Du lịch Việt Bắc thu hút như một chứng chỉ về “di sản xanh”
Hội nghị ký kết toàn diện về quảng bá truyền thông di sản vùng Việt Bắc giữa Tạp chí Du lịch TP.HCM và 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên diễn ra chiều 26/8 tại thành phố Bắc Kạn.
Đây là sự kiện trong khuôn khổ chương trình “Du lịch qua những vùng di sản Việt Bắc,” mở ra một chương mới trong việc quảng bá văn hóa du lịch của vùng, là cơ hội để giới thiệu văn hóa du lịch vùng Việt Bắc tới độc giả và du khách cả nước.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh số ngành du lịch cả nước đạt 436.000 tỷ đồng. Trong số đó, 6 tỉnh vùng Việt Bắc gồm Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang và Thái Nguyên đạt hơn 13.000 tỷ đồng. Con số này phản ánh sự đóng góp còn khiêm tốn của du lịch vùng Việt Bắc so với tổng doanh thu ngành, song mặt khác lại cho thấy bức tranh về tiềm năng du lịch to lớn mà các địa phương trong vùng đang để ngỏ.
Với nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn và sự nhiệt tình, mến khách, du lịch 6 tỉnh Việt Bắc mong muốn sẽ trở thành “Điểm đến” lý thú, an toàn, thân thiện và hấp dẫn đối với đông đảo người dân và du khách trong và ngoài nước.
Tại hội nghị, ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, vùng Chiến khu Việt Bắc là vùng đất hội tụ đủ những yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Nơi đây vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn làm căn cứ địa cách mạng lãnh đạo toàn dân tộc tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền và kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Giờ đây, mỗi địa danh đều gắn liền với những chiến công và sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc.
Tại hội nghị ông Hưng bày tỏ mong muốn với niềm tin vào kinh nghiệm, trí tuệ và tình cảm của các đại biểu, nhà quản lý, nhà báo, chuyên gia văn hoá, kinh tế, du lịch đến từ TP.HCM, TP. Hà Nội và các địa phương…
“Tôi mong muốn hội nghị sẽ có nhiều trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thẳng thắn, cởi mở và đi đến thống nhất để kết quả hội nghị sẽ góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và quảng bá một vùng di sản giàu có và đáng tự hào của tổ quốc mang tên Việt Bắc”, ông Hưng chia sẻ.
Việt Bắc là một trong 7 vùng di sản văn hóa của Việt Nam, nhờ vào điều kiện tự nhiên đặc biệt, bao gồm địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng và văn hóa phong phú. Những điểm đến nổi tiếng như Công viên địa chất toàn cầu Hà Giang – Cao Bằng – Lạng Sơn, cũng như các vùng non nước hữu tình như Cao Bằng, Bắc Kạn và Tuyên Quang, đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước như một chứng chỉ về “di sản xanh”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ, từ lâu, chiến khu Việt Bắc đã nổi danh với các di sản phi vật thể cực kỳ quan trọng, dù là về phương diện chính trị hay phương diện kinh tế, du lịch. Chính vì vậy, chúng ta cần trân trọng và khai thác một cách cẩn trọng.
“Nếu như trước đây vào thời kháng chiến, vùng “Cao – Bắc – Lạng – Hà – Tuyên – Thái” là trung tâm của đất nước, thì bây giờ chúng ta cần biến những chuyến đi tới đây thành những cuộc hành hương. Những thế hệ sau này sẽ không có cùng ký ức với những thế hệ trước vì không sống qua những năm tháng ấy, tuy nhiên, trách nhiệm của chúng ta là gìn giữ và trao truyền cho thế hệ nối tiếp.
Ngoài những công trình bia tưởng niệm, các sự kiện tưởng nhớ mỗi năm, chúng ta cần quan tâm hơn vào những di tích lịch sử đã bị bỏ quên như Lán Đồng Minh tại khu rừng Nà Nưa. Nhiều di tích bị lãng quên vì lý do chính trị trong quá khứ, nhưng khi đã bước vào thời kỳ đổi mới, chúng ta cần trân trọng và khai thác du lịch ở những nơi ấy.”
GS Phan Văn Đức, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đóng góp ý kiến tại hội nghị: “Ngành du lịch ở địa phương chưa tốt vì có nhiều lý do, trong đó có thể kể đến như kinh tế của địa phương chậm phát triển và cách quảng bá chưa hiệu quả.
Ở khía cạnh quảng bá, tôi rất hoan nghênh việc Tạp chí Du lịch TP.HCM và 6 tỉnh Việt Bắc đã liên kết để cùng quảng bá. Trong bối cảnh khi đầu tư vào du lịch chưa được tốt mà đã có sẵn lợi thế về điều kiện tự nhiên, thì việc quảng bá thông qua các kênh như vậy sẽ phát huy được thế mạnh sẵn có, góp phần tăng cao số lượng du khách tới đây.”
Du lịch Việt Bắc: Làm sao để “đánh thức nàng công chúa ngủ trong rừng” ở 6 tỉnh Việt Bắc?
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng biên tập Tạp chí Du lịch TP.HCM cho biết, việc ký kết này là kết quả của các chương trình hợp tác quảng bá du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh Tây Bắc, cũng như giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Bắc.
“Chúng tôi hy vọng Hội nghị Ký kết toàn diện về truyền thông giữa Tạp chí và 6 tỉnh vùng Việt Bắc sẽ mở ra một chương mới trong hợp tác truyền tải thông tin của vùng di sản 6 tỉnh Việt Bắc đến với đông đảo độc giả và du khách phía Nam nói riêng, độc giả cả nước nói chung. Từ đó, giúp tìm ra một con đường phát triển du lịch bền vững, phù hợp với nguồn tài nguyên quý giá của Vùng di sản Xanh – Vùng Di sản gắn liền với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc”, bà Hà chia sẻ.
Ông Nguyễn Mạnh Bình San, Chuyên gia Quy hoạch xanh – Viện Kiến trúc quy hoạch nhấn mạnh, 6 tỉnh Việt Bắc là nơi có nhiều tiềm năng, nên cần quy hoạch cơ hội.
“Cơ hội luôn có nhưng chúng ta không thể trao cho ai cũng được, mà cần phải trao cho đúng người để có thể phát triển cơ hội đó. Tôi mong muốn đẩy mạnh du lịch các tỉnh Việt Bắc. Đây là vùng non nước hữu tình, đậm đà bản sắc văn hoá. Quy hoạch cơ hội nhưng không phải cơ hội trao cho bất kỳ ai. Làm sao để đánh thức nàng công chúa nhưng không phải hoàng tử nào cũng được giao đánh thức nàng công chúa đâu. Tại buổi hội nghị hôm nay, chúng ta không chỉ có các chuyên gia, các công ty du lịch, mà còn đó những nhà đầu tư”, ông San chia sẻ.
Gửi gắm nhiều tâm tư chia sẻ, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch CLB du lịch cộng đồng nông nghiệp Việt Nam và Chủ tịch Lửa Việt Tour, đại diện đoàn lữ hành từ TP.HCM cho rằng, Việt Bắc là vùng đất có tiềm năng du lịch lớn với danh thắng, văn hóa, lịch sử, và ẩm thực đặc sắc.
“Mặc dù Việt Bắc thiếu biển nhưng vùng này đang sở hữu những lợi thế độc đáo mà nhiều vùng khác không có. Việc cần làm ngay của chúng ta là cải thiện tinh thần và thái độ phục vụ, bên cạnh việc xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên các lợi thế sẵn có. Việt Bắc nên trở thành điểm đến du lịch sinh thái xanh trọng điểm của cả nước, song hành với du lịch biển ở Việt Nam”, ông Mỹ chia sẻ.