tien-luong-nganh-nao-thuoc-top-cao-nhat-viet-nam,-len-toi-ca-tram-trieu-moi-thang?

Tiền lương ngành nào thuộc top cao nhất Việt Nam, lên tới cả trăm triệu mỗi tháng?

Tiền lương lao động làm công nghệ bán dẫn có thể lên tới cả trăm triệu đồng/tháng

Việt Nam hiện nay đang đứng trước cơ hội đầu tư từ các “ông lớn” trong ngành công nghiệp bán dẫn trong khu vực và quốc tế, song cũng đối mặt thách thức cạnh tranh từ nhiều quốc gia trong khu vực. Để tận dụng thời cơ, Việt Nam hiện đang đẩy nhanh và mạnh đầu tư đào tạo các kỹ sư bán dẫn nhằm củng cố và phát triển nguồn nhân sự phục vụ ngành… công nghiệp sản xuất, chế tạo.

Ghi nhận dữ liệu từ Cổng thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Việt Nam hiện có gần 5.600 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn. Trong khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang xây dựng Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn có mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư đến năm 2030. Điều này có nghĩa mỗi năm cả nước cần 10.000 kỹ sư bán dẫn đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nhân lực trong nước chỉ mới đảm bảo được 50% mục tiêu nhân sự mỗi năm đề ra.

Tiền lương ngành công nghệ bán dẫn có thuộc hệ cao nhất Việt Nam? - Ảnh 1.

Tiền lương của lao động làm trong ngành bán dẫn thuộc hàng cao nhất thế giới. Ảnh: Nguyệt Anh

Nhằm đáp ứng “cơn khát” nhân lực của ngành, từ doanh nghiệp đến các trường đại học Việt Nam đều đang đẩy mạnh đầu tư đào tạo và nâng cao năng lực cho đội kỹ sư trong ngành trong những năm tới.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bán dẫn, mức lương của kỹ sư trong ngành bán dẫn tương đối cao, khởi điểm thường dao động từ 15-20 triệu đồng/tháng và có thể tăng lên 50-70 triệu đồng/tháng sau 5-10 năm kinh nghiệm. Thậm chí, ở cấp quản lý mức lương có thể dao động từ 100-200 triệu đồng. Đây có thể là mức lương hấp dẫn, được xem là cao nhất nhì Việt Nam trong nhóm các ngành công nghiệp hiện nay.

Dù tiền lương cao nhưng việc đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ bán dẫn gặp nhiều khó khăn

Mặc dù là ngành nghề mới, lương cao nhưng hiện nay lao động làm trong ngành này khá khan hiếm. Trong khi đó, công tác đào tạo nhân lực cho ngành này lại gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi với PV Báo Dân Việt tại Lễ Khai giảng năm học mới 2024 -2025, ông Nguyễn Quốc Huy – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện xây dựng Bắc Ninh cho biết, nắm bắt được thực trạng trên, hiện nay trường cũng đang định hướng tăng cường nguồn lực để đào tạo lao động ngành bán dẫn, tuy nhiên hoạt động đào tạo cũng gặp nhiều khó khăn. 

Ông Huy cho rằng ngành công nghệ bán dẫn không phải chỉ đào tạo chuyên về thiết kế hoặc chế tạo bán dẫn mà còn rất nhiều ngành nghề liên quan tới phục vụ, hỗ trợ… nên nhà trường định hướng sẽ đào tạo đa ngành, đa nghề.

Tiền lương ngành công nghệ bán dẫn có thuộc hệ cao nhất Việt Nam? - Ảnh 2.

Mặc dù thị trường đang khan hiếm lao động làm nghề bán dẫn nhưng việc đào tạo lại rất hạn chế vì gặp khó khăn. Ảnh: N.T

“Trường đang phối hợp với doanh nghiệp để đầu tư trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo ngành nghệ bán dẫn. Hiện trường cũng đã thuê các robot hiện đại để phục vụ giảng dạy cho các chuyên ngành này. Trường cũng phối hợp với doanh nghiệp dạy nghề theo đơn đặt hàng với doanh nghiệp”, ông Huy nói.

Cũng theo ông Huy, việc đào tạo ngành nghề bán dẫn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Đầu tiên là chưa có mã ngành, nghề do Bộ LĐTBXH ban hành. Bên cạnh đó, thiếu giáo viên, nhà trường đang phải cử giáo viên đi đào tạo. Thứ 3 là thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất cho việc đào tạo, trang thiết bị của ngành nghề này cũng khá nhiều đắt. 

“Hiện nay nhà trường mới đang chuẩn bị mã ngành nghề đào tạo chứ chưa đào tạo, tuy vậy tất cả các ngành nghề mà nhà trường đang đào tạo cũng đã tiệm cận với ngành công nghệ bán dẫn. Chúng tôi kiến nghị Bộ LĐTBXH ban hành mã ngành nghề, đồng thời ban hành chuẩn đầu ra cho ngành nghề mới để trường chuẩn bị tốt cho việc đào tạo, đảm bảo chất lượng nguồn lao động”, ông Huy nói thêm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *