lam-ban-ve-chuyen-“phat-trach-nhiem-xa-hoi-voi-nguoi-doc-than”

Lạm bàn về chuyện “phạt trách nhiệm xã hội với người độc thân”

Vừa qua, dư luận một phen xôn xao khi nghe thông tin Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời cử tri TP.HCM bằng văn bản về “đề nghị có biện pháp cụ thể để nâng tỷ lệ sinh ở các vùng đô thị, không để tình trạng già hóa dân số từ đó dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động”, đã đề cập đến biện pháp “Phạt trách nhiệm xã hội đối với người độc thân”.

Thực hư việc này ra sao và cần hiểu như thế nào và việc “Phạt trách nhiệm xã hội với người độc thân”?

Thực tế, theo tìm hiểu của người viết, Quyết định 588/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ ban hành có nêu ra một nhiệm vụ, hoạt động ưu tiên cần thực hiện ngay để cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp với đặc điểm mức sinh của các địa phương có mức sinh khác nhau đó là:

“Hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con: Mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em; xây dựng mô hình quản lý, phát triển kinh tế gia đinh; từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn”.

Sau đó, tại Công văn 4737/BYT-VPB1 năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri TP.HCM trước Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan có nhắc lại nhiệm vụ trên tại Quyết định 588/QĐ-TTg năm 2020. Như vậy, tại các văn bản trên đều không có quy định về việc sẽ “phạt trách nhiệm xã hội với người độc thân”.

Tuy vậy, theo tìm hiểu sâu hơn của người viết, ở những quốc gia văn minh, phát triển trên thế giới có mức sống cao, họ không trực tiếp tiến hành “phạt trách nhiệm xã hội những người sống độc thân” mà thay vào đó bằng việc đánh thuế người sống độc thân rất cao.

Chẳng hạn như Thuỵ Điển, nơi tôi có dịp sang đó học nghiệp vụ báo chí từ năm 1999 và có tìm hiểu thì họ đánh thuế người sống độc thân với người nào đã đến ngưỡng cần lập gia đình mà không thực hiện. Mức thuế khá cao lên đến 30 %. Cũng có nhiều quốc gia trên thế giới đánh thuế như vậy…

Hay tại Mỹ, thông tin qua báo chí cho thấy, khi hai người kết hôn và quyết định khai thuế chung, mức thuế giảm trừ có thể lên tới 29.200 USD, so với 14.600 USD khi khai thuế dưới danh nghĩa cá nhân. 

Nếu một trong hai người có thu nhập kém hơn nhiều so với người còn lại, việc khai thuế chung có thể giúp hai vợ chồng được hưởng ưu đãi theo mức thuế của người có thu nhập thấp hơn, thay vì chịu thuế cao. Đây là những đặc quyền mà người độc thân sẽ không được hưởng…

Ở Việt Nam, người lao động có con sẽ được trừ thu nhập chịu thuế, hưởng ưu đãi về giảm trừ gia cảnh phù hợp. Hay tại nhiều doanh nghiệp, đơn vị, họ đều có chính sách hỗ trợ cho những người đã có gia đình và có con và đây là những ưu tiên mà người độc thân không được hưởng.

Số liệu công bố mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong khoảng hơn 30 năm qua, xu hướng hôn nhân ở nước ta thay đổi rất lớn. Tuổi kết hôn tăng mạnh nhưng tỷ lệ kết hôn giảm. Từ 1989 – 2023, trung bình độ tuổi kết hôn lần đầu của nam là từ 24,4 và nữ 23,2; đã tăng lên 29,3 với nam và 25,1 với nữ. Tỷ lệ người độc thân từ 6,23% năm 2004 lên 10,1% năm 2019.

Xu hướng không muốn hoặc sinh 1 con đang lan rộng trong các đô thị, nhất là những TP lớn. Tại TP.HCM, số liệu thống kê vào tháng 7/2024 cho thấy, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 30,4 – mức “kỷ lục” tại Việt Nam. Đó là những số liệu đáng suy nghĩ.

Có thể hiểu, trong xã hội hiện đại, việc chậm xây dựng gia đình thường đang là xu hướng chung. Họ muốn có thời gian để xây dựng sự nghiệp, để học tập và thành đạt trước rồi mới tính chuyện lấy vợ, lấy chồng sinh con. Rồi cũng có thể họ chưa tìm được bạn đời phù hợp. Cũng có thể sợ trách nhiệm làm mẹ, làm vợ…

Chúng ta chưa phạt cũng như đánh thuế người độc thân, nhưng thử giả dụ đến lúc phải thực hiện việc “đánh thuế” với người độc thân (cứ xem như đó là biện pháp để phạt trách nhiệm xã hội với người độc thân), số tiền bao nhiêu là phù hợp? Vài trăm nghìn đồng liệu có tác dụng gì? Còn nếu đánh thuế đến vài ba chục phần trăm thu nhập của mỗi người như một số nước kể trên đã áp dụng, chắc chắn sẽ bị phản ứng dữ dội bởi lương hiện nay của chúng ta rất thấp so với mặt bằng chung của thế giới.

Chưa kể luật pháp của ta cũng còn nhiều kẽ hở nên biết đâu người ta sẽ đối phó bằng nhiều cách, trong đó có cả kết hôn giả để trốn thuế nếu mỗi tháng bị mất đến vài triệu đồng tiền thuế.

Một kỹ sư vừa ra trường đi làm cho Nhà nước, lương mới như bây giờ cũng chỉ gần 5,5 triệu đồng thì đâu đã sống nổi trong khi tiền thuê nhà trọ ít nhất cũng trên đôi ba triệu. Nếu họ lấy vợ sinh con nữa sẽ ra sao? Nuôi một đưa trẻ ở thành phố hiện cũng mất từ 5 – 10 triệu đồng. Nếu không được học trường công, phải học tư thục cũng thêm 4- 5 triệu đồng nữa.

Việc xuất hiện tình trạng ly hôn nhiều như hiện nay phải chăng có một phần cũng từ kinh tế khó khăn, nảy sinh mâu thuẫn và phải chia tay?

Việc giảm mức sinh như mười mấy năm qua có thể sẽ ảnh hưởng lâu dài đến phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Song, khi mà những cặp vợ chồng trẻ vẫn còn vật vã với chuyện lo toan phải nuôi dạy con cái do chi phí sinh hoạt đắt đỏ, thu nhập thấp…, Nhà nước quả rất khó đòi hỏi họ “phải sinh con vì đất nước”. Đó là một thực tế không dễ giải chỉ bằng khẩu hiệu, bằng việc kêu gọi tinh thần yêu nước chung chung…

Lạm bàn về chuyện

Tác giả bài viết, nhà báo Quốc Phong. Ảnh: DV

Trong khi đó, chính sách an sinh xã hội của nhà nước ta hiện nay với người lao động hiện gần như không có gì được coi là khuyến khích với vợ chồng trẻ. 

Nhà ở xã hội thì chờ mỏi mắt cũng chưa đến lượt vì tốc độ xây dựng cho đối tượng nói trên rất nhỏ giọt, lại thiếu tính bứt phá vì cơ chế, chính sách của ta thiếu đồng bộ… Lãnh đạo một doanh nghiệp mà tôi quen biết đã phàn nàn rằng, công ty ông đã lập dự án xây nhà ở xã hội đến 5 năm nay mà vẫn chưa được phê duyệt trong khi đất họ thuê của Nhà nước phải bỏ hoang…

Cần hiểu rằng, dù xu hướng sống hiện đại có thay đổi nếp nghĩ của những người trẻ đến mấy đi nữa thì về cơ bản, chúng ta ai cũng hướng đến có được một ngôi nhà hạnh phúc, vợ chồng con cái đầy đủ, no ấm… Các biện pháp nhằm khuyến khích việc tăng tỷ lệ sinh của Nhà nước sẽ thực sự hiệu quả nếu như mỗi người đều thấy được họ không bị áp lực bởi những vấn đề xã hội, đặc biệt là nghĩa vụ tài chính khi lập gia đình.

Do đó, nếu như Nhà nước muốn tính tới những biện pháp nhằm khuyến khích sinh hay chế tài, tăng trách nhiệm xã hội với người độc thân, thì việc trước tiên là hãy thực hiện những giải pháp để nâng cao mức sống xã hội, đảm bảo an sinh, giảm bớt áp lực tài chính đối với những người trẻ mới lập gia đình. Đó mới là những giải pháp căn cơ, lâu dài.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *