Chương trình mục tiêu Quốc gia
Theo ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận (Sở VHTTDL), giải thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận lần thứ I, nằm trong Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024, hiện tại các địa phương đang khẩn trương chuẩn bị cho ngày hội lớn này.
Theo đó, giải sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 8/9 tại TP Phan Thiết(Bình Thuận), với nhiều môn thể thao hấp dẫn như bóng đá nam 5 người, đẩy gậy(diễn ra tại Nhà thi đấu tổng hợp tỉnh Bình Thuận, số 28 đường Nguyễn Tất Thành, phường Hưng Long, TP. Phan Thiết).
Hay các môn việt dã, đi cà kheo, nhảy bao bố (diễn ra tại sân vận động Phan Thiết, số 135 đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Phú Trinh, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).
Theo Sở VHTTDL tỉnh Bình Thuận, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội trong đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và thể dục thể thao tỉnh Bình Thuận.
Song song đó là triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Thuận.
Đồng thời thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp tỉnh Bình Thuận lần thứ IV năm 2024, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030 và Nâng cao sức khoẻ, tăng cường tình đoàn kết gắn bó trong cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian theo định hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…
Ngày hội của đồng bào dân tộc
Sở VHTTDL tỉnh Bình Thuận đã ban hành kế hoạch tổ chức ngày Hội thể thao các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh lần thứ I năm 2024. Đối tượng tham gia là đồng bào dân tộc thiểu số hiện đang học tập, làm việc và sinh sống trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Theo đó, mỗi xã thành lập 1 đoàn tham gia giải cấp huyện và mỗi huyện thành lập 1 đoàn tham gia giải cấp tỉnh. Hội thao sẽ thi đấu 5 nội dung như: Bóng đá nam 5 người, đẩy gậy nam, nữ, giải việt dã nam, nữ, đi cà kheo, nhảy bao bố.
Đối với cấp huyện chia thành 2 khu vực. Khu vực phía Bắc là huyện Bắc Bình là địa phương đăng cai tổ chức gồm các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc. Khu vực phía Nam huyện Tánh Linh là địa phương đăng cai tổ chức gồm các huyện: Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh và Đức Linh.
Theo Sở VHTTDL tỉnh Bình Thuận, giải thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận lần thứ I năm 2024 sẽ là ngày hội mang đậm bản sắc văn hóa trong cộng đồng các dân tộc ở địa phương. Là cơ hội để các hạt nhân thể thao phong trào giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với nhau.
Đồng bào huyện Tánh Linh tham gia nhiệt tình
Ngày 29/8, trao đổi với Dân Việt, ông Giáp Hà Bắc, Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh cho biết, là địa phương đăng cai tổ chức giải thể thao các dân tộc thiểu số khu vực phía Nam tỉnh Bình Thuận lần thứ I năm 2024 thành công tốt đẹp.
Giải thể thao các dân tộc thiểu số khu vực phía Nam tỉnh Bình Thuận do huyện Tánh Linh đăng cai năm nay được tổ chức với các nội dung thi đấu gồm: Bóng đá nam 5 người, đẩy gậy nam – nữ, việt dã nam – nữ, đi cà kheo, nhảy bao bố.
Theo Ban tổ chức, sau khi phát động đã có nhiều người dân đang sinh sống trên địa bàn huyện Tánh Linh là đồng bào dân tộc thiểu đăng ký tham gia.
Hầu hết những người đăng ký là con em đồng bào đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn huyện Tánh Linh.
Các xã đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Tánh Linh gồm UBND xã Măng Tố, La Ngâu, Đức Bình, Đức Thuận, Gia Huynh, Suối Kiết và thị trấn Lạc Tánh đều thành lập đoàn vận động viên đại diện cho xã tham gia giải thể thao. Nhờ đó mà hội thao đã thành công tốt đẹp…
Theo ông Giáp Hà Bắc, thông qua hội thao này, huyện Tánh Linh còn hướng đến phát triển rộng rãi phong trào tập luyện, thi đấu thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe, tăng cường tình đoàn kết gắn bó trong cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tánh Linh.
“Cùng với đó khai thác và phát triển các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian theo định hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số tích cực tham gia cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở…”, ông Giáp Hà Bắc thông tin.
Bình Thuận quan tâm phát triển giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số
Theo Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận, trên địa bàn hiện có 34 dân tộc thiểu số (DTTS), với dân số trên 100 nghìn người, chiếm tỷ lệ 8% dân số của tỉnh.
Trong những năm qua, cùng với việc thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương, tỉnh Bình Thuận đã ban hành nhiều chính sách đặc thù nhằm cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, nhất là công tác gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc luôn được quan tâm và đạt được những kết quả quan trọng.
Củ thể là cung cấp thông tin, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước cho các đối tượng là chức sắc, già làng, người có uy tín…thông qua hội nghị, các lớp tập huấn.
Tranh thủ, vận động chức sắc tôn giáo, già làng, Trưởng bản, Người có uy tín tích cực tuyên truyền, giáo dục con cháu, cộng đồng phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, thực hiện việc cưới, việc tang, lễ hội để cùng xây dựng nếp sống mới, gia đình văn hóa phù hợp với tình hình.
Việc phát triển văn hóa các dân tộc có chuyển biến tích cực, bước đầu gắn kết hiệu quả giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch.
Các lễ hội truyền thống của đồng bào được phục dựng. Ngày hội văn hóa các dân tộc; Đại hội đại biểu các DTTS được duy trì. Các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống được khôi phục, bảo tồn và phát huy; trong đó, chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề (gốm, dệt), trang phục, tiếng nói, chữ viết, lễ hội…
Công tác thông tin, truyền thông được chú trọng hoàn thiện và nâng cao. Các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống loa truyền thanh không dây, sân chơi thể thao… được đầu tư xây dựng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã góp phần xây dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú.
Thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025, đã chỉ đạo thực hiện kịp thời, đầy đủ từng nội dung của Dự án, với tổng vốn ngân sách giai đoạn 2021-2025 thực hiện 36.677 triệu đồng.