc ở quê thì công việc trong xưởng sản xuất linh kiện điện tử khá nhàn hạ, thu nhập cao hơn so với ở quê. Vì thế dù khó khăn, thiếu thốn, nhà cửa có chật hẹp chút thì vợ chồng tôi cũng cảm thấy chấp nhận được”, chị Nhung nói.
Mơ ước của vợ chồng chị Nhung là đi làm tiết kiệm được chút tiền để lo cho các con ăn học và có chút tiền về quê đầu tư mua rẫy làm ăn. Tính vậy, nhưng để mỗi tháng tiết kiệm được chừng 5-7 triệu đồng/tháng đối với anh chị là không dễ, anh chị phải tính toán rất kỹ.
Theo chị Nhung, một tháng trừ tiền ăn hết khoảng 3 triệu đồng, tiền nhà 1 triệu đồng; tiền chi tiêu lặt vặt 2 triệu đồng, số còn lại chị gửi về quê cho con ăn học hết 5 triệu đồng, mỗi tháng cũng tiết kiệm được chừng 4-5 triệu đồng, nhưng tháng có tháng không vì nếu vợ chồng ốm đau thì tiền lại cạn.
Ngày tăng 3 ca, chưa đủ tiền nuôi sống bản thân và gia đình
Cùng chung hoàn cảnh khó khăn, nhiều công nhân khác ở xóm trọ này phải lăn lộn, thậm chí tăng ca làm đủ nghề sau giờ đi làm ở xưởng.
Sau 2 giờ tăng ca ở nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, chị Hoàng Thị Thư, 34 tuổi (Định Từ Thái Nguyên) vội vàng trở về phòng trọ chật hẹp để chuẩn bị bữa cơm tối và chuẩn bị đi làm cho kịp giờ tăng “ca 3” đi dọn nhà thuê.
Nói chuẩn bị bữa tối cho sang chứ thực ra chị Thư chỉ mua vội mớ rau lang để ăn cùng con cá khô còn sót lại trong bữa cơm tối qua. “Ở một mình nên có gì ăn đó, tối qua ăn cơm còn con cá khô nên tôi chỉ mua thêm mới rau lang ăn cho qua bữa”, chị Thư tâm sự.
Căn phòng rộng khoảng 10m2 lợp mái tôn, cũ kĩ, chia tách thành phòng ngủ, phòng tắm, khu nấu ăn mới được chị thuê với giá 700.000 đồng/tháng. So với căn phòng trước đây chị thuê chung, thì căn phòng này xịn hơn nhiều. Trước đây, 4 chị em cùng công ty thuê căn phòng 15m2 nhưng nhà vệ sinh chung, ẩm thấp và chật chội hơn, tuy vậy, chị chỉ phải trả 200 nghìn đồng/tháng.
Là một trong số ít công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chồng bị bệnh tim bẩm sinh, con còn nhỏ đang đi học, chị phải làm trụ cột gia đình nên ngoài giờ làm ở công ty, chị Thư còn nhận thêm công việc dọn dẹp nhà cửa để có thêm thu nhập.
Như vậy, một ngày chị Thư phải tăng 3 ca. Ngoài giờ làm việc chính 8 tiếng, chị Thư tăng ca ở công ty, xong về lại làm “ca 3” đi dọn dẹp nhà thuê cho mọi người. Mỗi tháng cũng kiếm thêm được 1-2 triệu đồng.
Làm đủ công việc, tăng ca tối ngày nhưng thu nhập của chị Thư vẫn không đủ trả tiền nhà, tiền ăn, tiền học cho con và lo cho chồng mỗi khi ốm đau. Mỗi khi chồng phát bệnh là chị lại phải “giật gấu vá vai” vay mượn khắp nơi để lo cho chồng.
Chị Thư tâm sự: “Dù được công ty, công đoàn quan tâm, hỏi han động viên, thậm chí ngày lễ Tết cũng nhận được quà thăm hỏi nhưng mong ước của tôi là làm sao công ty có thể tăng thêm được chút tiền lương để có thêm tiền lo cho cuộc sống, gia đình”.
Mới đây trong chuyến công tác tại Thái Nguyên, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thừa nhận, việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận người lao động hiện nay rất khó khăn.
Theo ông Hiểu, phần lớn người lao động hiện nay đang làm việc cho các doanh nghiệp lĩnh vực thâm dụng lao động như: Dệt may, giày da, điện tử… việc làm bấp bênh, nguy cơ mất việc làm cao. Thu nhập thấp, họ phải làm thêm nhiều, thời gian làm việc kéo dài.
“Với mức lương trung bình khoảng 6 triệu đồng/tháng thì công nhân lao động chỉ đủ trang trải cho bản thân. Trong khi đó, các khoản chi phí như tiền thuê trọ, giá thực phẩm, điện nước… thời gian qua đều tăng cao. Chính vì thế cuộc sống của họ chỉ quanh quẩn ban ngày ở nhà máy, tối về ở phòng trọ. Đời sống khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần”, ông Hiểu chia sẻ.